Ngày 10-8-2009, Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng ban hành Chỉ thị số 24-CT/TU về việc “Tiếp tục đẩy mạnh công tác phối hợp giúp đỡ các gia đình có hoàn cảnh đặc biệt nghèo, học sinh bỏ học và thiếu niên hư, vi phạm pháp luật trên địa bàn thành phố Đà Nẵng”. Sau 1 năm quyết liệt vào cuộc của cả hệ thống chính trị, trong đó có vai trò chủ công của ngành Giáo dục-Đào tạo, tình hình học sinh bỏ học trên địa bàn thành phố đã giảm đến mức thấp nhất..
Tích cực giữ chân học sinh
Nhờ sinh hoạt trong Câu lạc bộ “Người bạn đồng hành” ở Trường THCS Huỳnh Bá Chánh, nhiều học sinh đã không rơi vào cảnh bỏ học giữa chừng. |
Từ năm học 2008-2009 đến nay, ở thôn Khái Tây 1, phường Hòa Quý (quận Ngũ Hành Sơn) xuất hiện nhiều lớp học “tiếp sức đến trường” do thầy giáo Nguyễn Thông, Chủ tịch Hội Cựu giáo chức phường Hòa Quý phụ trách. Đây là những lớp học miễn phí nhằm giúp các em học sinh THCS có học lực yếu kém, lưu ban vươn lên trong học tập. Từ những lớp học này, nhiều học sinh đứng trước nguy cơ bỏ học đã “lấy lại thăng bằng” để tiếp tục đến trường.
Năm học 2009-2010, lớp do thầy Thông quản lý có 24 học sinh THCS thuộc diện yếu kém, lưu ban nhiều năm. Nhờ sự tận tình dạy dỗ của các giáo viên đứng lớp, chỉ sau một thời gian, hơn 2/3 học sinh học lực yếu, kém trong lớp đã vươn lên đạt mức trung bình và khá. Thầy Thông tâm sự: Với những lớp học này, chỉ có tình thương yêu, sự giúp đỡ nhiệt tình của thầy, cô giáo mới giúp các em có nghị lực vượt lên để chiến thắng chính bản thân mình.
Nhằm ngăn chặn học sinh bỏ học, vào đầu năm học 2009-2010, Phòng Giáo dục-Đào tạo quận Ngũ Hành Sơn triển khai thí điểm mô hình Câu lạc bộ “Người bạn đồng hành” tại Trường THCS Huỳnh Bá Chánh, nhằm tập hợp những học sinh cá biệt, có hoàn cảnh khó khăn, học lực yếu kém, lười học… để giúp đỡ các em rèn luyện ý thức vươn lên trong học tập. Theo đó, ngoài giờ học chính khóa ở lớp, các em học sinh trong Câu lạc bộ được tham gia các hoạt động bổ ích như đi tham quan, chơi các trò chơi đố vui để học, được thầy cô giáo tư vấn tâm lý, giúp đỡ khi gặp khó khăn… Sau thời gian sinh hoạt trong Câu lạc bộ, nhiều học sinh đã tiến bộ rõ rệt.
Ban giám hiệu Trường THCS Huỳnh Bá Chánh cho biết, trong số 50 học sinh từ lớp 6 đến lớp 9 có học lực và đạo đức yếu kém tham gia Câu lạc bộ, đến cuối năm học 2009-2010, có 5 học sinh đạo đức đạt loại tốt, 17 học sinh đạt loại khá, 18 học sinh đạt loại trung bình. Đáng mừng hơn, kết quả học tập cuối năm học 2009-2010, có 37 trên tổng số 50 học sinh được lên lớp.
Quyết tâm ngăn chặn học sinh bỏ học
Năm học 2009-2010, trên địa bàn quận Sơn Trà có 112 học sinh bỏ học trong dịp hè. Nhờ sự vào cuộc quyết liệt của ban giám hiệu các trường và chính quyền địa phương trong công tác vận động học sinh ra lớp, đến cuối năm học, chỉ còn 44 học sinh bỏ học. Hiện nay, Phòng Giáo dục-Đào tạo quận phối hợp với Trung tâm Kỹ thuật tổng hợp-hướng nghiệp quận Sơn Trà mở lớp dạy bổ túc cho 44 học sinh này. Ông Nguyễn Đắc Xứng, Trưởng phòng Giáo dục-Đào tạo quận Sơn Trà cho biết, phòng đã chỉ đạo các trường tích cực vận động các em ra lớp, những em nào có hoàn cảnh khó khăn thì hỗ trợ áo quần, sách vở, học phí; em nào có học lực yếu kém thì các trường tổ chức phụ đạo miễn phí giúp các em bổ khuyết kiến thức. Vào đầu năm học 2010-2011, trên địa bàn quận có 50 học sinh THCS bỏ học trong hè, đa số những em này bỏ học do nguyên nhân yếu kém, lưu ban nhiều năm. Đến nay, phòng đã vận động được 21 học sinh ra lớp, số học sinh còn lại, Ban giám hiệu các trường đang tích cực phối hợp với chính quyền phường tiếp tục vận động.
Bên cạnh vai trò chủ công của ngành Giáo dục-Đào tạo, chính quyền, các hội, đoàn thể các địa phương có những đóng góp tích cực trong công tác ngăn chặn học sinh bỏ học trên địa bàn. Nhờ đó, tình trạng học sinh bỏ học đã được khống chế đến mức thấp nhất. Cụ thể, năm học 2008-2009, toàn thành phố có 654 học sinh bỏ học, đến năm học 2009-2010, số học sinh bỏ học giảm xuống còn 321 em.
Để góp phần thực hiện hiệu quả Chỉ thị 24-CT/TU và mục tiêu Đề án “Không có học sinh bỏ học đến năm 2015”, trong thời gian đến, Sở Giáo dục-Đào tạo tiếp tục thực hiện các giải pháp: Mỗi đơn vị, trường học thành lập tổ thực hiện mục tiêu “Không có học sinh bỏ học”; tăng cường công tác phụ đạo, bồi dưỡng học sinh yếu, kém. Phối hợp chặt chẽ với gia đình trong việc giúp đỡ, động viên các em trong học tập. Trong từng lớp học, khuyến khích hình thành nhóm bạn giúp đỡ nhau trong học tập, rèn luyện. Các trường phối hợp với các đoàn thể, chính quyền, địa phương giúp đỡ, hỗ trợ học bổng, phương tiện đi lại, điều kiện học tập, miễn giảm các khoản đóng góp… cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn.
Bài và ảnh: HÒA KHÁNH