.
KỶ NIỆM 35 NĂM NGÀY THÀNH LẬP TRƯỜNG ĐẠI HỌC KINH TẾ - ĐẠI HỌC ĐÀ NẴNG

Nơi đào tạo cử nhân kinh tế chất lượng cao

.
Cách đây 35 năm, trước những khó khăn bộn bề sau ngày đất nước thống nhất, những nhà giáo có tấm lòng đầy nhiệt huyết với sự nghiệp “trồng người” đã đặt nền móng đầu tiên xây dựng nên Khoa Kinh tế, thuộc Trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng, tiền thân của Trường ĐH Kinh tế (ĐHKT) ngày nay. Trải qua thời gian hoạt động, dấu ấn quan trọng trên con đường phát triển của nhà trường, đó là việc hình thành Phân hiệu ĐHKT Đà Nẵng vào năm 1985.

Mô tả ảnh.
Lãnh đạo Bộ GD-ĐT trồng cây lưu niệm tại Trường Đại học Kinh tế.
 
Những kết quả nổi bật

Năm 1994, Trường ĐHKT chính thức được thành lập, trên cơ sở 2 khoa chuyên ngành quan trọng của Trường ĐH Bách khoa Đà Nẵng. Cũng từ đây, trường nhanh chóng phát triển để đạt đến tầm vóc và vị thế của một trường ĐH lớn trong khu vực và cả nước. Từ chỗ ban đầu chỉ là một khoa chuyên ngành trực thuộc, mỗi năm tuyển sinh không quá 100 sinh viên với 6 chuyên ngành đào tạo, đến nay Trường ĐHKT đã là một cơ sở đào tạo và nghiên cứu khoa học lớn, có uy tín trong cả nước, với 19 chuyên ngành đào tạo ĐH, 6 chuyên ngành đào tạo thạc sĩ và 4 chuyên ngành đào tạo tiến sĩ. Hằng năm, quy mô tuyển sinh của nhà trường trên 5.000 sinh viên ĐH, 600 học viên cao học và nghiên cứu sinh.

Cùng với sự phát triển mạnh mẽ về quy mô, chất lượng đào tạo của nhà trường cũng không ngừng nâng cao là chìa khóa thành công, và đã được xã hội thừa nhận. Trong 35 năm qua, nhà trường đã cung cấp cho xã hội gần 45.000 cử nhân kinh tế. Chỉ tính riêng trong 15 năm trở lại đây, số cử nhân tốt nghiệp tại trường đã gần 35.000 người và trên 600 thạc sĩ, tiến sĩ. Sinh viên Trường ĐHKT đã và đang làm việc tại hầu hết các cơ quan ban, ngành từ Trung ương đến địa phương, từ cơ quan công quyền đến cộng đồng doanh nghiệp trên cả nước, trong đó nhiều người hiện đang giữ cương vị lãnh đạo.

Đến nay, đội ngũ cán bộ, giảng viên của trường đã trên 300 người, trong đó thạc sĩ trở lên chiếm gần 70%, với 80% số cán bộ giảng dạy và quản lý có tuổi đời dưới 50. Đa số cán bộ đảm nhận các cương vị chủ chốt trong giảng dạy, nghiên cứu khoa học (NCKH) và quản lý của trường đều có trình độ tiến sĩ trở lên. Điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị không ngừng được tăng cường và hoàn thiện. Hiện trường có 4 khu giảng đường gần 100 phòng học; 2 khu thư viện với tổng diện tích trên 4.800m2; 5 phòng máy với trên 350 máy tính; 1 nhà thi đấu thể thao và ký túc xá sinh viên với trên 1.000 chỗ ở…

Tính đến thời điểm hiện nay, ngoài cơ sở đào tạo chính ở thành phố Đà Nẵng, nhà trường đã liên kết đào tạo với gần 40 cơ sở đào tạo trong cả nước.

Hướng đến đào tạo nguồn nhân lực tinh hoa

Nhận thức được xu hướng khoa học, công nghệ cùng với việc xuất hiện “nền kinh tế tri thức” đã làm thay đổi cơ bản vai trò của người lao động trong mối quan hệ với các yếu tố khác của sản xuất, Trường ĐHKT đã xác định chiến lược phát triển lâu dài là xây dựng trường thành một ĐH định hướng nghiên cứu đẳng cấp quốc tế. Hiện nay, nhà trường đang từng bước thu hẹp dần các hệ đào tạo ĐH không chính quy, tập trung đào tạo ĐH chính quy chất lượng cao với quy mô hợp lý, mở rộng các hệ đào tạo sau ĐH. 

Mô tả ảnh.
Tại lễ trao Bằng tốt nghiệp cho sinh viên.
 
Chỉ trong vòng 10 năm trở lại đây, quy mô đào tạo cao học và nghiên cứu sinh của trường đã tăng nhanh chóng, từ chỗ mỗi năm chỉ tuyển sinh khoảng 50 học viên cao học, đến nay, quy mô tuyển sinh mỗi năm đã đạt 600 học viên cao học và nghiên cứu sinh, chiếm trên 50% tổng số tuyển sinh sau đại học của toàn ĐH Đà Nẵng.

Cùng với việc chuyển hướng đào tạo, nhà trường luôn quan tâm đến công tác cải tiến nội dung, chương trình và công nghệ đào tạo nhằm nâng cao chất lượng sinh viên ra trường. Cứ 4 năm, trường tiến hành rà soát và xây dựng lại chương trình đào tạo cho tất cả các chuyên ngành ở mọi cấp học theo hướng tiếp cận với các chương trình đào tạo tiên tiến của thế giới. Đặc biệt, trường đã thành công trong việc chuyển đổi phương thức đào tạo theo niên chế truyền thống sang hệ thống đào tạo theo học chế tín chỉ hiện đại, linh hoạt và hiệu quả.

Nền tảng của sự đổi mới và nâng cao chất lượng đào tạo của trường thời gian qua chính là việc đã tạo được sự gắn kết giữa hoạt động đào tạo với NCKH. Từ năm 2000 đến 2010, trường có gần 250 đề tài NCKH các cấp được triển khai, trong đó gần 50% là đề tài cấp Bộ và tương đương; hàng trăm bài báo khoa học được đăng trên các tạp chí có uy tín trong và ngoài nước, hàng chục hội thảo khoa học trong nước và quốc tế được tổ chức đã thu hút được đông đảo các nhà quản lý, các nhà doanh nghiệp và cộng đồng khoa học tham gia.

Hoạt động NCKH của sinh viên cũng đã thu được những kết quả to lớn. Tính đến nay, các công trình NCKH của sinh viên đã đạt được hàng chục giải thưởng các loại, trong đó có 3 giải nhất “Sinh viên NCKH” toàn quốc. Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo 3 lần tặng Bằng khen cho nhà trường vì có thành tích xuất sắc trong phong trào sinh viên NCKH.

Trường đã chủ động mở rộng quan hệ hợp tác với nhiều trường ĐH lớn trên thế giới như: Grenoble, Nante, Nice (Cộng hòa Pháp); Towson, Maryland (Hoa Kỳ); UQAM (Canada); Sunderland, Stirling (Vương quốc Anh); Queensland (Úc); Kobe, Waseda, Oberin (Nhật Bản); ĐH Quốc gia Đài Loan; ĐH Dân tộc Quảng Tây (Trung Quốc), ĐH Quốc gia Lào... và các tổ chức quốc tế như: BP, AIT, AUF… nhằm đẩy mạnh việc giao lưu, hợp tác gửi giáo viên đi đào tạo, liên kết đào tạo đại học, sau ĐH. Các chương trình hợp tác quốc tế trong những năm qua đã tạo cơ hội cho nhiều cán bộ, giáo viên của trường tiếp cận được với các nguồn tài liệu quý giá, học tập được nhiều kiến thức bổ ích về chuyên môn, phương pháp giảng dạy và quản lý, góp phần rất lớn trong việc thúc đẩy cải tiến nội dung, phương pháp giảng dạy nhằm nâng cao chất lượng đào tạo tại trường. Đáng lưu ý, đến nay Trường ĐHKT đã tham gia vào “Hiệp hội các trường ĐHKT và có dạy các chuyên ngành kinh tế” với tư cách là đầu mối chính ở miền Trung, là thành viên chính thức của “Hiệp hội các trường ĐH thuộc cộng đồng Pháp ngữ”…

GS-TS Trương Bá Thanh, Hiệu trưởng Trường ĐHKT cho biết: Trải qua 35 năm xây dựng và trưởng thành, và đặc biệt là 15 năm phát triển và hội nhập cùng ĐH Đà Nẵng đã thật sự là tiền đề, là bệ phóng quan trọng để nhà trường tiếp tục phát triển và gặt hái được những thành tựu lớn hơn trong tương lai. Trong thời gian đến, mục tiêu đề ra là xây dựng nhà trường trở thành một trường ĐH định hướng nghiên cứu đẳng cấp quốc tế. Các thế hệ thầy và trò nhà trường hôm nay luôn ý thức được trọng trách nặng nề trong việc phải tiếp tục giữ vững và phát huy hơn nữa giá trị truyền thống của trường, xây dựng nhà trường phát triển vững mạnh về mọi mặt.

Các phần thưởng cao quý:

* Huân chương Lao động hạng Nhì tặng cho tập thể:
- Khoa Kinh tế Nghiệp vụ và Khoa Công-Thương (1991);
- Trường Đại học Kinh tế (2005).

* Huân chương Lao động hạng Ba tặng cho tập thể:
- Khoa Kinh tế (1985);
- Trường Đại học Kinh tế (2001);
- Phòng Đào tạo-Công tác sinh viên (2007);
- Khoa Quản trị Kinh doanh (2007).       

* Huân chương Lao động hạng Ba tặng cho cá nhân:
- PGS.TS Lê Thế Giới (2007);
- GS.TS Trương Bá Thanh (2009);
- PGS.TS Võ Xuân Tiến (2010);
- PGS.TS Nguyễn Thị Như Liêm (2010).   
Nhiều tập thể, cá nhân được Chính phủ, Bộ Giáo dục  và  Đào tạo… tặng nhiều phần thưởng cao quý khác.

PHƯƠNG CHI
;
.
.
.
.
.