Thông điệp từ chuyến thăm bất ngờ

.

Thế vận hội mùa đông Pyeongchang 2018 hồi tháng 2 vừa qua tại Hàn Quốc là cơ hội hiếm có để hai miền Triều Tiên nối lại các cuộc giao lưu, dẫn đến hội nghị thượng đỉnh lịch sử giữa Tổng thống Moon Jae-in và nhà lãnh đạo Kim Jong-un vào ngày 27-4 tới tại Nhà hòa bình ở phía nam làng đình chiến Panmunjom.

Quyết định về thời điểm gặp thượng đỉnh liên Triều được đưa ra trong khuôn khổ cuộc đối thoại giữa hai miền ngày 29-3 tại Tongilgak - tòa nhà của Triều Tiên ở làng đình chiến Panmunjom. Không dừng lại ở đó, thông qua Hàn Quốc, CHDCND Triều Tiên phát đi tín hiệu sẵn sàng có cuộc gặp giữa nhà lãnh đạo Kim Jong-un với Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Thật bất ngờ, ông Trump đã nhận lời với một số điều kiện như Bình Nhưỡng không tiến hành thử hạt nhân và tên lửa; Mỹ - Hàn vẫn tập trận sau khi Thế vận hội dành cho người khuyết tật kết thúc. Những điều kiện này được Triều Tiên chấp nhận.

Quyết định ông Trump được tờ Les Echos (Pháp) khẳng định: Điều làm mọi người sẽ nhớ, đó là lãnh đạo một nước có 25 triệu dân, với thu nhập tính theo đầu người gần như thấp nhất thế giới, lại có thể ngồi ngang hàng, tiến hành đàm phán với tổng thống của siêu cường số một thế giới về kinh tế và quân sự, có 325 triệu dân.

Tờ Les Echos phân tích, khi chấp nhận cuộc gặp với ông Kim Jong-un, Tổng thống Trump không chỉ gây bất ngờ lớn, mà còn áp dụng một nguyên tắc bất di bất dịch về răn đe hạt nhân (có thể ông cũng không biết mình đã áp dụng): vũ khí nguyên tử vẫn là công cụ giúp cân bằng sức mạnh giữa những quốc gia sở hữu loại vũ khí này, bất kể đó là nước nhỏ hay lớn. Hay ít ra là trên lý thuyết, việc sở hữu hạt nhân tạo ra khả năng đe dọa tàn phá bất kể quốc gia hay thực thể nào có ý định sử dụng loại vũ khí này trước tiên.

Mặc dù vậy, một số chính giới phương Tây vẫn nghi ngờ về tính thiện chí của Triều Tiên để đi đến bàn đàm phán. Bởi lẽ trước đây, không ít lần các thỏa thuận đã bị phá bỏ vào giờ cuối vì những động thái của Bình Nhưỡng về các hoạt động liên quan đến vấn đề hạt nhân.

Song, theo xác nhận của cả Trung Quốc lẫn CHDCND Triều Tiên, ông Kim Jong-un đã bất ngờ thăm Bắc Kinh và tái khẳng định sẵn sàng đối thoại cũng như gặp thượng đỉnh với Mỹ.

Giới phân tích nhận định, động thái trên là cuộc tổng duyệt, đồng thời là thông điệp tích cực nhằm chuẩn bị cho các cuộc gặp thượng đỉnh đang được lên kế hoạch giữa nhà lãnh đạo Kim Jong-un với Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in vào ngày 27-4 và Tổng thống Mỹ Trump vào cuối tháng 5.

Ở một khía cạnh khác, chuyên gia Cheng Xiaohe tại Đại học Renmin (Trung Quốc) cho rằng: “Trong thời khắc lịch sử trước thềm thượng đỉnh Triều - Hàn và Mỹ - Triều, Trung Quốc cảm thấy vai trò của mình bị lung lay và muốn khôi phục lại vị thế hàng đầu trong việc giải quyết vấn đề Triều Tiên”. GS. Zhang Liangui lại cho rằng: “Vấn đề hạt nhân Triều Tiên không thể giải quyết chỉ thông qua các cuộc đàm phán giữa Mỹ và Triều Tiên bởi đây là vấn đề liên quan đến an ninh toàn khu vực chứ không phải là vấn đề về mối quan hệ giữa Washington và Bình Nhưỡng”.

Ông Tong Zhao tại Trung tâm Carnegie Tsinghua về chính sách toàn cầu có trụ sở tại Bắc Kinh nhận định, chuyến thăm Trung Quốc của ông Kim Jong-un nhiều khả năng là để nhà lãnh đạo Triều Tiên tranh thủ sự ủng hộ của Bắc Kinh trước thềm cuộc gặp thượng đỉnh với Tổng thống Trump trong trường hợp các cuộc đàm phán ngoại giao thất bại vì Bình Nhưỡng muốn nhận được sự bảo đảm từ Trung Quốc. Hơn nữa, không thể phủ nhận ảnh hưởng rất đáng kể của Trung Quốc với Triều Tiên, ít nhất là trong lĩnh vực kinh tế. Đồng thời, Bình Nhưỡng cũng muốn khẳng định rằng, Triều Tiên không vì muốn “xích lại” gần Mỹ mà “bỏ rơi” Bắc Kinh.

TUYẾT MINH

;
.
.
.
.
.
.