EU loay hoay với "vòng xoáy thuyền nhân"

Sự bất ổn tại khu vực Trung Đông cũng như một số quốc gia ở châu Phi trong những năm qua đã tạo ra làn sóng di cư bất hợp pháp tràn vào châu Âu với quy mô lớn chưa từng có. Hàng triệu người bất chấp rủi ro đi qua khu vực chiến sự Syria, Lybia, biên giới Thổ Nhĩ Kỳ, hoặc lênh đênh trên vùng biển Địa Trung Hải để tìm đến miền đất hứa.

Liên minh châu Âu (EU), nhất là Đức, Ý, Hy Lạp, Pháp… phải gồng mình để tiếp nhận lượng lớn người di cư tràn vào. EU đã có nhiều biện pháp để ngăn chặn làn sóng nhập cư bất hợp pháp, nhưng trong nội bộ khối này xuất hiện những bất đồng xung quanh việc tiếp nhận hay không tiếp nhận người tị nạn.

Mới đây, ngày 9-6, tàu Aquarius của tổ chức phi lợi nhuận Pháp SOS Mediterranee đã cứu 630 người di cư trái phép đến từ 26 nước, chủ yếu là châu Phi, tại vùng biển Trung Địa Trung Hải. Trong số này có 450 đàn ông và 80 phụ nữ, trong đó có 7 người đang mang thai, cùng 89 thanh niên và 11 trẻ em dưới 13 tuổi. Tuy nhiên, khi tàu đưa người vào bờ, cả Malta lẫn Ý đều từ chối mở cửa cho tàu cứu hộ cập cảng. Đến ngày 17-6, chính phủ Tây Ban Nha mới đồng ý cho con tàu này cập cảng Valencia.

Việc đùn đẩy tiếp nhận người di cư bất hợp pháp trên tàu Aquarius dẫn đến những tranh cãi gay gắt. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cáo buộc Ý “vô trách nhiệm” trước mạng sống của hàng trăm con người. Đáp lại, Bộ Ngoại giao Ý triệu Đại sứ Pháp tại Rome đến để phản đối cáo buộc của ông Macron.

Đáng chú ý, Thủ tướng Áo Sebastian Kurz- người đứng đầu một liên minh cánh hữu, nước sẽ tiếp nhận chức Chủ tịch luân phiên EU vào ngày 1-7 tới, trong một phát biểu với báo chí đã nêu rõ: “Chúng ta cần một liên minh sẵn sàng chiến đấu chống nạn nhập cư trái phép”, và cho hay nước ông sẽ tăng cường ưu tiên bảo vệ các đường biên giới của EU. Hiện nay, một số nước trong EU đã bày tỏ thái độ kiên quyết không tiếp nhận người di cư trái phép trong bất cứ trường hợp nào.

Trong khi đó, ngay tại Ý, nhiều người dân biểu tình phản đối việc chính phủ không tiếp nhận người di cư bất hợp pháp. Nhưng có lẽ phức tạp hơn là trong nội bộ liên minh cầm quyền ở Đức xuất hiện sự rạn nứt. Bộ trưởng Nội vụ Đức Horst Seehofer, lãnh đạo đảng Liên minh Xã hội Thiên chúa giáo (CSU) có quan điểm bất đồng với Thủ tướng Angela Merkel. Theo thỏa thuận thành lập chính phủ đại liên minh, liên đảng bảo thủ Liên minh Dân chủ/Xã hội Thiên chúa giáo (CDU/CSU) và đảng Dân chủ Xã hội Đức (SPD) đã nhất trí duy trì việc tiếp nhận số người xin tị nạn mới tại nước này dưới mức 200.000 người/năm. Bộ trưởng Seehofer ủng hộ chính sách ngăn dòng người tị nạn đã đăng ký tại một nước châu Âu khác tràn vào Đức.

Việc Đức - thành viên chủ chốt của EU - có sự rạn nứt trong nội bộ liên minh cầm quyền không những ảnh hưởng đến vấn đề nhập cư của toàn khối, mà còn có thể dẫn đến khủng hoảng trong chính phủ đại liên minh.

Từ diễn biến nói trên, nhiều lãnh đạo EU kêu gọi khối sớm đưa ra chính sách chung đối với vấn đề người di cư bất hợp pháp. Thủ tướng Merkel cho rằng: “Vấn đề người di cư đang là một thách thức lớn. Đó cũng là vấn đề của châu Âu và cần có câu trả lời từ các nước châu Âu. Tôi coi đây là một trong những yếu tố quan trọng trong sự gắn kết của châu Âu”. Bà Merkel cũng cho hay, Đức muốn đạt được thỏa thuận hồi hương song phương và đa phương với các nước láng giềng châu Âu rằng, những người đã đăng ký tị nạn ở các quốc gia khác có thể bị từ chối tại biên giới Đức và được gửi trở lại các nước này.

Quả thật EU đang đứng trước “vòng xoáy thuyền nhân” đầy chông gai, phức tạp. Giải quyết được vấn đề hóc búa này không phải là chuyện một sớm một chiều, khi EU đang phải đối mặt với hàng loạt thách thức như: chương trình hạt nhân của Iran, quan hệ với đồng minh chiến lược ở bên kia bờ Đại Tây Dương…

TUYẾT MINH

;
.
.
.
.
.
.