Tiêu chuẩn kép về "dân chủ, nhân quyền"

Trong thế giới đương đại, Mỹ và các đồng minh phương Tây luôn sử dụng vấn đề dân chủ, nhân quyền làm công cụ quan trọng cho các đề tài thảo luận không những trên các diễn đàn song phương, đa phương, mà còn chuyển hóa thành những yếu tố “ràng buộc” trong quan hệ quân sự, chính trị, kinh tế, văn hóa… với phần còn lại của thế giới. Thậm chí, họ biến vấn đề “dân chủ, nhân quyền” thành tiêu chuẩn kép để hoạch định các chính sách nhằm áp đặt trong các thỏa thuận kinh tế, các biện pháp trừng phạt, hoặc phát động các cuộc chiến tranh khốc liệt.

Hay nói cách khác, Mỹ và phương Tây đã sử dụng tiêu chuẩn kép về “dân chủ, nhân quyền” để thực hiện chính sách đối ngoại của mình và luôn áp đặt một cách trắng trợn lên các quốc gia khác.

Bức tranh toàn cảnh của thế giới trong những thập niên qua cho chúng ta thấy rõ chính sách ngoại giao của Mỹ và các đồng minh phương Tây chẳng có gì là phổ biến tự do, dân chủ, nhân quyền và sự giải phóng trên toàn cầu, mà thực ra chỉ là chuyện bảo vệ các lợi ích của chính họ mà thôi.

Thực tế chứng minh, Mỹ cùng các đồng minh phương Tây đã bất chấp Hiến chương Liên Hợp Quốc (LHQ) và luật pháp quốc tế phát động nhiều cuộc chiến tranh xâm lược núp dưới chiêu bài “xúc tiến dân chủ” sang các quốc gia khác, mà ở đó theo họ là có sự “vi phạm nhân quyền” và “không có tự do dân chủ”… Mỹ cùng các đồng minh phương Tây đã đơn phương phát động cuộc chiến tranh xâm lược Nam Tư năm 1999 với khẩu hiệu “bảo vệ nhân quyền”; cuộc chiến tranh xâm lược Afghanistan năm 2001 với khẩu hiệu “mang lại nền tự do bền vững”; cuộc chiến tranh xâm lược Iraq với khẩu hiệu “mang tự do tới cho người dân” năm 2003; cuộc chiến tranh xâm lược Libya năm 2011 với khẩu hiệu “bảo vệ người dân trước hành động tàn sát của nhà độc tài Gaddafi” và chiến dịch quân sự núp dưới chiêu bài “chống khủng bố” để mưu toan lật đổ Tổng thống Bashar al-Assad, vốn được người dân Syria bầu lên hoàn toàn dân chủ…

Hệ quả của những cuộc chiến tranh thảm khốc là gì, nếu không nói đó là sự tàn phá khủng khiếp của bom đạn, làm hàng chục triệu người thương vong, buộc nhiều triệu thường dân phải rời bỏ nơi cư trú, lâm vào cảnh màn trời chiếu đất; nhiều làng mạc, thành phố, nhiều trường học, nhà máy, công trình quan trọng bị bom đạn hủy hoại tan hoang…

Thậm chí, ở một phương diện nào đó, thông qua các cuộc chiến tranh nói trên, Mỹ cùng các đồng minh phương Tây đã tạo ra một khoảng trống quyền lực, biến nó thành cơ hội vàng cho các phần tử cực đoan trỗi dậy, lập nên các tổ chức khủng bố tàn bạo như Tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS), quay lại tàn sát thường dân vô cùng thảm khốc.

Bởi vậy, tại Libya đến nay, sự “can thiệp nhân đạo” để “bảo vệ người dân trước hành động tàn sát của nhà độc tài Gaddafi” và bảo vệ những tổ chức “đối lập ôn hòa” của Mỹ cùng các đồng minh phương Tây đã biến thành cuộc tấn công vũ lực đẫm máu, nhanh chóng thay đổi chế độ, giết chết Tổng thống Muammar Gaddafi, xây dựng nền dân chủ kiểu phương Tây. Nhưng oái ăm thay, nó lại dẫn tới cuộc nội chiến đẫm máu. Hiện nay, người dân Libya hằng ngày vẫn xung đột nhau trên đường phố, bến cảng, sân bay… theo kiểu “dân chủ”, và bắn giết lẫn nhau theo cách rất “tự do”. Thậm chí, đã bao năm mà đất nước Lybia không lập nổi một chính quyền thống nhất, bị chia cắt thành 2 nửa đông - tây; trở thành mảnh đất màu mỡ của chủ nghĩa khủng bố, các tổ chức buôn người và buôn bán ma túy hoạt động.

Còn Afghanistan sau 16 năm “xây dựng chế độ dân chủ” bây giờ là một trong những quốc gia “tự do” nhất về nạn tham nhũng, tội phạm, khủng bố, tệ nạn xã hội… mà trên thế giới khó có nước nào sánh được.

Đặc biệt gần đây, ngày 14-4, bất chấp luật pháp và công ước quốc tế, với cáo buộc chính quyền Syria “sử dụng vũ khí hóa học”, liên minh Mỹ - Anh - Pháp đã ngang nhiên bắn hơn 100 tên lửa đạn đạo vào Syria, quốc gia có chủ quyền và đang gồng mình chống IS, Al-Qaeda trong nhiều năm qua. Điều này đồng nghĩa việc Mỹ - Anh - Pháp vừa là thẩm phán, vừa là cảnh sát. Đây rõ ràng là sự vi phạm trắng trợn về vấn đề trật tự công lý theo luật pháp và công ước của LHQ mà 3 nước đó là thành viên thường trực.

Vậy thì việc nhân danh “xúc tiến dân chủ” sang các quốc gia khác mà ở đó theo họ là có sự “vi phạm nhân quyền” và “không có dân chủ”… thì phỏng có ích gì, nếu không nói đó là tội ác, là sự vi phạm nhân quyền, dân chủ một cách trắng trợn nhất?

Bởi vậy, GS Amitai Etzioni (Đại học Tổng hợp George Washington) trong bài viết gần đây đăng trên tạp chí Lợi ích Quốc gia (The National Interest) đã phê phán cách Mỹ và các đồng minh phương Tây “giám sát và thúc đẩy” tình hình nhân quyền tại những nước khác. GS Amitai Etzioni bình luận rằng, trước hết, cần lưu ý rằng, tiêu chuẩn dân chủ của Mỹ chỉ áp dụng với các nước khác; còn trên thực tế, chính sách đối ngoại của Mỹ bao hàm ở chỗ Washington đã hiệp lực với các chế độ độc tài và thậm chí là toàn trị, khi sự hợp tác đó phục vụ cho lợi ích căn bản của họ. GS Amitai Etzioni đưa ra ví dụ như quốc gia vùng Vịnh được Mỹ ưu ái là Saudi Arabia hàng chục năm nay vẫn tiếp tục lối hành hình thời trung cổ, giết nhiều người hơn cả IS. Mỹ còn ủng hộ các tướng lĩnh Nam Mỹ, bất chấp những tội ác mà số này đã phạm phải.

Thực tế là vậy, nhưng vẫn có không ít người không nhìn vào bản chất sâu xa của nó mà lại tỏ ra “thán phục” và “ngợi ca” về các hành động xuất khẩu dân chủ, xuất khẩu các giá trị Mỹ và phương Tây (?!). Bởi suy cho cùng để bảo vệ quyền lợi của mình, Mỹ và các đồng minh phương Tây đã và đang sử dụng triệt để tiêu chuẩn kép về “dân chủ, nhân quyền” nhằm tiến hành các chính sách đối ngoại trên quy mô toàn cầu. Vì vậy, dư luận tiến bộ không lạ gì khi nhiều cuộc chiến tranh xảy ra như đã nêu trên, và người bị mất “dân chủ, nhân quyền” nhất chính là người dân ở các nước bị Mỹ và các đồng minh phương Tây “xúc tiến dân chủ”.

TUYẾT MINH

;
.
.
.
.
.
.