.

Khoảng sáng ở xóm nghèo

.

Đó là một căn nhà lụp xụp, đúng hơn là một túp lều, bốn bên được chắp vá bằng những tấm tôn rỉ rét... Bước vào bên trong, đứng giữa căn nhà chật chội mới thấy, cái nghèo còn vượt ra ngoài sức tưởng tượng. Xóm nghèo, gia đình chị lại là một trong những nhà nghèo nhất. Vậy nhưng, nghèo khó dường như không hề khuất phục được ý chí và nghị lực vươn lên của những con người trong căn nhà ấy.

Căn nhà này được biết đến thêm một cái nhất nữa - nơi có những đứa con học giỏi nhất xóm. Đó là căn nhà của gia đình chị Huỳnh Thị Hồng và anh Tăng Văn Phước, tổ 7, phường An Hải Tây, quận Sơn Trà, Đà Nẵng.

Đời cha mẹcoi như đã bỏ

Những buổi dạy thêm cho bọn trẻ trong xóm vừa giúp chị em Thắm tiếp tục đến trường, vừa trả nghĩa cho những ân tình mà chị em Thắm đã nhận được từ thầy cô, chòm xóm.

Giữa căn nhà lụp xụp, 4 vách và mái được chắp vá chằng chịt bằng những miếng tôn, ken thêm những tấm gỗ cũ kỹ và loang lổ, anh Phước, 55 tuổi, hoài niệm về những ngày tháng đã qua. 15 năm trước, anh là dân buôn trầm có tiếng ở đất Quế Sơn (Quảng Nam). “Đến chợ Trung Phước, hỏi Phước Hộ ai cũng biết”, anh nói. Từng xuôi ngược Nam Bắc, xưởng trầm của anh có khi lên đến 20 thợ làm thường xuyên. Nhưng rồi, giọng anh chùng xuống, “nghề trầm phất nhanh mà xuống cũng nhanh, sau vài chuyến hàng bị quỵt nợ, phá sản, phải bán nhà trả nợ.

Năm 1997, trắng tay, dắt díu vợ và 4 đứa con về quê vợ ở làng An Hải Tây, sống chen chúc trên chiếc thuyền nhỏ ở xóm nhà chồ, bắt đầu những ngày tháng lênh đênh sóng nước. Đời cha mẹ coi như đã bỏ, nhưng còn mấy đứa con, chúng phải có tương lai tươi sáng hơn chứ? Thế là mon men lên bờ, dựng cái nhà lá ven sông, nhưng lại gặp ngay thời điểm thành phố thực hiện chỉnh trang đô thị, đường Bạch Đằng Đông bị giải tỏa, lại làm nhà trên đất lấn chiếm nên cả nhà cứ phải… chạy. Chị Hồng kể thêm: “Bão Xangsane, nhà sập, kẻ gian lấy mất tài sản quý nhất là cái xe đạp, mấy mẹ con ôm nhau ngồi giữa ngôi nhà tan hoang mà khóc. Đời mạt đến thế là cùng”!

Sau bão, anh Phước xuống sông, lặn mò từng tấm tôn lên, dựng lại nhà làm chỗ che mưa nắng, lần dựng ấy, cũng là lần thứ 5. Để mưu sinh, anh chị chạy đò chở cá từ chợ đầu mối về các chợ nhỏ, nhưng từ ngày cảng cá Thuận Phước dời đi, công việc ít hẳn, giờ ai kêu gì chở nấy, không nề hà giờ giấc, nắng mưa. Những ngày không có khách, hai vợ chồng lại đi làm giã cào trên sông, thu nhập vô chừng nên cuộc sống vẫn lặng lẽ qua đi cùng với muôn vàn khó khăn chồng chất.

Khoảng sáng đời con

Căn nhà lụp xụp trên đất mượn, bốn bên chắp vá bằng tôn rỉ, nơi nuôi dưỡng những ước mơ về tương lai tươi sáng.

 

Dường như đã quen với cái nghèo khổ và thiếu thốn nên cả gia đình không ai kêu ca, phàn nàn. Chỉ có một thứ âm ỉ cháy, đó là khát khao được học của lũ trẻ. Chị Hồng nghẹn ngào: “Vận nhà thì mạt đi mà mấy đứa cứ đòi đi học. Phải chi chúng nó học thường thường thì tui cũng cho tụi nó nghỉ lâu rồi, nhưng tụi nó đứa nào cũng học giỏi”.

Mấy đứa trẻ con của anh chị: Tăng Thị Vi (sinh năm 1985), Tăng Văn Lộc (1987), Tăng Thị Thắm (1989) và Tăng Thị Tươi (1991), cần mẫn học để thực hiện ước mơ cháy bỏng - được đến trường. Nhưng để có cái ăn đã khó huống gì cho con theo cái chữ. Chị Hồng kể: “Năm Vi và Lộc học cấp 2, không có tiền đóng học phí, Vi nghỉ học để đi bán vé số. Thầy Tấn, hiệu trưởng Trường THCS Cao Thắng đến nhà động viên cho Vi đi học lại, miễn học phí cho cả hai. Sau này hai đứa em đi học, cũng được thầy đề nghị nhà trường miễn học phí. Ba chị em chung nhau mặc một bộ đồ thể dục đến rách bươm, vậy mà không bỏ buổi học nào”.

Vừa học, Vi vừa phụ giúp ba mẹ kiếm tiền nuôi cả nhà, năm thi đại học đầu tiên, rớt! Cô học trò nhỏ không nhụt chí, thi tiếp năm thứ 2, đậu cao đẳng, cùng năm Lộc thi Đại học Bách khoa Đà Nẵng, đậu Khoa CNTT. Học được một thời gian, Vi nghỉ để Lộc được bước tiếp đến giảng đường. Năm 2007, Vi lại thi đậu vào Đại học Bách khoa Đà Nẵng, Khoa Công nghệ sinh học với số điểm rất cao, 26,5.

Năm 2008, cô em gái Tăng Thị Thắm đậu vào Khoa Quản trị Marketing, Trường Cao đẳng Lương thực thực phẩm và là một trong những học sinh xuất sắc của lớp với học bổng loại giỏi. Cô em  út Tăng Thị Tươi cũng có thành tích đáng nể với 3 năm liền đoạt giải nhất môn Lịch sử bậc THPT kỳ thi học sinh giỏi thành phố, vừa thi vào Trường Đại học Sư phạm Đà Nẵng với 16 điểm.

Con đường đến trường của chị em Vi càng thêm gập ghềnh. Lộc đi học ké xe với bạn, nên cùng trễ, cùng nghỉ. Vi đến trường bằng xe buýt hoặc đạp xe. Chị Hồng kể, nhiều buổi, nhà chỉ còn có 10.000 đồng cho Vi đi học, tiền xe cũng đã hết 8.000 đồng, không biết nó ăn gì suốt cả ngày hôm đó? Vậy nhưng, vì sự học của các con, chị Hồng đã vay 8 triệu đồng từ nguồn hỗ trợ học sinh - sinh viên nghèo mua xe máy và bộ máy vi tính làm phương tiện cho con học hành.

Nhiều thầy cô, bạn bè đã dang tay giúp đỡ để chị em Vi tiếp tục đến trường. Cảm những tấm lòng tình nghĩa ấy, Vi mượn mặt bằng kho chứa vật liệu xây dựng cạnh nhà, tranh thủ buổi tối dạy trẻ trong xóm. Xóm nghèo, tiền công chẳng đáng bao nhiêu, nhiều đứa học gần hết tháng là nghỉ vì nghèo, Vi lại vận động chúng đi học, dạy miễn phí. Với Vi, thế cũng là một cách trả nghĩa cho đời.

Một năm học mới sắp bắt đầu, gánh nặng học phí cho 4 đứa con tiếp tục đến trường lại đè nặng lên đôi vai anh Phước, chị Hồng vì hôm qua, mấy đứa nhỏ tạm tính số tiền học phí phải nộp đầu năm lên đến 5 - 6 triệu. “Bây giờ anh chị tính sao?”, tôi hỏi. Anh chị Hồng nhìn nhau bần thần, đôi mắt ngân ngấn nước... Con bé Thắm ngồi cạnh nén tiếng nấc, nghẹn ngào:
 
“Tụi em sẽ cố gắng dạy thêm và kiếm học bổng, chị ạ”. Tôi nhìn đôi vai bé nhỏ khẽ rung của em, đôi bàn tay lấm lem dầu mỡ của người cha, mái tóc bạc của người mẹ... như thấy bên trong những con người bình dị, trong căn nhà tồi tàn là sức mạnh của ý chí, niềm tin vào tương lai tươi sáng. Lớn lên từ nghèo khó, được nuôi dưỡng bằng nghị lực và lòng nhân ái sẽ giúp các em tự đi vững chãi trên đôi chân của mình!

Chia tay gia đình ấy, hình ảnh vẫn hiện lên trong tâm trí và dõi theo chúng tôi là mảng sáng nhất của căn nhà - nơi treo đầy những tấm giấy khen, chứng nhận học bổng và cái giá chất đầy sách vở - kết quả và hành trang vững chắc để các em tự tin bước vào đời.
          
Bài và ảnh: NGỌC THỦY

;
.
.
.
.
.