Phát biểu trong cuộc họp báo tại Nhà Trắng với lãnh đạo 3 nước Baltic đang có chuyến thăm Mỹ ngày 3-4, Tổng thống Donald Trump khẳng định: “Tôi muốn đưa quân đội Mỹ về nước”. Ông nhấn mạnh nhiệm vụ chính của Mỹ tại Syria là xóa sổ tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng và Washington gần như đã hoàn thành sứ mệnh.
Trước đó, trong chuyến công du bang Ohio, Tổng thống Trump cho hay: “Chúng ta sẽ rút khỏi Syria sớm. Hãy để những nước khác lo chuyện này”. Đồng thời, Nhà Trắng ra lệnh Bộ Ngoại giao Mỹ “đóng băng” khoản viện trợ tái thiết 200 triệu USD cho Syria.
Vậy đằng sau tuyên bố bất ngờ này của ông Trump là gì?
Theo các nhà quan sát quốc tế, 7 năm qua, Syria đối mặt với 2 cuộc chiến song trùng: cuộc nội chiến giữa lực lượng đối lập với chính phủ của Tổng thống Bashar al-Assad và cuộc chiến chống IS. Mỹ đã cùng một số quốc gia thành lập liên minh quốc tế để vừa can thiệp vào cuộc nội chiến khi ủng hộ lực lượng đối lập chống ông Assad, vừa chống IS. Mỹ cũng đã đưa 2.000 quân và nhiều phương tiện chiến tranh vào Syria.
Trong khi đó, Nga và Iran ủng hộ Tổng thống Assad để chống lực lượng đối lập và IS. Từ thế bị động, quân đội của chính phủ Syria đã nhanh chóng giành thế chủ động trên chiến trường, giải phóng nhiều vùng đất rộng lớn, đẩy IS vào thế suy yếu hoàn toàn. Đặc biệt mới đây, quân đội Syria giải phóng hoàn toàn thị trấn Douma, thành trì cuối cùng ở “điểm nóng” đông Ghouta, gần thủ đô Damascus. Có lẽ vì vậy mà ông Trump cho rằng: “Chúng ta đã tống IS trở lại địa ngục. Chúng ta sẽ sớm rời khỏi Syria. Sẽ rất sớm thôi, quân đội Mỹ sẽ rút khỏi Syria. Chúng ta đã giải phóng 100% vùng đất này khỏi IS”.
Theo các nhà quan sát, vì mục tiêu “nước Mỹ trên hết” nên tuyên bố rút quân của ông Trump có lẽ nhằm thu phục cử tri. Ông Trump muốn chứng tỏ mình trung thành với khẩu hiệu tranh cử “vì nước Mỹ”, nên đã viện dẫn con số khá thú vị khi mạnh mẽ lên án việc Mỹ đã tiêu tốn 7 tỷ USD cho khu vực Trung Đông suốt 17 năm qua, nhưng “chẳng mang lại gì, ngoài chết chóc và sự tàn phá”. Ông Trump cũng đề cập việc Lầu Năm Góc đang duy trì 32.000 binh sĩ tại biên giới liên Triều để bảo vệ Hàn Quốc trong khi an ninh khu vực biên giới giữa Mỹ và Mexico không được quan tâm đúng mực.
Với những so sánh như vậy nên có thể ông Trump không ngần ngại thay đổi chính sách về Trung Đông là “giã từ cuộc chơi” ở chiến trường Syria, để giao cho “nước khác” lo chăng? “Nước khác” chính là Nga - quốc gia bất ngờ tham gia cuộc chiến chống IS ở Syria năm 2014 bằng cách hỗ trợ đắc lực chính phủ của Tổng thống Assad.
Những lý do trên có thể coi là căn bản để ông Trump quyết định rút quân khỏi Syria nhằm thu phục cử tri Mỹ. Nhưng liệu Lầu Năm Góc và các chính giới diều hâu của Mỹ sẽ đứng nhìn chủ nhân đưa ra quyết định nói trên một cách dễ dàng hay sao?
Ở một phương diện khác không kém phần quan trọng là Mỹ có chịu rút lui để vai trò của Nga ngày càng lớn mạnh hay không mới là vấn đề được các nhà quan sát chú ý nhất. Bà Angela Stent, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu Á - Âu tại Đại học Georgetown nói rằng, nếu Mỹ rút khỏi Syria, có khả năng Nga sẽ “rảnh tay” ở quốc gia Trung Đông này và các lực lượng chống đối Tổng thống Assad sẽ bị suy yếu. Mặt khác, theo bà Stent, việc Mỹ rút khỏi Syria sẽ đưa Nga trở thành “nhà bảo trợ chính” trong khu vực.
Bên cạnh đó, bà Stent cũng nói rằng, việc Mỹ rút khỏi Syria cũng sẽ như “nước đẩy thuyền” cho Iran, tạo điều kiện để Tehran gia tăng ảnh hưởng không chỉ ở Syria mà còn trong khu vực. Theo bà, nếu ông Trump muốn áp dụng chính sách chặt chẽ hơn đối với Iran thì việc Mỹ rút khỏi Syria chẳng khác nào “tự cắt mũi mình”.
Như vậy, tuyên bố “giã từ cuộc chơi” của ông Trump chỉ là liều thuốc an thần nhẹ để thu hút sự ủng hộ dành cho đảng Cộng hòa trước bầu cử Quốc hội giữa nhiệm kỳ, chứ không thể là quyết định có hiệu lực ngay. Hơn nửa thế kỷ qua, Trung Đông vẫn là khu vực có tầm ảnh hưởng lớn về địa chính trị đối với chính sách đối ngoại của Mỹ nên ông Trump không thể rời cuộc chơi một sớm một chiều khi sự trỗi dậy của Nga là “cái gai” mà Washington không thể bỏ qua, ít nhất là trong bối cảnh hiện nay.
TUYẾT MINH