Tổng thống Mỹ làm "náo loạn cả thế giới"?

Trung thành với khẩu hiệu tranh cử “Nước Mỹ trên hết”, sau hơn 1 năm làm chủ nhân Nhà Trắng, Tổng thống Donald Trump đã đưa ra nhiều quyết sách về ngoại giao và kinh tế làm “náo loạn cả thế giới”.
Có thể thấy rõ nhất là ông Trump quyết định rút khỏi hàng loạt thỏa thuận quốc tế như: Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình dương (TPP), Hiệp định biến đổi khí hậu Paris, Hiệp định thương mại Bắc Mỹ (NAFTA), Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA) giữa Iran và nhóm P5+1 (Mỹ, Anh, Nga, Pháp, Trung Quốc và Đức)…

Tháng 6-2017, khi rút khỏi Hiệp định khí hậu Paris, Tổng thống Trump cho biết sẵn sàng thương lượng lại, nhưng từ đó đến nay vẫn im ắng. Trước đó, một trong những quyết định đầu tiên của ông Trump khi vào Nhà Trắng là rút khỏi TPP và đôi lần đưa ra ý kiến sẽ xem xét tham gia lại, nhưng đó chỉ là lời nói...

Thực tế cho thấy, những quyết định đó của ông Trump không chỉ làm các quốc gia lâu nay không thích Mỹ khó chịu, mà ngay cả đồng minh chiến lược của Washington cũng tức giận.

Khi quyết định tăng thuế nhập khẩu sắt, nhôm và rút khỏi JCPOA mà không quan tâm đến lợi ích cũng như sự can ngăn của các đồng minh châu Âu, ông Trump đã làm dấy lên làn sóng phản ứng mạnh mẽ của Liên minh châu Âu (EU). Đây là hiện tượng chưa từng có trong quan hệ giữa hai bờ Đại Tây Dương sau hơn nửa thế kỷ. Nhật báo Le Figaro (Pháp) có bài bình luận bằng ngôn từ khá nặng nề: “Ông Donald Trump rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran, tức là Mỹ quay lưng với châu Âu, hạ thấp 3 đồng minh lớn nhất trong khối NATO và phá hoại công việc của 3 thế hệ nhằm đẩy lùi hiểm họa nguyên tử”.
Đánh giá về các quyết định của Mỹ, nhật báo Les Echos (Pháp) số ra gần đây đăng bài bình luận nói rõ: Trên sân khấu quốc tế, ông Donald Trump đàm phán không khác gì cuộc thương lượng hợp đồng giữa các chủ doanh nghiệp xây dựng và các chính quyền địa phương. Trước kia, ông tìm cách làm giàu. Giờ đây, khi làm tổng thống, ông tìm cách củng cố “nguồn vốn chính trị” của mình bằng cách giành giật nhượng bộ từ phía những quốc gia khác, những nơi không có cử tri Mỹ.

Các nhà quan sát cho rằng, thế giới đang chứng kiến sự mới lạ hoàn toàn, được bắt đầu từ nửa thế kỷ qua, đồng thời cũng là sự tiếp tục truyền thống của nước Mỹ. Mới lạ vì chưa bao giờ lãnh đạo một cường quốc như Mỹ lại có cách hành xử với các thỏa thuận quốc tế “phũ phàng”, “bất chấp” và “lạnh lùng” đến như vậy. Nó làm đảo lộn trật tự đã được thiết lập từ lâu trên cơ sở thực tiễn cũng như luật pháp và công ước quốc tế. Nước Mỹ đang tự tách mình ra khỏi thế giới và đã đến lúc thế giới phải có cách ứng xử phù hợp, không để các “hạt mầm chia rẽ” mà Tổng thống Mỹ gieo rắc có thể nẩy mầm và phát triển. Thực ra, thế giới đã và đang hành động theo hướng này. Chẳng hạn, khi Mỹ rút khỏi JCPOA, châu Âu phải tự thân hành động. Đúng như Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk bày tỏ: “Châu Âu nên biết ơn Tổng thống Trump, bởi nhờ ông ấy, chúng ta đã thoát khỏi mọi ảo tưởng. Ông ấy đã khiến chúng tôi nhận ra rằng, nếu cần một bàn tay giúp đỡ, bạn sẽ tìm thấy bàn tay ấy trên cánh tay mình”.
Hay khi ông Trump quyết định rút khỏi TPP, 11 quốc gia còn lại - đứng đầu là Nhật Bản - đã tìm mọi cách để làm sống lại thỏa thuận có tầm vóc của khu vực châu Á - Thái Bình Dương cũng như trên thế giới, bằng một thỏa thuận mang tên Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).

Xét trên nhiều khía cạnh, sự chuyển động của thế giới đương đại không thể không nói đến vai trò của Mỹ. Nhưng với chủ trương “Nước Mỹ trên hết” để phải rời bỏ hàng loạt thỏa thuận sẽ tạo ra ranh giới cách biệt, gây chia rẽ, nhất là các đồng minh chiến lược, và làm mất lòng tin của cộng đồng quốc tế về những định chế mà Washington muốn tham gia. Dư luận sẽ hoài nghi nếu mai này những thỏa thuận mà chính phủ Tổng thống Donald Trump đã ký thì người kế nhiệm sau này có duy trì hay loại bỏ. Đây là câu hỏi lớn mà rất nhiều nhà quan sát đặt ra, nhất là trong bối cảnh cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều sắp tới sẽ bàn về vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên.

TUYẾT MINH

;
.
.
.
.
.
.