.

Các trường trung cấp chuyên nghiệp: Tuyển sinh khó khăn

.

Có trung tâm giới thiệu việc làm, có chỗ ở trọ, học phí thuộc loại thấp nhất... là những hứa hẹn đi kèm của các trường trung cấp chuyên nghiệp (TCCN) trong các thông báo tuyển sinh. Thế nhưng ngày càng có ít học sinh chọn học nghề làm hành trang vào đời, chưa kể số ít chọn rồi cũng bỏ dở giữa chừng...

Tuyển đã khó..., giữ càng khó hơn

Mô tả ảnh.
Học sinh Trường trung cấp Kinh tế-Kỹ thuật miền Trung chuyên ngành xây dựng học thực hành thí nghiệm vật liệu xây dựng.

Sau khi các trường đại học, cao đẳng kết thúc thời hạn tuyển sinh, nhiều người cứ nghĩ các thí sinh rớt cả 3 nguyện vọng sẽ đổ dồn vào các trường đào tạo nghề, nhưng thực tế lại không phải như thế. Công tác tuyển sinh đầu năm học mới của các trường TCCN vẫn vắng vẻ, đìu hiu như cảnh chợ chiều, trong khi thời gian các trường kết thúc nhận hồ sơ tuyển sinh đợt 1 đã hết.

Đơn cử như Trường trung cấp Kinh tế kỹ thuật miền Trung, một trường đào tạo lao động kỹ thuật lành nghề về xây dựng, nhưng cũng khó khăn trong quá trình tuyển sinh. Năm nay, chỉ tiêu tuyển sinh của trường là 700 học sinh, nhưng đến nay  mới chỉ tuyển được 232 chỉ tiêu. Hay Trường trung cấp Kỹ thuật - Nghiệp vụ Việt Á  cũng chỉ tuyển được chưa tới 50%  chỉ tiêu...

Bà Trần Thị Xuân Lan, Phó Hiệu trưởng Trường trung cấp Kinh tế kỹ thuật miền Trung cho biết: Cách đây khoảng 4 - 5 năm, số lượng học sinh đăng ký tuyển sinh rất đông, thế nhưng bây giờ phải “mót” từng học sinh. Lý giải cảnh này, bà Lan cho rằng: “Với tâm lý chuộng bằng cấp, học sinh chỉ muốn học đại học hoặc cao đẳng (ĐH, CĐ). Đặc biệt hiện nay,  các trường ĐH, CĐ cũng đua nhau đào tạo hệ trung cấp, khiến các trường như chúng tôi lao đao”.  Cũng theo bà Lan, tình hình chung mấy năm trở lại đây, chưa năm nào trường tuyển đủ chỉ tiêu. Hầu như các trường TCCN đều tuyển không đủ chỉ tiêu Bộ giao.

Và có một nghịch lý là có trường tuyển sinh học ngành Xây dựng quy định là khối A, thế nhưng vẫn nhận khối C vào học để cho đủ chỉ tiêu.

Tuyển sinh đã vất vả, để giữ chân được các em theo học đến đích lại càng khó khăn hơn. Một số cán bộ làm ở phòng đào tạo tại các trường TCCN cho biết: Tuy đã nhận hồ sơ, nhưng vẫn lo các em sẽ đến xin rút lại để nộp chỗ khác. Do quan niệm của các em là học hệ TCCN ở các trường đại học vẫn hơn các trường TCCN. Đã khó tuyển sinh, nhưng tuyển được thì tỷ lệ rơi rụng giữa chừng khá nhiều nên nhiều năm nay lại tái diễn tình cảnh: Trường nghề thiếu trò, doanh nghiệp thiếu thợ được đào tạo bài bản.

Ngày càng lao đao...

Hiện nay, cơ chế quản lý chồng chéo cùng việc hàng loạt trường đại học (ĐH) đua nhau mở nhiều hệ đào tạo khiến các trường TCCN phải loay hoay tìm hướng đi, nếu không muốn đóng cửa.

Kể từ khi Luật Dạy nghề có hiệu lực vào năm 2007, hệ Công nhân kỹ thuật bị khai tử và thay vào đó là hệ đào tạo trung cấp nghề, tương đương với hệ TCCN. Ra đời đã nhiều năm, nhưng hệ trung cấp nghề vẫn chưa có quy định gì về thang bảng lương cho những người tốt nghiệp hệ đào tạo trung cấp nghề và cả cao đẳng nghề. Và có một nghịch lý là hệ đào tạo nghề khó trong tuyển sinh, nhưng hiện nay rất nhiều ngành, nghề đang rất “nóng” trên thị trường lao động lại quá thiếu thợ!

Bên cạnh đó, vào mùa tuyển sinh, các trường phải cạnh tranh nguồn tuyển sinh với hàng loạt các trường ĐH, CĐ cũng tuyển hệ đào tạo trung cấp. Chính vì chạy đua nâng cấp nên ít có trường nào thuộc hệ thống dạy nghề xây dựng được thương hiệu là trường trung cấp đào tạo nghề kỹ thuật cao, thu hút học sinh vào học bằng chính thương hiệu và chất lượng của nhà trường.

Hiệu trưởng các trường TCCN cho rằng: “Sau một thời gian thành lập, hầu hết các trường trung cấp đều tìm mọi cách xin nâng cấp lên CĐ. Và việc không phân định rõ ràng vùng hoạt động cho các trường để tạo sự rạch ròi trong hệ thống giáo dục sẽ khiến các trường trung cấp ngày càng lao đao hơn nếu không tìm cách xin nâng cấp lên CĐ. Một vài ý kiến khác cho rằng, lý do mà các trường TCCN khó tuyển sinh là do các trường ĐH, CĐ vẫn được tuyển sinh hệ trung cấp, còn tâm lý của học sinh vẫn thích học trung cấp ở một trường đại học, cao đẳng bởi tấm bằng học ra luôn có giá trị so với các trường trung học chuyên nghiệp... Và, dù gì chăng nữa, thực tế hiện nay là các trường TCCN đang ngày càng lao đao tìm hướng đi.

Bài và ảnh: KIM OANH

;
.
.
.
.
.