Bắt đầu từ năm học 2010-2011, BHYT ở học sinh, sinh viên đã chuyển thành bắt buộc, nhằm hướng đến BHYT toàn dân vào năm 2014. Nhưng tại thành phố Đà Nẵng, việc thực hiện vẫn còn khó khăn bởi khá nhiều phụ huynh, học sinh vẫn băn khoăn về quyền lợi được hưởng...
Nỗi niềm ai tỏ...
Khám chữa bệnh bằng bảo hiểm y tế tại Bệnh viện quận Hải Châu. |
Anh Huỳnh Minh Phương, làm nghề chạy xe ôm (ở quận Thanh Khê) có tới 4 đứa con đang độ tuổi đi học, đã từng có “thâm niên” trong việc đưa con đi khám chữa bệnh bằng thẻ BHYT. Anh nói: “Do hoàn cảnh khó khăn nên tôi chỉ đóng BHYT cho 2 đứa con, giờ nếu quy định đóng thêm cho 2 đứa nữa tôi cũng chấp nhận. Nhưng ngành BHYT cũng phải bảo đảm được quyền lợi cho các cháu”. Anh Phương phàn nàn: Nhiều lần đưa con đi khám bệnh tại một cơ sở y tế công lập bằng BHYT, không chỉ phải chờ dài cổ, người bệnh còn phải chịu đựng thái độ không mấy mặn mà của y, bác sĩ khi nhìn thấy thẻ BHYT. Đó là chưa kể, nhiều khi bác sĩ kê đơn thuốc ngoài danh mục của bệnh viện để bệnh nhân BHYT phải mua thuốc bên ngoài... Bên cạnh đó, tình trạng quá tải tại các cơ sở khám chữa bệnh cũng dẫn đến không ít phiền phức cho học sinh, sinh viên khi đến khám.
Khá nhiều phụ huynh, học sinh băn khoăn nữa là Luật Bảo hiểm y tế mới gây ra bất hợp lý trong vấn đề chi trả BHYT cho người bị tai nạn giao thông. Theo quy định mới, người tham gia BHYT nếu bị tai nạn giao thông phải có xác nhận của Cảnh sát giao thông là không phạm Luật giao thông mới được chi trả BHYT, nhưng vấn đề này rất khó thực hiện đối với nạn nhân và “làm khó” cả bệnh viện. Về phía nhà trường, việc bắt buộc tất cả học sinh mua BHYT rất khó, chủ yếu chỉ dừng ở việc vận động và thuyết phục.
Đại diện Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn nói: Chưa có văn bản nào quy định việc xử lý khi các em không đóng BHYT, nên nhà trường cũng không thể bắt buộc các em được mà chỉ có thể vận động. Hơn nữa, tỷ lệ phần trăm phía BHYT chi cho các trường để làm công tác y tế học đường chỉ còn 12% (trước đây là 20% trên tổng số doanh thu BHYT mỗi trường) và không còn khoản 8% trước đây BHYT dành ra để các trường chi vào công việc tuyên truyền, lập danh sách và thu phát thẻ, cũng là những trở ngại cho công tác này.
Quyền lợi có những thay đổi đáng kể
Thành phố Đà Nẵng hiện có 225 trường học các cấp từ bậc tiểu học đến đại học. Tỷ lệ đóng BHYT hằng năm của học sinh, sinh viên các trường cũng khá cao. Trước những băn khoăn của những người đã đóng lâu nay và những người sắp sửa “phải” đóng, bà Trần Thị Lý, Phó Giám đốc BHXH thành phố lý giải: “Mặc dù mức phí BHYT cao hơn so với những năm trước, nhưng quyền lợi của học sinh-sinh viên (HS-SV) khi tham gia BHYT năm nay cũng có những thay đổi đáng kể, HS-SV được chăm sóc sức khỏe ban đầu tại các cơ sở y tế.
Hơn nữa, theo mặt bằng chung, BHYT HS-SV có mức đóng thấp nhất so với các đối tượng khác, lại là một trong ba nhóm được Nhà nước hỗ trợ mức đóng là 30% mà quyền lợi khám chữa bệnh ngang bằng các đối tượng khác”. Bà Lý cũng nhấn mạnh, trong trường hợp HS-SV khi đi khám gặp những thái độ không tốt của các y, bác sĩ tại nơi khám chữa bệnh, cũng có thể phản ánh về BHXH thành phố, BHXH sẽ có những cuộc họp giao ban với các sở, ban, ngành liên quan cùng nhìn nhận lại trách nhiệm của mỗi bên để thực hiện tốt vai trò, mang lại quyền lợi cho các em khi tham gia BHYT.
Một điểm mới nữa là HS-SV có thể đăng ký nơi khám chữa bệnh ban đầu tại các cơ sở y tế tư nhân chứ không bắt buộc là cơ sở công lập, nhưng phải trả khoản chênh lệch (nếu có). Tại thành phố Đà Nẵng, người tham gia bảo hiểm có thể đăng ký khám chữa bệnh tại Bệnh viện Bình Dân và Hoàn Mỹ - những nơi có đủ điều kiện được BHXH ký hợp đồng. Nếu đăng ký ở hệ thống công lập thì học sinh quận này có quyền đăng ký khám chữa bệnh ở quận khác và vượt tuyến (đóng chênh lệch 70% tổng chi phí).
BHYT HS-SV là một chính sách xã hội, mang đến lợi ích cho các em nhưng để phụ huynh, học sinh “mặn mà” với nó thì phải bảo đảm được quyền lợi cho người tham gia.
Bài và ảnh: PHƯƠNG TRÀ