Sau cuộc chính biến lật đổ nhà lãnh đạo Muammar Gaddafi hồi năm 2011, Libya hiện tồn tại 2 chính quyền với các lực lượng vũ trang riêng, gồm Chính phủ Đoàn kết dân tộc Libya (GNA) hoạt động tại Tripoli, còn gọi là “miền tây” do Thủ tướng Fayez al-Sarraj lãnh đạo, và chính quyền miền đông hoạt động ở Tobruk do Tướng Khalifa Haftar lãnh đạo.
Lợi dụng mâu thuẫn và sự phân chia nói trên, trong nhiều năm qua, các tổ chức khủng bố như Al-Qaeda, IS đã thâm nhập Lybia, xây dựng lực lượng hỗ trợ các chiến trường Iraq, Syria và gây nên nhiều vụ bạo lực kinh hoàng.
Đáng chú ý, cách thủ đô Tripoli gần 1.000km về phía đông, thành phố Derna rơi vào tay các nhóm khủng bố có quan hệ với Al-Qeada. Trước đây, Derna do IS kiểm soát. Đây được coi là thành trì cuối cùng của các phần tử Hồi giáo ở miền đông Libya do lực lượng của Tướng Khalifa Haftar quản lý. Đầu tháng 5-2018, quân đội của Tướng Khalifa Haftar đã mở chiến dịch quân sự để giải phóng Derna.
Để giải quyết xung đột, cộng đồng quốc tế nỗ lực thiết lập nền hòa bình cho Libya. Tuy nhiên, bất chấp thỏa thuận thúc đẩy tiến trình hòa bình đạt được giữa các phe nhóm hồi năm 2015, Libya vẫn chìm trong bạo lực, hỗn loạn và chia rẽ chính trị.
Cách đây 10 tháng, Pháp làm trung gian cho cuộc hội kiến giữa ông Fayez al-Sarraj và ông Khalifa Haftar để tìm giải pháp hóa giải bất đồng. Đáng chú ý, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã mời các bên đối địch ở Libya gặp nhau tại Paris vào ngày 29-5. Sau hơn 4 giờ bàn thảo, các bên đối địch đã cùng ký tuyên bố chung, nhất trí tiến hành bầu cử Quốc hội và tổng thống vào ngày 10-12 tới. Tuyên bố chung nhấn mạnh, các bên cam kết chấp nhận kết quả bầu cử, bảo đảm các thỏa thuận an ninh cũng như nhất trí cải thiện bầu không khí nhằm chuẩn bị cho các cuộc bầu cử sắp tới và thống nhất Ngân hàng Trung ương Libya. Quyền hạn của Thủ tướng chính phủ đoàn kết quốc gia sẽ phải được tăng cường để giúp quá trình chuẩn bị tổng tuyển cử diễn ra thuận lợi. Một cuộc họp tiếp theo sẽ được tổ chức trong vòng 3 tháng tới để sơ kết quá trình thực thi thỏa thuận 8 điểm.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nói rằng, việc các bên đối địch tại Libya đạt thỏa thuận tổ chức bầu cử vào tháng 12 tới là bước đi quan trọng hướng tới hòa giải tại quốc gia Bắc Phi này. Ông Macron nhấn mạnh, việc 4 nhà lãnh đạo đối địch của Libya (bao gồm Thủ tướng Fayez al-Sarraj, Tướng Khalifa Haftar, Aguila Saleh Issa - người đứng đầu Quốc hội tại thành phố Tobruk, và Khalid Al-Mishri - người đứng đầu một Hội đồng cấp cao quốc gia) có mặt tại hội nghị là “cuộc gặp lịch sử” dưới sự ủng hộ của toàn cộng đồng quốc tế.
Liên Hợp Quốc và cộng đồng quốc tế đều xem bầu cử là con đường duy nhất giúp Libya thoát khỏi khủng hoảng. Tuy nhiên, các nhà quan sát vẫn cho rằng, còn có những vấn đề phức tạp mà các bên liên quan phải đối diện. Đó là tình trạng đất nước rối loạn trong nhiều năm qua nên đã xuất hiện quá nhiều nhóm dân quân vũ trang, chống đối nhau và sẵn sàng tẩy chay mọi giải pháp mà họ xem là âm mưu can thiệp từ bên ngoài khi thấy bất lợi.
Trong phe “miền đông”, nhiều nhóm có thế lực không tham gia hội nghị Paris sau khi đòi phải được ngồi ngang hàng với 4 phái đoàn khác. Còn phe “miền tây” kiểm soát Tripoli và tuy được phương Tây công nhận nhưng vẫn nghi ngờ sáng kiến của Pháp che giấu dụng ý “củng cố thế lực” cho chính quyền của Tướng Khalifar Haftar do Nga hậu thuẫn (?!). Bên cạnh đó, một số thủ lĩnh Lybia lại muốn tổ chức trưng cầu dân ý thông qua Hiến pháp, quy định rõ quyền hạn tổng thống trước rồi mới tiến đến cuộc bầu cử.
Tuy nhiên, sự đồng thuận của hai phe chủ chốt là tia hy vọng lớn về một giải pháp chính trị bền vững cho Lybia.
TUYẾT MINH