.

Sự học trên đất Ngũ Hành

.

Với những học sinh (HS) nghèo trên đất Ngũ Hành Sơn, từ lâu việc học không chỉ là chiếc chìa khóa giúp các em mở cánh cửa vào tương lai, mà còn là sự cố gắng không ngừng nghỉ để vượt lên số phận.

Những người thầy tận tâm

Mô tả ảnh.

Với thành tích đạt được trong bồi dưỡng học sinh giỏi môn Địa lý, cô giáo Nguyễn Thị Hồng Lý từng được UBND quận Ngũ Hành Sơn “thưởng nóng” trong năm học 2008-2009.

Được HS bỏ phiếu bình chọn trong chương trình “Vinh danh nhà giáo được HS yêu mến nhất” năm học 2009-2010, cô giáo La Thị Kim Hoàng, Trường tiểu học Lê Lai xem đó là động lực để mình cố gắng hơn nữa trong công tác giảng dạy. Bởi, một cô giáo mới bước vào nghề năm 2007 như Kim Hoàng, thì việc được HS yêu mến nhất mang lại cho cô niềm vui lẫn sự tự hào. Cô chia sẻ: “Ba năm đi dạy, chẳng mấy khi tôi ra khỏi lớp trong giờ ra chơi, chuyển tiết. Tôi dành thời gian ấy để nói chuyện với các em về chuyện trường, chuyện lớp, tìm hiểu hoàn cảnh gia đình của từng em. Nhìn học trò như bầy chim sẻ ríu rít cười nói, tôi cảm thấy yêu hơn nghề giáo”.

Ở bậc tiểu học, hầu hết HS đều có nhu cầu được nói chuyện, được chia sẻ những thắc mắc nên ở trường, ngoài vai trò là cô giáo, cô Hoàng còn được các em xem như chị gái nên hay bộc lộ những suy nghĩ, mong muốn của mình, từ cơ sở đó, nhà trường đã có hướng đào tạo, giáo dục tích cực. Trong suy nghĩ của mình, cô vẫn xem đây là nhiệm vụ của một người thầy. Có lẽ vì vậy mà đến bây giờ, khi biết mình là cô giáo được HS yêu mến nhất, cô vẫn chưa hết ngạc nhiên và hạnh phúc.

Cũng như cô giáo Hoàng, thương cậu học trò N.V.Q có cha mất vì HIV, mẹ cũng đang nhiễm HIV giai đoạn cuối, cô giáo Võ Thị Kim Phượng, Trường tiểu học Phạm Hồng Thái đã dành cho Q. sự quan tâm đặc biệt. Trong suốt năm học cuối cấp, cô đã gần gũi, chia sẻ, mua tặng sách vở, giúp em tránh đi sự mặc cảm để tự tin tiếp tục học tập. Khi nói về HS của mình, cô bảo: “Tôi rất thương HS ở đây vì phần lớn các em sinh ra và lớn lên trong những gia đình khó khăn, có hoàn cảnh đáng thương. Các em luôn cần sự động viên, chia sẻ kịp thời để lấy lại tinh thần, tập trung cho việc học”.

Ở Trường THCS Lê Lợi, cô giáo Nguyễn Thị Hồng Lý lại được nhiều HS biết đến bởi cô khá “mát tay” trong việc dạy bồi dưỡng HS giỏi. Suốt 2 năm liền, ngôi trường vùng ven của Đà Nẵng luôn đạt được thành tích “Nhất đồng đội môn Địa lý lớp 9 cấp thành phố”. Cô giáo Lý đã khiến nhiều đồng nghiệp cảm phục bởi sự nhiệt tình, ý thức trách nhiệm và phương pháp bồi dưỡng tốt, nắm rõ hoàn cảnh của từng HS.

Ông Nguyễn Lâm, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Ngũ Hành Sơn cho biết, trong môi trường dạy và học còn khó khăn, nhiều giáo viên là người từ tỉnh, thành khác đến công tác nên sự tận tụy của các cô, thầy là điều đáng trân trọng. Chính sự tận tụy đó mà năm học vừa qua, toàn quận có 786 HS tham gia các kỳ thi cấp thành phố, đã có 513 giải cá nhân (tăng 262 giải so với năm trước). Số lượng HS đạt giải nhất, nhì cấp thành phố cũng tăng gấp 2 lần. Trong đó, có nhiều HS có hoàn cảnh gia đình khó khăn, thuộc diện di dời, giải tỏa, gia đình thuần nông…

Cây trổ bông trên mảnh đất cằn

Mô tả ảnh.

Với học sinh nghèo như Hậu, học là con đường duy nhất giúp em sau này có điều kiện giúp đỡ gia đình.

Sinh ra trong một gia đình có hoàn cảnh khó khăn, em Phùng Thị Xuân Hậu, học sinh lớp 9/2, Trường THCS Huỳnh Bá Chánh được thầy cô, bạn bè gọi thân mật “con nhà nghèo học giỏi”. Từng có một thời, Hậu mặc cảm, xa lánh, ít gần gũi với bạn bè chỉ vì “nhà mình nghèo, đi chơi, đi sinh nhật, đi liên hoan đều phải cần đến tiền, trong khi gia đình thì khó khăn, lấy đâu ra tiền cho em. Ít chơi với bạn, mình sẽ ít tham gia những cuộc vui đó, thế thì không tốn tiền. Một năm cộng lại, số tiền ấy cũng đủ để mẹ mua cặp sách, quần áo cho em”. Suy nghĩ ấy thật hồn nhiên và cũng thật đáng quý với một em HS con nhà nghèo ham học như Hậu.

Thầy Chung Văn Hùng, Phó Hiệu trưởng Trường THCS Huỳnh Bá Chánh bộc bạch: “Phường Hòa Hải là khu vực chuyển đổi từ nông thôn lên thành thị nên công tác giải tỏa, tái định cư cũng đã ít nhiều ảnh hưởng đến việc ổn định dạy và học của nhà trường. Hơn nữa, điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn, trình độ dân trí thấp, nhiều bậc phụ huynh ít có điều kiện quan tâm đến việc học của con em. Vì vậy, với những HS nghèo, chúng tôi luôn tìm hiểu rõ hoàn cảnh từng gia đình để các em cảm nhận được sự quan tâm của nhà trường và xã hội. Hậu là tấm gương trong hoạt động của “CLB Người bạn đồng hành”, “Đôi bạn cùng tiến”, giúp em và những bạn có cùng hoàn cảnh hòa nhập với bạn bè”.

Với ước muốn vượt lên số phận, nhiều HS nghèo ở Ngũ Hành Sơn càng ngày càng mưu cầu việc học. Năm học 2009-2010, Trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm có 2 em HS đỗ thủ khoa vào các trường công lập. Em Đỗ Minh Thắng, thủ khoa Trường THPT Hoàng Hoa Thám bày tỏ, gia đình càng khó khăn thì em càng phải cố gắng học tập để sau này tìm một việc làm ổn định khi ra trường.

Không có nhiều thời gian để ngồi vào bàn học, không đủ tiền để mua thêm sách tham khảo, không ai kèm cặp, chỉ dẫn thêm… là lý do khiến nhiều em HS nghèo không có kết quả học tập tốt và buông xuôi với ước mơ vào được đại học của mình. Tuy nhiên, với Trương Thị Thúy Vy, tổ 42, phường Hòa Hải lại khác. Gia đình thuộc diện đặc biệt nghèo của phường Hòa Hải, cha mất sớm, mẹ đi làm phụ hồ nuôi 3 đứa con ăn học nên với Vy “học là con đường duy nhất để giúp em vươn lên trong cuộc sống, tìm kiếm một tương lai tốt đẹp hơn”. Ngày nhận được giấy báo nhập học vào Trường Đại học Sư phạm Đà Nẵng, Vy mừng rỡ chạy đi tìm mẹ báo tin vui. Dưới cái nắng gay gắt, bàn tay còn lấm lem vôi vữa, nụ cười trên gương mặt của mẹ như chợt tắt vì lo lắng cho những chi phí suốt những năm tháng tiếp theo.

 Mấy ngày này, Vy vui lắm khi được biết mình là một trong những bạn được nhận học bổng “Tiếp sức đến trường” do Báo Tuổi trẻ kết hợp với Thành Đoàn Đà Nẵng tổ chức vào đầu tháng 9 tới.

Chọn một trường ở Đà Nẵng để dự thi, cũng là cách để các em tiết kiệm một khoản chi phí rất lớn cho những năm học tới như tiền ăn, ở, đi lại. Với những HS nghèo có ý chí thì chuyện vào được đại học, tìm được một việc làm ổn định là giấc mơ cháy bỏng. Khi người viết bài này đưa ra những ví dụ cụ thể về những anh, chị lớp trên lần lượt vào đại học dù gia đình cũng trăm phần khó khăn, thì Hậu nói, thật hồn nhiên: “Nay mai, em cũng muốn trở thành sinh viên như các anh, chị ấy”.

Tiểu Yến

 

 

 

;
.
.
.
.
.