Châu Âu lo ngại "sự thâu tóm" của Trung Quốc

Trước một Trung Quốc phát triển nhanh chóng về kinh tế, với nguồn dự trữ ngoại tệ khổng lồ hơn 3.000 tỷ USD của chính phủ và Bắc Kinh tăng cường đầu tư ra nước ngoài nhằm chiếm lĩnh những tập đoàn lớn có công nghệ tiên tiến, Liên minh châu Âu (EU) ngày càng tỏ ra lo ngại, thậm chí đang tìm mọi cách để ngăn chặn làn sóng “chảy máu công nghệ” trên đà gia tăng trong những năm gần đây.

Theo đánh giá của các nhà quan sát, lợi dụng châu Âu lúng túng vì khủng hoảng tài chính và kinh tế, Trung Quốc tăng tốc đầu tư vào EU. Từ năm 2008-2018, Trung Quốc đổ gần 320 tỷ USD vốn đầu tư vào khu vực này.

Hãng tin Bloomberg trong một bài viết hồi cuối tháng 3 vừa qua tổng kết như sau: Tại châu Âu, từ năm 2008 đến nay, 360/678 thỏa thuận mở cửa cho vốn nước ngoài tham gia có xuất xứ từ Trung Quốc. Có ít nhất 4 sân bay, 6 hải cảng, 13 đội bóng chuyên nghiệp của châu Âu đã thuộc về các ông chủ Trung Quốc…

Đó là chưa kể thương vụ 9 tỷ USD mà tập đoàn xe hơi Geely Holdings của Trung Quốc tung ra hồi tháng 2 để trở thành cổ đông lớn nhất của tập đoàn xe hơi Đức Daimler AG - nhà sản xuất ô-tô lớn thứ 13 thế giới.

Như vậy, tính ra chỉ vỏn vẹn một thập niên, Trung Quốc đã đổ vào các lĩnh vực kinh tế được coi là then chốt của châu Âu, từ địa ốc đến các công ty chế tạo robot để phục vụ cho guồng máy sản xuất công nghiệp, từ hãng xe hơi nổi tiếng Daimler AG của Đức, tập đoàn ô-tô Volvo của Thụy Điển đến ngành năng lượng hạt nhân, điện lực, dầu khí …

Nhật báo Les Echos (Pháp) hồi tháng 2 cảnh báo EU phải hành động trước vòng xoáy Trung Quốc nếu không muốn chứng kiến công nghệ, kỹ năng, bằng sáng chế... bị đánh cắp. Trung Quốc đang tiến  hành bành trướng theo 3 bước để dần tăng cường mối đe dọa công nghiệp đối với các nền kinh tế phương Tây. Bước thứ nhất, về mặt thương mại, Trung Quốc thâu tóm các phần thị trường. Bước thứ hai, Bắc Kinh buộc các doanh nghiệp nước ngoài muốn hoạt động tại Trung Quốc phải chuyển giao công nghệ. Bước thứ ba, đang diễn ra hiện nay, là thâu tóm cổ phiếu ở nước ngoài, đây chính là cách để có được công nghệ, kinh nghiệm và kỹ năng.

Trong cuộc họp báo tại Sofia (Bulgaria) hồi tháng 2, bà Cecilia Malmström - Ủy viên EU đặc trách về thương mại tuy không trực tiếp nêu đích danh Trung Quốc nhưng cho biết: “Chúng tôi đương nhiên hoan nghênh các dự án đầu tư nước ngoài vào EU. Các dự án này đem lại thịnh vượng cho các thành viên trong khối, nhưng chúng ta cũng cần cảnh giác trước một số các trường hợp đặc biệt, khi các chương đầu tư của nước ngoài có thể ảnh hưởng đến an ninh của châu Âu”. Bà Malmström cũng đề cập một khung hợp tác và trao đổi các thông tin giữa những thành viên liên quan đến các kế hoạch đầu tư của nước ngoài vào EU.

Trước đó, tháng 9-2017, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jean-Claude Juncker đề xuất một đạo luật chung áp dụng cho toàn bộ các nước EU, trong đó ngăn chặn việc “đầu tư nước ngoài” vào các ngành công nghiệp mũi nhọn (“nước ngoài” ở đây có đối tượng ám chỉ lớn nhất là Trung Quốc).

Trước những lo ngại đó, EC hy vọng sẽ nhận được sự ủy nhiệm của các thành viên từ nay đến cuối năm 2018 để có giải pháp chung nhằm đối phó. Song, nhiều nước thành viên khác phản đối cơ chế thanh lọc này, như Phần Lan, Hà Lan, Hy Lạp và một số quốc gia Đông Âu. Lý do chính là dự án con đường tơ lụa mới của Trung Quốc trên lãnh thổ châu Âu sẽ mang lại vốn và lợi ích cho các nước có con đường đi qua. Nhiều nước Đông Âu và Nam Âu sẵn sàng quy phục dưới đồng tiền Trung Quốc, kể cả trong nhiều lĩnh vực chiến lược.

Tuy nhiên, theo nhận định chung, EU cần phải nhanh chóng hành động và ưu tiên lợi ích của châu Âu trước lợi ích ngắn hạn của quốc gia để đối phó với mối nguy hiểm cho toàn bộ nền kinh tế khu vực.

TUYẾT MINH

;
.
.
.
.
.
.