Cô giơ cao tay phải, bàn tay nắm lại, miệng há rộng và phát âm: “A... A... Á”, các em học sinh cũng há miệng để cố thốt ra cái âm thanh ấy. Chỉ ôn một chữ A thôi, cô phải làm đến mấy chục lần, vậy mà có em vẫn chưa nhớ. Hơn 15 năm qua, cô giáo Lê Thị Kim Liên (trú tổ 19, phường Thanh Khê Tây, quận Thanh Khê, thành phố Đà Nẵng) đã gắn bó với việc dạy chữ cho trẻ em khiếm thính tại Làng Hy vọng (đường Dũng sĩ Thanh Khê, quận Thanh Khê). Ngày qua ngày, những lớp học chỉ vỏn vẹn từ 5-8 học sinh là trẻ khiếm thính, nhưng dạy các em là chuyện không đơn giản. Bởi lẽ, có em trí nhớ tốt như trẻ bình thường, nhưng có những em học cả tuần vẫn chưa thuộc nổi một chữ cái.
Cô Liên đang dạy các em khiếm thính lớp ba. |
Hằng năm, cô giáo Liên được phân công dạy 2 lớp khiếm thính, một lớp buổi sáng, một lớp buổi chiều. Năm nay, cô dạy lớp 1 và lớp 3, với tổng số 13 em. “Tuy lớp ít học sinh nhưng dạy vất vả hơn nhiều so với dạy trẻ bình thường”, cô Liên chia sẻ.
Cẩm nang của cô Liên trong việc truyền đạt kiến thức cho trẻ khiếm thính là đức tính kiên trì, nhiệt huyết và lòng nhân ái. Còn phương pháp giảng dạy là dùng ngôn ngữ ký hiệu, tức kết hợp giữa điệu bộ, hình vẽ với cả hình miệng của mình. Có những em học mãi không nhớ, thế là các em vừa buồn, vừa hậm hực, không muốn học nữa. Mỗi lần như vậy, cô Liên lại đến bên âu yếm, vỗ về, khéo léo động viên để em chịu nhìn lên bảng và học tiếp. Cho các em ôn bảng chữ cái, cô chỉ vào chữ B trên hình vẽ, đồng thời giơ bàn tay phải lên, bốn ngón con duỗi thẳng, ngón cái cụp vào trong lòng bàn tay, miệng há mạnh để thốt ra chữ “bờ”. Cô làm nhiều lần, rồi chỉ một em nhắc lại, nhưng em này chưa làm được. Cô vẫn tươi cười và tiếp tục làm nhiều lần như thế nữa.
Làng Hy vọng được các tổ chức nhân đạo phi chính phủ tài trợ. Tuy nhiên, cán bộ, nhân viên ở đây lại có mức lương rất thấp. Hơn 15 năm gắn bó với Làng Hy vọng nhưng lương của cô Liên chỉ khoảng 1,6 triệu đồng/tháng. Vậy mà câu chuyện của cô thường tâm sự với mọi người là việc học tập và sinh hoạt của những học sinh khuyết tật. Cô chia sẻ những kinh nghiệm giáo dục trẻ khiếm thính, việc đưa các em đi xem cảnh quan môi trường, xem các hình ảnh thực tế để giúp những đứa trẻ kém may mắn này tiếp thu nội dung bài học tốt hơn…
15 năm làm nghề “đưa đò” chở những vị khách đặc biệt qua sông, niềm vui của cô Liên là có những học trò đạt được một số thành công. Điển hình như Nguyễn Quang Mạnh và Nguyễn Thị Hồng đã trở thành sinh viên Khoa Giáo dục đặc biệt Trường Cao đẳng Sư phạm Đồng Nai. Mạnh và Hồng vẫn thường xuyên gửi thư trao đổi với cô Liên, mỗi khi về Đà Nẵng đều đến thăm cô giáo cũ. Còn em Nguyễn Ngọc Châu ham học các phép tính ngày nào thì nay đã là một người thợ lành nghề, có thu nhập khá và vẫn luôn yêu quý cô như mẹ ruột...
Niềm vui của cô Liên còn là nhìn thấy học trò tiến bộ, nhớ được nhiều con chữ hơn, để dù không bằng được bạn bè cùng trang lứa nhưng các em vẫn được thắp lên ánh sáng tri thức.
Bài và ảnh: LÊ VĂN THƠM