.

Để có kỳ thực tập thành công

.

Trong thời gian từ nửa sau tháng 2 đến hết tháng 3, hàng trăm sinh viên năm cuối của Trường Đại học Sư phạm (ĐHSP) Đà Nẵng sẽ có kỳ thực tập quan trọng nhằm trang bị cho mình những kỹ năng thực tế cần thiết cho việc làm thầy sau khi ra trường. Sự tâm huyết, lòng yêu nghề của nhiều nhà giáo được hình thành trong khoảng thời gian này. Vì vậy các bạn sinh viên cần phải có sự chuẩn bị thật tốt cho kỳ thực tập quan trọng này.

Những giai thoại

Điều đáng ghi nhớ hơn cả là cần phải có tình yêu nghề và cái tâm với nghề. (Ảnh minh hoạ của VTL).
Điều đáng ghi nhớ hơn cả là cần phải có tình yêu nghề và cái tâm với nghề. (Ảnh minh hoạ của VTL).

Trước khi đi thực tập, sinh viên ít nhất đã từng một lần nghe những giai thoại của các anh chị khóa trước với đủ “sắc màu”: sướng/khổ, buồn/vui… khiến cho lớp sinh viên đàn em thêm phần hồi hộp, lo lắng.

Giới sinh viên vẫn truyền tai nhau giai thoại về “tai nạn” trong lần đầu đứng lớp của “thầy” Trần Quang Minh (khoa Toán ĐHSP Đà Nẵng). Không biết có phải do vẻ bề ngoài “thư sinh đẹp trai” hay không mà vừa mới ôm cặp vào lớp, “thầy” Minh đã bị “tứ đại mỹ nhân” của lớp ngồi ở 4 bàn đầu chống cằm ngắm nhìn thầy “đắm đuối” khiến “thầy”… ngượng đỏ mặt, khi giảng bài cứ nhìn lên trần nhà, và hậu quả là… vấp té trên bục giảng.

Dù không bị “chiếu tướng” như “thầy” Minh nhưng “thầy” Lê Văn Ngọc (khoa Vật lý) vẫn không dám nhìn xuống lớp vì “toàn thấy… mắt là mắt”. Vậy nên, khi giảng bài “thầy” Ngọc cứ úp mặt vào bảng và bị lũ học trò nghịch ngợm ném phấn vào lưng mà không thể tìm ra thủ phạm (?!).

Ấn tượng nhất vẫn là giai thoại về “cô” Nguyễn Thị Thu Thủy (khoa Địa), run quá mà đã lau mồ hôi bằng… giẻ lau bảng vì tưởng đó là khăn tay (?!).

Không ai dám chắc 3 “giai thoại” trên có bao nhiêu phần trăm sự thật nhưng có một sự thật đối với giáo sinh lần đầu đứng lớp là rất run, rất hồi hộp, lo lắng. Chỉ dạy 1 tiết 45 phút mà mồ hôi vã ra như tắm, ướt đẫm cả lưng áo. Và có những giáo sinh phải “rơi lệ” vì học sinh cá biệt cũng là có thật.

Tuy nhiên, kỳ thực tập không chỉ toàn chuyện bi hài như thế mà bên cạnh đó có rất nhiều niềm vui, nhiều kỷ niệm đẹp. Có những tình cảm đặc biệt mà chỉ những giáo sinh mới được tận hưởng. Bởi vậy, giờ dạy của giáo sinh học trò rất tích cực giơ tay phát biểu xây dựng bài chứ không trầm lắng như giờ dạy của… giáo viên đã lâu năm. Và chỉ trong khoảng thời gian 6 tuần ngắn ngủi, tình cảm thầy trò đã trở nên gắn bó với bao nghĩa tình. Khi kỳ thực tập kết thúc, giờ phút chia tay học trò khóc như mưa, bịn rịn lưu luyến như chia tay… người yêu. Một cảnh tượng tưởng như chỉ có ở trong phim nhưng lại có trong đời thật. Một cuộc chia tay buồn nhưng lại là niềm vui với các thầy cô giáo mỗi khi nhớ về kỳ thực tập của mình, đủ để thắp lên ngọn lửa tình yêu với nghề dạy học.

Lời khuyên của người trong cuộc

Người viết bài này là một giáo viên cũng đã từng trải qua kỳ thực tập với thật nhiều kỷ niệm. Để có kỳ thực tập thành công và có nhiều kỷ niệm đẹp, tôi xin chia sẻ một vài kinh nghiệm với các bạn giáo sinh.

Về công tác giảng dạy, bạn hãy lắng nghe và học hỏi kinh nghiệm từ giáo viên hướng dẫn chuyên môn; đọc kỹ sách giáo khoa, sách giáo viên, tài liệu tham khảo liên quan trước khi soạn giáo án, phần giảng bài nên ghi ra giáo án để lỡ quên thì nhìn vào; tập giảng trước khi lên lớp, đối tượng nghe giảng tốt nhất là đồng môn để có thể góp ý bổ sung, nếu không thì có thể chọn đối tượng là… bụi chuối, phải “chạy chương trình” trước thì mới không bị “lụt” hoặc “cháy giáo án”; viết bảng phải rõ ràng, sạch đẹp, trình bày bảng khoa học…

Về công tác chủ nhiệm, bạn nên tìm hiểu kỹ đặc điểm tình hình của lớp. Gần gũi và lắng nghe tâm sự của học sinh. Đặc biệt là xây dựng đội ngũ “cộng tác viên” thân tín cung cấp thông tin về tình hình của lớp. Nếu bạn có “tài lẻ”, nhất là “ngón” đàn hát thì nên tận dụng phát huy, hiệu quả vô cùng. Hình ảnh của bạn sẽ như một “thần tượng”. Mà “thần tượng” thì nói gì “fan” chẳng nghe.

Một vài kinh nghiệm chia sẻ với các bạn giáo sinh, nhưng điều đáng ghi nhớ hơn cả là cần phải có tình yêu nghề và cái tâm với nghề. Đó là lý do học trò luôn dành những tình cảm tốt đẹp cho giáo sinh thực tập, cho những thầy giáo tương lai thật lòng tâm huyết với nghề.

PHẠM ĐƯỢC

;
.
.
.
.
.