.

Sinh viên với nỗi lo giá tăng

.

“Điệp khúc” đến hẹn lại tăng giá vào dịp sau Tết đã khiến nhiều người nghèo lao đao và sinh viên cũng không ngoại lệ.

Bữa cơm đạm bạc

Sinh viên Trường Đại học Sư phạm Đà Nẵng đắn đo chọn thực phẩm vừa với túi tiền eo hẹp.
Sinh viên Trường Đại học Sư phạm Đà Nẵng đắn đo chọn thực phẩm vừa với túi tiền eo hẹp.

Cứ sau mỗi dịp Tết, người trong xóm trọ ở đường Phạm Như Xương lại thấy Nguyễn Thị Thu (sinh viên năm 3, Trường Đại học Sư phạm Đà Nẵng) khệ nệ mang 2 bao tải toàn cá khô, gạo, thậm chí cả rau, củ... vào phòng. Thu cho biết: “Sau Tết, năm nào giá cả cũng tăng vùn vụt. Đây toàn là những thứ của nhà làm được. Em mang vào ăn dần, đỡ đồng nào hay đồng ấy”. Nhà Thu ở một huyện nghèo của tỉnh Quảng Nam, có 5 chị em đang ăn học đều trông vào mấy sào ruộng của cha mẹ. Bởi vậy, 800.000 đồng mẹ gửi mỗi tháng khiến Thu phải chi tiêu rất tằn tiện và dè sẻn mà cũng thiếu trước hụt sau.

Còn Đậu Xuân Quý, sinh viên khoa Ngữ văn, Trường Đại học Sư phạm Đà Nẵng (ở tổ 22, Phạm Như Xương, phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu) luôn bị viêm màng túi, nhất là sau mỗi dịp Tết. Bữa cơm chiều mà Quý nấu chung với các bạn hàng xóm chỉ có mỗi rau muống luộc và vài lát đậu khuôn kho mặn. Quý chia sẻ: “Được bữa cơm này là quý rồi, chứ có ngày bọn em chỉ ăn toàn mì tôm. Suốt ngày đi mượn tiền mà đứa nào cũng khó khăn”. Quý nhẩm tính chi ly, một mớ rau cũng tăng vài ngàn, rồi thịt, cá, thứ gì cũng đắt. Cầm 20.000 đồng đi chợ, Quý loay hoay mãi không biết mua thứ gì cho đủ 2 bữa ăn trong ngày.

Đối với sinh viên ăn cơm bụi, nỗi lo về giá cả cứ luôn thường trực. Hậu (sinh viên năm 2 Trường Cao đẳng Công nghệ) cho biết: “Cơm sinh viên 13.000-15.000 đồng/suất, tăng vài ngàn so với trước Tết rồi nhưng chất lượng cũng vẫn vậy. Nếu muốn “sang” hơn thì ăn suất 18.000-20.000 đồng nhưng cũng chỉ thêm được miếng thịt gà”. Đĩa cơm của Hậu chỉ có một, hai miếng thịt mỏng tang, một ít đồ xào và chén canh loãng. Vậy mà Hậu vẫn ăn ngon lành.

Nhà trọ lại tăng giá

Phần lớn các nhà trọ gần Trường Đại học Sư phạm Đà Nẵng đều thông báo tăng giá sau mỗi dịp Tết hoặc hè. “Không ngạc nhiên khi sau Tết, chủ nhà tăng giá phòng thêm 50.000 đồng nhưng em đành phải chấp nhận”, Đào Thị Nguyên, sinh viên năm 3 - Trường Đại học Sư phạm Đà Nẵng thở dài. Nguyên và các bạn cùng phòng bàn tới, bàn lui tính chuyển chỗ trọ nhưng rốt cuộc đành ở lại vì nhìn đâu cũng thấy tăng giá. Tiền điện và nước được nộp cùng lúc với tiền nhà, khoảng từ 80.000-100.000 đồng/phòng đối với phòng một người, nếu ở đông thì phải tính thêm. Vì vậy, phần lớn sinh viên ở ghép để tiết kiệm. Giá phòng trọ tại khu vực này trung bình từ 500.000 - 1 triệu đồng/tháng, tùy theo chất lượng, diện tích phòng. Ra Tết, không ít sinh viên mất phòng vì không chịu nổi giá tăng cao, hoặc phải nhường cho người khác.

Còn với sinh viên trọ học quanh Trường Đại học Đông Á, Cao đẳng Công nghệ (quận Hải Châu), mỗi đợt tăng giá là một lần “méo mặt”. Giá phòng trọ ở khu vực này thường từ 800.000 - 2 triệu đồng/tháng. Sau Tết, chủ trọ lại tăng thêm 100.000-200.000 đồng/tháng. Nguyễn Hoài Nam (sinh viên Trường Cao đẳng Công nghệ) đã có “thâm niên” 6 lần chuyển chỗ trọ. Nam tâm sự: “Giá phòng cứ mỗi lúc một tăng nên em phải rủ thêm người ở. Rồi khi mấy bạn chuyển đi hoặc học xong thì chuyển phòng nhỏ hơn cho rẻ”. Ngoài giờ học, Nam phải kiếm việc làm thêm mới đủ chi phí vì giá sinh hoạt tăng cao.

Bài và ảnh: KIM NGÂN

;
.
.
.
.
.