Cách đây tròn 35 năm, sau khi giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, ngày 11-7-1975, Ủy ban Nhân dân Cách mạng Khu Trung Trung Bộ ra Quyết định số 66/QĐ thành lập Viện Đại học Đà Nẵng, tiền thân của Trường Đại học Bách khoa (ĐHBK) Đà Nẵng ngày nay. Bằng sự nỗ lực không ngừng, từ ngày thành lập đến nay, nhà trường phát triển ngày càng lớn mạnh cả về cơ sở vật chất lẫn đội ngũ cán bộ, giảng viên, chất lượng giáo dục, uy tín nhà trường có chỗ đứng vững chắc trong hệ thống trường ĐH ở Việt Nam.
Giờ học của lớp đào tạo kỹ sư chất lượng cao tại Trường ĐHBK Đà Nẵng. |
Vươn lên từ những khó khăn, thách thức
Với những thành tích đã đạt được, Trường ĐHBK Đà Nẵng đã được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng nhất và nhận được nhiều Bằng khen, Cờ Thi đua của Thủ tướng Chính phủ. Ngoài ra, nhiều tập thể và cá nhân của nhà trường cũng nhận được các phần thưởng cao quý khác, trong đó có Huân chương Lao động hạng Nhì và hạng Ba. |
Trong những ngày đầu thành lập, ngôi trường ở vùng đầy cát trắng và xương rồng này phải đối mặt với bao thiếu thốn bộn bề. Đến nay, nhiều thế hệ sinh viên vẫn còn nhớ như in hình ảnh các thầy, cô nhà trường lúc bấy giờ đã chắt chiu từng chút vật tư xin được, hy sinh từng đồng lương eo hẹp của mình để tự chế tạo dụng cụ thí nghiệm giúp sinh viên học tập.
Quá trình hoạt động, nhờ sự hỗ trợ của Chính phủ, Bộ GD-ĐT, ĐH Đà Nẵng, điều kiện cơ sở vật chất của nhà trường đã cải thiện đáng kể. Từ lúc ban đầu chỉ có 10 phòng học, đến nay trường đã có hơn 130 phòng học, một khu làm việc với đầy đủ tiện nghi, 68 phòng thí nghiệm, 6 xưởng thực hành và 10 phòng máy vi tính, với hơn 1.000 máy.
Từ năm 2004 đến nay, ĐH Đà Nẵng đầu tư gần 250 tỷ đồng để trang bị các điều kiện cơ sở vật chất cho nhà trường, trong đó có những dự án lớn như: Dự án Cơ Nhiệt Điện lạnh, dự án AVL, phòng thí nghiệm Kết cấu Công trình, Sức bền Vật liệu, Dự án TRIG, Cơ điện tử, Phát triển giáo viên trung học chuyên nghiệp, Nâng cao năng lực Nghiên cứu điện-điện tử... Nhiều phòng thí nghiệm với thiết bị hiện đại như Cơ Điện tử, Tự động hóa, Hệ thống sản xuất tự động, Nhiệt điện, Điện tử-Viễn thông, Động cơ đốt trong, các phòng máy tính của Khoa Công nghệ thông tin-Điện tử viễn thông, Công nghệ sinh học, Công nghệ môi trường, Plasma, Nano... phục vụ cho các môn học mới, các chuyên ngành và đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Để nâng cao chất lượng đào tạo, nhà trường đã không ngừng hoàn thiện cơ sở vật chất. Từ năm 2000-2010, trường đã xây dựng và đưa vào sử dụng Khu thí nghiệm khoa Điện, khoa Cơ khí, khu dự án Cơ Điện tử, khu giảng đường H, sửa chữa nâng cấp khu thí nghiệm khoa Hóa, Dự án đào tạo Kỹ sư Chất lượng cao, khu giảng đường E. Các phòng học được trang bị thêm bàn ghế để bảo đảm đủ chỗ học cho sinh viên, trong đó có 5 phòng học được trang bị hệ thống âm thanh cố định và 50 bộ âm thanh di động phục vụ giảng dạy, 50 phòng học có projector và 40 projector cấp cho các khoa, 30 projector đặt tại các phòng nước để giáo viên sử dụng trong công tác giảng dạy.
Cùng với sự đầu tư phát triển cơ sở vật chất, chất lượng và số lượng đội ngũ cán bộ, giáo viên nhà trường cũng không ngừng nâng lên. Hiện nay toàn trường có 534 người, trong đó có 357 giáo viên, với trên 60% có trình độ sau ĐH, 20% có trình độ tiến sĩ, đảm nhận việc dạy chuyên môn ở 13 khoa với 34 chuyên ngành đào tạo khác nhau ở bậc ĐH và sau ĐH. Phần lớn cán bộ giảng dạy được thực tập, đào tạo ở các nước tiên tiến, có khả năng nghiên cứu khoa học và sư phạm tốt. Đây là vốn quý nhất mà nhà trường đã gây dựng được trong suốt hơn ba thập niên qua.
Số lượng sinh viên tuyển vào trường tăng đều qua các năm. Khóa đầu tiên vào trường năm 1975 chỉ có 340 sinh viên, nay con số tuyển sinh chính quy hằng năm của trường lên đến 3.500, trong đó có 500 là học viên cao học và nghiên cứu sinh. Tổng số sinh viên các hệ đào tạo của nhà trường hằng năm khoảng 22.000 sinh viên. Qua các mùa tuyển sinh hằng năm, nhà trường thực sự là một điểm thu hút sinh viên ưu tú dự tuyển. Và chất lượng sinh viên đầu vào không ngừng gia tăng.
Khẳng định chất lượng đào tạo
PGS.TS Trần Văn Nam, Hiệu trưởng Trường ĐHBK Đà Nẵng tặng giấy khen và tiền thưởng cho các thành viên đội BKZ của trường đoạt giải vô địch cuộc thi Robot mìn 2010. |
Sau 35 năm hoạt động, Trường ĐHBK Đà Nẵng đã đào tạo 30.440 cán bộ khoa học-công nghệ và kinh tế đảm nhận những vị trí then chốt trong các ngành sản xuất khác nhau của khu vực miền Trung-Tây Nguyên. Hằng năm, sinh viên của trường sau khi tốt nghiệp luôn được các công ty, tập đoàn trên cả nước tìm đến săn đón về làm việc (Intel, Renesas, SDS, Nhà máy Lọc dầu Dung Quất...). Theo số liệu thống kê, tỷ lệ sinh viên của nhà trường có việc làm sau thời gian ra trường 1 tháng ở mức 40 đến 50% và 1 năm là 100%.
Những năm gần đây, cùng với việc đào tạo đại trà, nhà trường hướng đến đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao để đáp ứng thị trường lao động ở Việt Nam và nước ngoài. Từ năm 1999, thực hiện dự án phối hợp đào tạo kỹ sư chất lượng cao giữa Chính phủ Cộng hòa Pháp và Chính phủ Việt Nam tại các trường ĐH ở thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội và Đà Nẵng, Trường ĐHBK Đà Nẵng đã đào tạo được 5 khóa kỹ sư chất lượng cao chuyên ngành Sản xuất Tự động, với 120 sinh viên đã tốt nghiệp. Năm 2008, Chính phủ Cộng hòa Pháp đã đồng ý cho nhà trường tiếp tục đào tạo thêm lớp kỹ sư chất lượng cao chuyên ngành Tin học Công nghiệp cho gần 30 sinh viên/năm. Hai chương trình này đã được Hội đồng Kiểm định Bằng Kỹ sư châu Âu công nhận đạt tiêu chuẩn.
Cùng với đó, nhà trường cũng đã phối hợp với hai trường ĐH ở Hoa Kỳ đào tạo Chương trình tiên tiến là Trường University of Washington đào tạo kỹ sư ngành hệ thống số (Điện tử) cho 40 sinh viên/năm và Trường Porland State University đào tạo kỹ sư ngành hệ thống nhúng (Điện tử-Tin học-Tự động hóa) cho 30 sinh viên/năm. Ngoài ra, còn có các lớp đào tạo kỹ sư “Chương trình Pháp ngữ” đối với sinh viên ngành Hóa dầu, Công nghệ thông tin, ngành Xây dựng với Đại học Nagaoka Nhật Bản, Công nghệ sinh học với Griffith Úc... và nhiều ngành liên thông 2 (3)+2 với các ĐH trên thế giới, trong đó có Trường Texas Tech University.
Đối tượng học những lớp này phải là những sinh viên có kết quả thi tuyển sinh đạt loại giỏi. Ngôn ngữ giảng dạy là tiếng Pháp và tiếng Anh, do giáo viên người nước ngoài đảm nhận. Vì vậy, để theo học những lớp này, sinh viên phải có trình độ tiếng Pháp và tiếng Anh thật giỏi. Sau khi tốt nghiệp, ngoài văn bằng do Trường ĐHBK Đà Nẵng cấp, sinh viên còn được Hiệp hội Kỹ sư châu Âu cấp chứng chỉ công nhận kỹ sư đạt tiêu chuẩn quốc tế. Hầu hết sau khi sinh viên các lớp kỹ sư chất lượng cao tốt nghiệp ra trường đều có việc làm ổn định tại các công ty lớn trên cả nước hoặc được các tổ chức nước ngoài tài trợ học bổng đi du học thạc sĩ, tiến sĩ. Đến nay, đã có gần 100 sinh viên theo học chương trình kỹ sư chất lượng cao, chương trình tiên tiến sau khi ra trường được nhận học bổng đi học nước ngoài và làm việc trong các công ty, cơ quan Nhà nước.
Song song với việc phát triển quy mô tuyển sinh, ngành nghề đào tạo đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội đặc thù ở các tỉnh miền Trung-Tây Nguyên, từ năm 1992, trường bắt đầu đào tạo trình độ thạc sĩ, tiến sĩ. Hiện nay, hệ đào tạo này đã trở thành thế mạnh của nhà trường, với 12 chuyên ngành tiến sĩ và 14 chuyên ngành thạc sĩ. Ngoài nhiệm vụ đào tạo tại trường, nhà trường còn phát triển hệ đào tạo vừa làm vừa học ở 14 trung tâm giáo dục thường xuyên của tất cả các tỉnh, thành thuộc khu vực miền Trung-Tây Nguyên, đáp ứng nhu cầu nhân lực tại chỗ cho các địa phương.
Trong quá trình giảng dạy, cán bộ, giáo viên nhà trường đã thực hiện các đề tài thực tiễn như quy hoạch công nghiệp, cơ khí hóa nông thôn, cung cấp nhiệt-năng lượng, nghiên cứu chế tạo phụ tùng thay thế... có ý nghĩa rất thiết thực đối với sự phát triển sản xuất ở các địa phương, khắc phục được những khó khăn về vật tư, thiết bị thay thế sau chiến tranh. Trong 10 năm gần đây, cán bộ của trường đã thực hiện 6 đề tài nghiên cứu cơ bản, trên 100 đề tài cấp Bộ, cấp thành phố, trên 200 đề tài cấp cơ sở thuộc hầu hết các lĩnh vực khoa học-công nghệ và trong số đó có những đề tài đã đưa vào ứng dụng trong sản xuất đem lại hiệu quả kinh tế và môi trường cao như bộ phụ kiện hỗn hợp sử dụng nhiên liệu thay thế LPG, Biogas, năng lượng mặt trời. Đến nay, nhà trường đã thiết lập quan hệ với hơn 50 trường ĐH và viện nghiên cứu ở hầu khắp các châu lục, trong đó có nhiều đại học được xếp hạng top 100 của thế giới. Các mối quan hệ này cho phép cán bộ của trường cập nhật kiến thức chuyên môn, đổi mới giáo trình và phương pháp đào tạo. Mặt khác, thông qua các chương trình này, cơ sở vật chất của trường cũng được tăng cường đáng kể và thực hiện chuyển giao công nghệ trong đào tạo và nghiên cứu khoa học.
PGS.TS Trần Văn Nam, Hiệu trưởng Trường ĐHBK Đà Nẵng cho biết, trong thời gian đến, nhà trường sẽ tiếp tục giữ vững quy mô đào tạo ĐH, mở thêm những chuyên ngành mới để đáp ứng kịp thời nhu cầu phát triển của khoa học-công nghệ, của địa phương, của đất nước. Đặc biệt phát triển đào tạo sau ĐH và nghiên cứu khoa học. Phát triển và tận dụng tối đa các mối quan hệ sẵn có trong và ngoài nước để đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, liên kết đào tạo và nghiên cứu khoa học, tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị, hỗ trợ sinh viên để nâng cao chất lượng đào tạo theo hướng tinh hoa. Phấn đấu đưa Trường ĐHBK Đà Nẵng phát triển lên một tầm cao mới, trở thành trường ĐH theo định hướng nghiên cứu vào năm 2015 và ĐH nghiên cứu vào năm 2020.
Ngọc Đoan