Sau những thông tin về hoạt động của các Trung tâm (TT) gia sư bất hợp pháp trên địa bàn thành phố Đà Nẵng, gây nên nhiều bức xúc và lo lắng cho các bậc phụ huynh, học sinh, vừa qua, chúng tôi nhận được rất nhiều phản hồi từ chính những người trong cuộc. Những “gia sư” được đề cập dưới đây không ít lần trở thành “con mồi” béo bở của các TT gia sư.
Gọi là TT gia sư nhưng chỉ có một phòng nhỏ, một cái bàn, thậm chí không có nổi một bộ máy vi tính. |
“Theo lời hẹn, em tới địa chỉ 151/… đường Trần Cao Vân, một người xưng là quản lý TT gia sư bảo em nộp số tiền 180 ngàn đồng trên tổng số 400 ngàn đồng một tháng lương dạy kèm, rồi chìa cho em mẩu giấy ghi địa chỉ nơi cần dạy. Khi em đến đúng địa chỉ đã cho, chủ nhà nói rằng, họ đâu có đăng thông tin tuyển gia sư. Em chưng hửng quay về TT báo lại. Họ nói, thôi để tìm suất khác… rồi cuối cùng chỉ tới những nơi mà chủ nhà không tiếp hoặc nơi thì người ta chỉ muốn đùa giỡn”, Trần Thị Hoàng, SV lớp 07HLT, Đại học Bách khoa (ĐHBK) Đà Nẵng mệt mỏi kể lại.
Trong tâm trạng nghèn nghẹn, Phan Na, SV lớp 06-Môi trường, ĐHBK Đà Nẵng nói: “TT giới thiệu em đến một gia đình trong hẻm đường Phan Châu Trinh. Tới nơi chủ nhà cho biết họ không cần sinh viên. Quay lại nơi giới thiệu, họ đổ lỗi cho em là người thấp, không có ngoại hình nên không nhận. Sau đó, bảo em chờ TT kiếm mối khác. 5-7 lần em bỏ học, bỏ cơm để tới lấy tiền mà họ nhất quyết không chịu đưa. Tiền cha mẹ cho hằng tháng em phải chắt chiu, nhịn ăn, nhịn mặc để trả cho bạn. Cứ tưởng mượn trước rồi đi dạy trả sau, ai dè đã không kiếm được đồng nào lại còn mắc nợ”.
Đứng ở TT gia sư Phi Long (đường Trần Cao Vân), SV Trịnh Thị Hảo, người Thanh Hóa, suýt khóc khi nài nỉ xin lại số tiền đã đóng. Hảo trình bày: “Chị ơi, tới tháng em phải trả tiền nhà rồi, chị cho em lấy lại tiền bữa trước, khi nào có suất dạy em lại tới”. “Anh chủ đi vắng rồi em ơi, mấy bữa nữa quay lại, chị sẽ đưa lui cho” - một nhân viên của TT nói với Hảo.
“Nhưng chị nói vài bữa mà em tới cả nửa tháng rồi vẫn không có là sao? Bây giờ chị hẹn cho chắc đi, em không có thời gian đi lại nhiều lần nữa đâu”. Cũng như Na, Hảo đành phải mất số tiền mà cô đã đóng vào, khi cô không tìm được lớp dạy phù hợp. Người mà TT giới thiệu Hảo tới bị thiểu năng trí tuệ, không có khả năng học tập.
Không khỏi ấm ức vì tiền của mình bị giữ hơn một tháng, hai SV Lê Thị Hân, Lê Tuyến Thủy, học năm 1 khoa Hóa, Trường Cao đẳng Công nghệ chưa kịp vui mừng vì lấy được tiền thì đã bị chủ quán cơm lớn tiếng mắng cho một trận vì “cái tội tiêu tiền giả”. Hân bày tỏ: “Đi hết tiền xe buýt, rồi tới xe ôm mới đòi lại được 150 ngàn đồng, cầm được tiền là em mừng quá, đâu biết mình bị tráo tiền giả”.
“Một - hai trăm ngàn đối với tụi em cũng lớn lắm chị à. Càng tức hơn nữa là công sức mình bỏ ra bị người ta ăn chặn trắng trợn. Em vào được đại học là cả một sự vất vả, muốn đi dạy kèm để khỏi xin tiền ba mẹ mua giáo trình. Vậy mà, lần nào cũng vấp”. Sau nhiều lần một mình đi đòi tiền không có kết quả, Phan Văn Vũ, lớp 04X3C, ĐHBK đã kéo thêm một nhóm bạn đến gây áp lực với TT gia sư T.C trên đường Hà Huy Tập mới rút lại số tiền đã “cắm chân”.
Chuyện SV đi đòi tiền các TT gia sư đã thành cơm bữa. Bị mất tiền vô lý, các SV nữ chỉ biết trình bày hoàn cảnh và khóc, rồi vì không đủ sức đi đòi, các em bỏ luôn. Nhiều nơi biết SV đòi tiền nên các chủ trốn lụi, không ra mặt, khi SV chán nản rút lui, mới xuất hiện.
Nguyễn Viết Triệu, SV năm 3 khoa Cơ khí, ĐHBK cho biết: “Hai lần em rơi vào trường hợp đóng tiền rồi bị xù mất hút. Lần thì TT trên đường Phạm Như Xương (quận Liên Chiểu) viết cho em cái giấy đến tại số 8 đường Hải Hồ. Chủ nhà nói, có con cái chi đâu mà dạy, chắc cháu bị lừa rồi. Từ đó tới nay, hơn một năm rồi em mới kiếm chỗ dạy lại. Hôm vừa rồi, đọc tờ rơi em thấy một TT nằm ở kiệt 255 Trần Cao Vân mới ghé vô coi thử, không ngờ gặp người thanh niên từng ở TT PNX, mặt mày dữ tợn, trên vai xăm trổ nên thôi, không dám hỏi nữa”.
Sự thiếu cảnh giác của hàng trăm sinh viên khiến những TT “lừa đảo” vẫn tồn tại đất làm ăn. Những tháng ngày ôm ấp mộng đi dạy kèm để kiếm thêm thu nhập giờ đây đã để lại cho các SV sự ấm ức, buồn tủi, không thể nào quên được trong quãng đời đi học.
(Còn nữa)
“Cách đây 3 năm, em đã từng tham gia CLB giới thiệu việc làm của Hội Sinh viên Trường Cao đẳng Công nghệ. Em thấy những công việc do CLB giới thiệu chưa phong phú, số lượng việc làm lại ít, nên không đáp ứng được nhu cầu tìm kiếm việc làm của đông đảo SV. |
Bài và ảnh: Duyên Anh - Tống Phương