(ĐNĐT) - Đến hẹn lại lên, sau kỳ thi tốt nghiệp THPT là các lò luyện thi đại học cấp tốc mọc lên như nấm sau mưa. Năm nay, không khí tại các lò luyện thi dường như nóng thêm hơn cùng với cái nắng nóng oi bức của miền Trung.
Các trung tâm vào mùa luyện thi cấp tốc.
Trung tâm luyện thi hút khách
Ngay sau khi các thí sinh vừa hoàn thành kỳ thi tốt nghiệp năm 2009, các trung tâm luyện thi tại thành phố Đà Nẵng bắt đầu chiêu sinh các khóa cấp tốc luyện thi đại học, thu hút một lượng lớn học sinh nội thành cũng như ngoại thành vào ôn luyện
Cô Nguyễn Thị Tường Vi, giám đốc Trung tâm luyện thi Phan Châu Trinh (đường Lê Duẩn) cho biết, năm nay, số học sinh đến đăng ký ôn thi tại trung tâm tăng 30% so với năm ngoái, lượng học sinh tham gia luyện thi cấp tốc vẫn ổn định. Đây cũng là xu hướng chung của hầu hết các “lò” luyện trên địa bàn thành phố Đà Nẵng.
Ngoài các trung tâm đã hoạt động lâu năm, những lò ôn luyện tư nhân cũng đang nở rộ. Tại một cơ sở luyện thi trên đường Nguyễn Lương Bằng (quận Liên Chiểu), người phụ trách cho biết, cơ sở này do một số thầy cô giáo uy tín đang giảng dạy tại các trường THPT, đại học, cao đẳng trong thành phố cùng lập nên. Các “lò” này tuy không thu hút học sinh từ xa đến, nhưng lại có một lượng “học sinh ruột” khá ổn định. Bạn Đ.Tiến, học sinh Trường THPT Trần Phú, cho biết: “Đi học tuy hơi xa nhưng do mình thích thầy K dạy toán ở đây, cách dạy của thầy hay và dễ nắm bắt, mình cũng rủ thêm nhiều bạn cùng học”.
Suy nghĩ thi trường nào ôn tại trường đó vẫn khá phổ biến trong học sinh, đặc biệt là các em từ các tỉnh, thành khác khác đến. Đây không chỉ là sự chọn lựa của thí sinh mà còn là của hầu hết các bậc phụ huynh. Bác Trần Thanh Cường (Hà Tĩnh) dẫn con vào Đà Nẵng ôn thi đã được một tuần tâm sự: “Chung quanh khu vực chúng tôi trọ học đã thấy gần chục trung tâm luyện thi, mà ở đâu cũng quảng cáo “uy tín, chất lượng cao”, thật khó chọn lựa. Sau một ngày tìm hiểu, bác Cường quyết định cho con mình ôn thi ngay tại trường Đại học Sư phạm, như vậy vừa yên tâm, vừa dễ đậu (?).
Chính từ tâm lý này mà các lớp luyện thi được mở tại các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn thành phố luôn “chật chỗ” ngay từ khi bắt đầu chiêu sinh.
Tuy nhiên, năm nay, các trung tâm gia sư lại khá ế ẩm. Chị Ngọc Vân, quản lý một trung tâm gia sư trên đường Trần Cao Vân, cho biết: “Từ sau kỳ thi tốt nghiệp THPT, rất nhiều em đang học kèm tại trung tâm xin nghỉ để chuyển sang các lớp ôn thi cấp tốc, lượng học sinh của trung tâm đã giảm đi hơn 40%”.
Thực tế này bắt nguồn từ nhu cầu ôn luyện ngày càng cao của học sinh. Bạn Q.Trang, học sinh Trường THPT Trần Phú bộc bạch: “Ôn thi đại học phải học ở những thầy cô có kinh nghiệm, nắm chắc các dạng đề, nếu chỉ học kèm với các gia sư sinh viên thì mình không tự tin lắm”.
Học, ăn, ngủ cùng sĩ tử
Học nhóm cũng là một cách ôn thi hữu hiệu.
Tiết trời nóng bức khiến mọi người, ngoài giờ làm việc, đều đổ xô ra đường. Học sinh ôn thi cũng không ngoại lệ. Đã qua rồi cái thời học trò đóng cửa, giam mình trong phòng để “dùi mài kinh sử”. Học sinh thành phố có muôn nghìn cách ôn thi cực kỳ năng động và đáng yêu.
Trên tầng 2 của quán cà phê Young (đường Trần Phú), có cô bé đến quán một mình, gọi một tách trà đào dịu nhẹ, tựa lưng vào ô cửa kính rợp bóng cây xanh, và tự học qua chiếc máy tính xách tay.
Hẳn bạn sẽ bắt gặp rất nhiều hình ảnh như vậy, nếu dạo một vòng quanh các quán cà phê có kết nối wifi trong thành phố. Xu hướng này bắt nguồn từ phong trào ôn thi qua mạng đang nở rộ trong mùa tuyển sinh này.
Hiện có hàng chục trang web ôn thi được học sinh truy cập mỗi ngày như www.thaytro.vn, www.onthi.com, www.truongtructuyen.vn, www.hocmai.vn... Học phí thấp, có thể học ở mọi lúc, mọi nơi, luôn có các chương trình thi thử, giúp kiểm tra kiến thức theo từng giai đoạn ôn luyện, đó là những tiện ích của hình thức ôn thi qua mạng.
Bạn H.Thanh, học sinh Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn còn cho biết thêm: Trên các trang web ôn thi, bài học luôn đi kèm với hình ảnh minh họa, rất sinh động, dễ hiểu, lại nhớ lâu. Còn đối với các môn thi trắc nghiệm, học trên mạng cực kỳ hiệu quả vì có thể làm bài và kiểm tra kết quả tức thì.
Học theo nhóm cũng là một phương pháp được nhiều bạn trẻ lựa chọn. Đông người nhưng không cần phải đầy đủ bàn ghế, trong khuôn viên thư viện thành phố, nhiều nhóm bạn còn lót giấy ngồi tụm lại với nhau, ê a học bài dưới bóng cây mát rượi. Dọc theo bờ sông Hàn, cũng xuất hiện nhiều đôi bạn vừa ôn bài vừa đi bộ, hóng gió.
Không đầy đủ điều kiện như các học sinh nội thành, những bạn trẻ từ các vùng lân cận lên phố ôn thi phải vật lộn với nhiều nỗi lo cơm, áo, gạo tiền. Trong một khu trọ phía sau trường Đại học Bách khoa Đà Nẵng, bốn bạn Hùng, Cường, Nho, Thảo (Quảng Nam) cùng ở chung trong một căn phòng chưa đầy 20m3, với giá 600.000 đồng/1 tháng.
Vốn là dân khối A, bạn Nho tính toán rất nhanh: “Cơm bụi loại rẻ nhất là 8.000 đồng/đĩa, bữa sáng đạm bạc nhất cũng 5.000 đồng, vị chi một ngày tốn gần 30.000 đồng/người cho tiền thuê nhà và ăn chính, chưa kể hàng trăm khoảng chi tiêu lặt vặt khác. Chắt bóp lắm mới tiêu đủ số tiền gia đình chu cấp”. Bạn Thảo ban ngày đi học, ban đêm còn đi phụ người quen bán nước mía kiếm thêm tiền trang trải học phí.
Không có những ly trà đào với tiếng nhạc du dương, không khí ôn luyện ở các xóm trọ lại vô cùng sôi nổi. Bạn Q.Anh (Quảng Bình), đang ở trọ trên đường Ông Ích Khiêm, kể: “Trời nóng quá, tụi mình mỗi đứa một chiếc bàn ra ngồi quanh giếng nước của nhà chủ ôn bài, vừa mát lại vừa vui. Cả khu trọ có 10 người góp gạo thổi cơm chung cho tiết kiệm và đỡ mất thời gian”.
Ngày, chen chúc giữa phố phường tấp nập, dưới cái nắng như đổ lửa, vòng xe các bạn trẻ vẫn miệt mài trên con đường đến trường, ra chợ… Đêm, trong giấc ngủ muộn và mệt nhoài, các sĩ tử mơ về ngày được bước chân vào giảng đường đại học.
NGUYỆT QUẾ
.
.
Theo chân sĩ tử luyện thi cấp tốc
Thứ Hai, 15/06/2009, 14:13 [GMT+7]
.
.
;
.
.
Các tin khác
.
.
.