.

Tiếng kẻng học tập

.

Những năm gần đây, Hội LHPN xã Hòa Phong phát động nhiều phong trào thi đua rất sáng tạo, bổ ích, nổi bật là mô hình Tiếng kẻng học tập và Quỹ Ươm mầm Trạng nguyên, qua đó giúp phong trào học tập trong xã phát triển...

Mô tả ảnh.

Hội trại “Tiếp bước truyền thống” do Hội LHPN xã Hòa Phong tổ chức.

Nghe kẻng, tất cả ngồi vào bàn học

Mô hình Tiếng kẻng học tập được Hội phát động từ đầu năm 2010, thực hiện thí điểm tại các thôn Dương Lâm 1, Dương Lâm 2, Nam Thành và Cẩm Toại Đông. Thường trực Hội LHPN xã lập kế hoạch trình Đảng ủy xã phê duyệt và chủ động phối hợp với các chi bộ, ban nhân dân thôn và các đoàn thể dưới cơ sở, sau đó tổ chức họp dân tại 4 thôn thí điểm để phổ biến mô hình, quy định hiệu lệnh kẻng.

Tại thôn Dương Lâm 1, kẻng được đặt trước nhà chị Trương Thị Cúc Anh. Hằng ngày, cứ đến 19 giờ rưỡi, chị Cúc Anh lại đánh một hồi kẻng dài và  khi nghe tiếng kẻng ấy, các em học sinh tự giác vào vị trí học tập. Em nào chậm trễ là phụ huynh nhắc nhở. Em nào bận việc gia đình thì cha mẹ, anh chị lo làm giúp để cho em vào học. Trước đây, nhiều gia đình trong thôn không quản lý được lịch học tập của con em mình, nhưng từ khi có Tiếng kẻng học tập, các bậc cha mẹ lấy đó làm chuẩn và kiên quyết bảo con ngồi vào bàn học. Bước vào năm học mới 2010-2011, Hội LHPN Hòa Phong đã triển khai nhân rộng mô hình Tiếng kẻng học tập ra khắp 15 thôn trên địa bàn xã.

Nhiều người dân địa phương cho biết, từ khi có Tiếng kẻng học tập, vào buổi tối thôn xóm yên tĩnh hơn hẳn, không còn hiện tượng học sinh chơi lông bông trên đường làng hoặc sa đà trong các hàng quán. Chị Huỳnh Thị Anh ở thôn Nam Thành hồ hởi nói: Chị thấy hình thức đánh kẻng học tập là rất có ích cho việc học hành của con cháu. Hai đứa con chị hễ nghe tiếng kẻng là dù chương trình ti-vi có hay mấy cũng tắt để ngồi vào bàn học.

Cố học giỏi hơn nữa...

Quỹ Ươm mầm Trạng nguyên được Hội LHPN xã phát động cuối năm 2009, bằng hình thức vận động cán bộ, hội viên thu gom phế liệu, rác thải còn khả năng tái chế để bán lấy tiền giúp đỡ con hội viên nghèo và khen thưởng các em học giỏi. Từng hội viên tự giác thu nhặt vỏ lon bia, giấy vụn, bao ni-lon, hằng tuần đem nộp cho tổ trưởng, các tổ trưởng lại tập trung đến nhà chi hội trưởng để bán và lập thành Quỹ Ươm mầm Trạng nguyên ở từng chi hội. 

Đến nay, các chi hội đã bán phế liệu, rác thải được gần 18 triệu đồng và đã nhiều lần hỗ trợ cho các học sinh có hoàn cảnh nghèo khó. Hội LHPN xã đã tổ chức 2 đợt phát quà Ươm mầm Trạng nguyên với tổng số gần 400 em được nhận thưởng. Tuy giá trị mỗi suất quà không nhiều, nhưng là nguồn cổ vũ tinh thần sâu sắc, thiết thực động viên các em thi đua học tốt. Hai anh em Nguyễn Văn Quin và Nguyễn Văn Vinh ở thôn Nam Thành đều đã được nhận tặng phẩm Ươm mầm Trạng nguyên. Em Vinh đang học lớp 9 tại Trường THCS Trần Quốc Tuấn, nét mặt rạng rỡ niềm vui khoe với chúng tôi: Hôm được mời đến nhận quà Ươm mầm Trạng nguyên, em thấy vinh dự vô cùng! Em hứa sẽ cố học giỏi hơn nữa để năm sau tiếp tục được nhận thưởng và mai sau trở thành những công dân có ích cho xã hội.

Ban Chấp hành Hội LHPN xã Hòa Phong xác định, mô hình Tiếng kẻng học tập và Quỹ Ươm mầm Trạng nguyên là một việc làm cụ thể trong Cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” và sẽ được duy trì thực hiện lâu dài. Đồng chí Dương Tấn Đạt, Bí thư Đảng ủy xã Hòa Phong khẳng định: Phong trào Tiếng kẻng học tập và Quỹ Ươm mầm Trạng nguyên của Hội LHPN xã có tác dụng nâng cao học lực của học sinh một cách rõ rệt. Cụ thể như trong kỳ thi đại học năm 2010, toàn xã có đến 65 em thi đỗ đại học chính quy, cao nhất từ trước đến nay và dẫn đầu 11 xã trong huyện.

Bài và ảnh: LÊ VĂN THƠM

;
.
.
.
.
.