Ngày 20-12 vừa qua, Tổng thống Donald Trump ký phê chuẩn dự luật ngân sách quân sự - quốc phòng năm 2020 với trị giá lên đến 738 tỷ USD, trong đó chính thức thành lập lực lượng không gian nhằm bảo đảm ngôi vị đứng đầu của Mỹ trên chiến trường mới này.
Nhiều đời tổng thống Mỹ trước đó có ý tưởng thành lập lực lượng không gian. Chiến lược này đã nhiều lần được điều chỉnh, nhưng tư tưởng xuyên suốt vẫn là xây dựng lực lượng tác chiến vũ trụ mạnh, đủ sức bảo đảm an ninh cho nước Mỹ trong mọi tình huống. Lực lượng này có nhiệm vụ tấn công từ không gian các mục tiêu mặt đất và đánh chặn các tên lửa đạn đạo của đối phương, kiểm soát toàn bộ không gian gần Trái đất, tuyệt đối bá chủ không gian vũ trụ.
Để chuẩn bị cho mục tiêu này, cách đây một năm, ngày 18-12-2018, Tổng thống Trump ra lệnh thành lập Bộ chỉ huy không gian (SpaceCom). Cuối tháng 8-2019, SpaceCom chính thức ra mắt, chịu trách nhiệm về các hoạt động quốc phòng trong không gian, bao gồm cả cảnh báo tên lửa và vệ tinh. Đây là Bộ chỉ huy chiến đấu thứ 11 của Bộ Quốc phòng Mỹ, cùng với Bộ chỉ huy chiến lược, Bộ Tư lệnh tác chiến đặc biệt và các đơn vị khác phục vụ ở những khu vực địa lý cụ thể.
Như vậy, sự ra đời của lực lượng không gian là binh chủng mới kể từ khi không quân Mỹ được thành lập năm 1947; tạo ra lực lượng thứ 6 của Bộ Quốc phòng, tương đương với 5 lực lượng hiện có: Quân đội, Hải quân, Không quân, Thủy quân lục chiến và Cảnh sát biển.
Theo kế hoạch, lực lượng không gian bao gồm 16.000 nhân sự, cả quân sự lẫn dân sự, dưới sự chỉ huy của Tư lệnh không gian - Tướng Jay Raymond, người chỉ huy SpaceCom. Theo Tướng Raymond, Mỹ hiện được coi là quốc gia có thế mạnh về lực lượng không gian trên thế giới với công nghệ và trang thiết bị tối tân.
Như vậy, 35 năm sau khi chính quyền Ronald Reagan mở rộng Chiến tranh Lạnh vào không gian với Sáng kiến phòng thủ chiến lược, Mỹ đã có binh chủng thứ 6. Nhiều nhà phân tích nhận định, khi Washington có các bước đi mới để mở rộng khả năng của mình trong không gian, chắc chắn các quốc gia khác sẽ có những phản ứng cứng rắn và áp dụng các biện pháp tương ứng nhằm bảo đảm an ninh quốc gia và quốc tế. “Bóng ma” một cuộc chạy đua vũ trang trong không gian đang hiện hiện.
Ngay như Pháp, Tổng thống Emmanuel Macron cũng đã phê chuẩn thành lập lực lượng không gian hồi tháng 7-2019 nhằm tăng cường khả năng phòng thủ. Kế hoạch ngân sách quốc phòng giai đoạn 2019-2025 của Pháp dành 4,06 tỷ USD để đầu tư thêm và trang bị mới các vệ tinh. Còn Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã công nhận không gian vũ trụ là một phần của chiến trường hiện đại để đầu tư và hình thành lực lượng tác chiến.
Chuyên gia Korotchenko (Nga) cho rằng, lực lượng không gian Mỹ là mối đe dọa không chỉ đối với Nga mà còn đối với toàn thế giới, bởi Washington sẽ đưa các thiết bị kỹ thuật quân sự vào vũ trụ, sử dụng chiến thuật mới để kiểm soát từ quỹ đạo và tiến hành triển khai các hệ thống vũ khí có độ chính xác cao mới có thể xóa sổ các mục tiêu trên mặt đất. Mỹ có thể thành lập một hạm đội chiến đấu đặc biệt bao gồm các thiết bị vũ trụ nhỏ và được sử dụng nhiều lần với nhiệm vụ thu thập số liệu, phân tích thông tin, kiểm soát các thiết bị của các nước khác trên quỹ đạo, cũng như tiêu diệt chúng nếu cần.
Đài Phát thanh quốc tế Pháp coi đây là phiên bản 2.0 của Dự án Chiến tranh giữa các vì sao vào thập niên 80 của thế kỷ trước. Còn truyền thông Úc nói Mỹ muốn bố trí vũ khí lên không gian vũ trụ, ngoài việc khiến loài người lo ngại về bom hạt nhân, còn dẫn đến sự chấm dứt giấc mơ thám hiểm tầng không gian bên ngoài Trái đất…
Diễn biến đó cho thấy đang có sự leo thang căng thẳng trong không gian giữa các cường quốc và nguy cơ dẫn đến xung đột, mặc dù đã tồn tại Hiệp ước Không gian, được Đại hội đồng Liên Hợp Quốc thông qua và có hiệu lực vào năm 1967. Theo Hiệp ước này, không gian ngoài trái đất là sở hữu chung. Vì vậy, Hiệp ước quy định quyền tự do thăm dò và sử dụng không gian ngoài hành tinh chỉ dành cho mục đích vì hòa bình, cũng như xác định các nguyên tắc không cho phép tuyên bố chủ quyền quốc gia ngoài không gian.
TUYẾT MINH