Vì sao Đức đứng ngoài cuộc không kích Syria?

Việc Thủ tướng Đức Angela Merkel đứng ngoài cuộc không kích của liên quân nhằm vào Syria được cho là sự lựa chọn thông minh. Cựu Bộ trưởng Quốc phòng Đức Karl-Theodor zu Guttenberg từng nêu quan điểm bình luận đầy giễu cợt rằng, Berlin đã ủng hộ đợt không kích của liên quân Mỹ, Anh, Pháp bằng những phát biểu hùng hồn thay vì bằng tên lửa.

Theo ông Karl-Theodor zu Guttenberg, điều này “một lần nữa chứng tỏ nước Đức là bậc thầy của những thuyết biện chứng”. Có thể Tổng thống Mỹ Donald Trump ủng hộ quan điểm của cựu Bộ trưởng Quốc phòng Đức, song thực tế cho thấy cách tiếp cận vấn đề địa chính trị của bà Merkel trong sự việc vừa qua hợp lý hơn so với động thái sẵn sàng tham chiến của các đồng minh phương Tây.

Nhìn lại tuyên bố chính phủ Đức ngày 14-4 sau đợt không kích của liên quân, có thể thấy bà Merkel đã truyền thông điệp ủng hộ rõ ràng, chắc chắn với 3 nước không kích. Tuy nhiên, thông điệp này mang tính lý giải vì sao Đức không tham gia trực tiếp tấn công Syria.

Thông cáo viết: “Chúng tôi ủng hộ thực tế các đồng minh Mỹ, Anh và Pháp đang hành động với trách nhiệm của các thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an LHQ. Cuộc không kích là cần thiết và thích hợp để bảo đảm thực thi hiệu quả lệnh cấm quốc tế về việc sử dụng các loại vũ khí hóa học và cảnh báo chính quyền Syria không được tiếp tục các vi phạm khác”.

Đức không phải là thành viên thường trực Hội đồng Bảo an LHQ. Cuộc không kích vừa qua là kết quả trực tiếp từ một đoạn Tweet đầy “khinh suất” của Tổng thống Mỹ Donald Trump, trong đó ông “hứa” rằng các tên lửa “đang tiến đến”.

Sau tuyên bố đó, chính phủ của ông Trump phải ráo riết tìm kiếm sự giúp đỡ của các đồng minh và ông chủ Nhà Trắng thực sự rất cần những bàn tay “vỗ thêm vào” với quyết định không kích Syria, nhất là khi ông không hề xin ý kiến Quốc hội để được trao quyền hành động.

Nhìn sang hai đồng minh tham chiến với Mỹ, dễ thấy Thủ tướng Anh Theresa May không thể từ chối ông Trump bởi Tổng thống Mỹ đã liên tục ủng hộ bà kể từ sau cáo buộc Nga đầu độc cha con cựu điệp viên hai mang tại một thành phố của Anh. Về phía Pháp, cùng với tham vọng thể hiện bản thân như một nhà lãnh đạo chú trọng chính sách đối ngoại, ông Emmanuel Macron cũng muốn có cơ hội vun đắp thêm mối quan hệ với Tổng thống Mỹ.

Trong khi đó, về phía Đức, kể từ khi ông Trump đắc cử, Thủ tướng Merkel đã rất cố gắng để thích nghi. Nhiều khi bà Merkel đã không giấu nổi sự bực bội với những quyết sách của ông Trump. Nhưng vì luôn ưu tiên các vấn đề trong nước nên chưa bao giờ bà Merkel muốn đánh đổi vị thế quốc tế lớn hơn cho Đức để rồi tình hình trong nước rối rắm hơn; và lần này bà đã hành động theo quan điểm đó.

Thực tế, cuộc không kích của liên quân do Mỹ chỉ huy nhằm vào Syria là cuộc chiến không được lòng dân của chính các nước tham chiến. Tại Anh, Thủ tướng May không chỉ đối mặt với chỉ trích của đảng đối lập chính là Công đảng, mà còn cả sự phản đối dữ dội của người dân. Tại Pháp, Tổng thống Macron đối mặt với sự phản đối của phần lớn người dân. Bà Merkel đã hành động hợp lý, bởi nếu tham chiến, bà cũng phải đối mặt với sự phản đối của 60% dân Đức - theo kết quả một thăm dò dư luận.

Mãi gần đây, sau rất nhiều thương thuyết, Thủ tướng Merkel mới có thể thu xếp xong bộ máy nội các của mình. Vậy nên, có lẽ bà không bao giờ muốn chính phủ mới phải tranh cãi về việc nước Đức bị đẩy vào một cuộc xung đột quân sự.

Tất nhiên, bà Merkel đã và đang phải đối mặt với sự chỉ trích từ cả cánh hữu và cánh tả trong chính trường Đức. Chính trị gia đảng Xanh Juergen Trittin cho rằng, ngoại giao là con đường duy nhất để giải quyết xung đột ở Syria, trong khi những chính trị gia “diều hâu” thuộc đảng Dân chủ Tự do Đức chỉ trích chính phủ đã không hành động gì.

Trước những áp lực “nội công, ngoại kích”, bà Merkel hẳn có những lý do riêng để quyết định “đứng ngoài cuộc chơi”. Có một nhân tố trong nước hiếm được đề cập nhưng hẳn đã chi phối tới Thủ tướng Đức.

Đó là kể từ năm 2014, hơn 513.000 người Syria đã xin được cấp cơ chế tị nạn tại Đức. Mặc dù phần lớn những người này có quan điểm chống lại Tổng thống Syria Bashar al-Assad, nhưng có lẽ bà Merkel không muốn nước Đức điều máy bay tới ném bom tại quốc gia quê nhà của cộng đồng người tị nạn đang sống trên quốc gia châu Âu này. Đó là chưa kể với một số quả bom dội xuống các cơ sở cất giữ, chế tạo hóa học của Syria, nước Đức cũng sẽ tiêu tốn một khoản tiền thuế của dân.

DƯƠNG QUANG

;
.
.
.
.
.
.