.
Dự án Làng Đại học Đà Nẵng:

Treo... qua tuổi 15 - Kỳ 1: Dự án... rùa

.

Vấn đề được nhân dân quận Ngũ Hành Sơn phản ánh nhiều nhất trong các buổi tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội khóa XIII là tình trạng quy hoạch treo kéo dài dự án Làng Đại học Đà Nẵng (ĐHĐN) gây bức bí trong cuộc sống, sinh hoạt, việc làm... của người dân. Vậy thực tế vấn đề như thế nào?

Bản đồ Quy hoạch Làng Đại học Đà Nẵng và khu tái định cư Làng.
Bản đồ Quy hoạch Làng Đại học Đà Nẵng và khu tái định cư Làng.

Để đạt mục tiêu đến năm 2020 Đà Nẵng trở thành một trong những trung tâm lớn về giáo dục - đào tạo và khoa học công nghệ của miền Trung (Nghị quyết số 33 của Bộ Chính trị, tháng 10-2003), thành phố Đà Nẵng và Đại học Đà Nẵng (ĐHĐN) không ngừng nỗ lực, tập trung các nguồn lực lớn để thực hiện mục tiêu trên, trong đó có đề án xây dựng “Làng ĐHĐN”. Đề án được Chính phủ phê duyệt từ 9-12-1997 với tổng diện tích 300ha, trong đó có 190ha thuộc xã Điện Ngọc, huyện Điện Bàn (Quảng Nam) và 110ha thuộc phường Hòa Quý, quận Ngũ Hành Sơn (Đà Nẵng). Dự án Làng ĐHĐN sẽ là một tổ hợp các trường thành viên: ĐH Kinh tế, ĐH Bách khoa, ĐH Ngoại ngữ, ĐH Sư phạm, Cao đẳng Công nghệ thông tin (CĐCNTT); hệ thống các giảng đường, các phòng thí nghiệm, thư viện, ký túc xá và cả nơi ở cho các giáo sư, cán bộ giảng dạy với quy hoạch theo mô hình một “làng” của trí tuệ, công năng hiện đại. Nơi đây hằng năm sẽ cung cấp cho xã hội hàng chục nghìn cán bộ khoa học có chất lượng cao, đồng thời sẽ là nhân tố quan trọng tạo sự thay đổi về kết cấu văn hóa, trước hết cho hai địa phương Đà Nẵng và Quảng Nam. Nhân dân, chính quyền thành phố Đà Nẵng và nhất là thầy cô, học sinh, sinh viên ngày đêm mong đợi. Làng ĐHĐN sẽ là động lực mới cho cả khu vực vùng kinh tế trọng điểm miền Trung.

Đề cập đến dự án này, PGS, TS Trần Văn Nam, Giám đốc ĐHĐN, chủ đầu tư Làng ĐHĐN cho biết, quy hoạch Làng ĐHĐN trở thành một trong ba trung tâm đại học của cả nước là một chủ trương lớn và rất đúng đắn, thể hiện rõ tư duy và tầm nhìn chiến lược của Đảng và Chính phủ. Dự án cũng là niềm mong mỏi và khát khao của đồng bào miền Trung - Tây Nguyên, nơi đã phải gánh chịu rất nhiều đau thương, mất mát trong chiến tranh, đến nay cuộc sống vẫn còn nhiều gian khó do trình độ dân trí còn thấp, cơ hội học tập chưa nhiều.

Mục tiêu và tiến độ đề ra như vậy nhưng đã 15 năm trôi qua, đến nay Làng ĐHĐN mới chỉ xây dựng được 1 ký túc xá sinh viên, Trường CĐCNTT (thuộc ĐHĐN) và Trường CĐCNTT Việt-Hàn (thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông) với tổng diện tích gần 50ha/300ha (mới chỉ đạt 16,6% tổng diện tích toàn dự án).

Nhà bà Phạm Thị Ngại – 87 tuổi (tổ 34 – Hải An 1) bị tốc mái trong trận bão lịch sử năm 2006 nhưng nằm trong diện quy hoạch nên không được sửa chữa, hiện là chỗ “ở” của cỏ dại.
Nhà bà Phạm Thị Ngại – 87 tuổi (tổ 34 – Hải An 1) bị tốc mái trong trận bão lịch sử năm 2006 nhưng nằm trong diện quy hoạch nên không được sửa chữa, hiện là chỗ “ở” của cỏ dại.

Mặc dù Trường CĐCNTT đã đi vào hoạt động nhưng thực tế hiện nay vẫn chưa hoàn thiện. Ông Phan Văn Minh, Trưởng phòng Hành chính tổng hợp cho biết, trường mới chỉ có khu giảng đường, chưa có nhà hiệu bộ; trường xa trung tâm gần 20km nên các giảng viên thường ở lại vào buổi trưa nhưng không có chỗ nghỉ ngơi. Giai đoạn đầu trường đi vào hoạt động, khi trời mưa cả thầy và trò đều phải lội nước, vào đến lớp thì có khi giày dép đã trôi theo con nước. Vì quá vất vả nên trường đã bỏ kinh phí làm đường nội bộ, ĐHĐN hỗ trợ tráng nhựa. Do không có kinh phí nên đường không có đèn chiếu sáng, trường lại nằm ở vùng giáp ranh, tình hình an ninh trật tự phức tạp gây tâm lý lo lắng cho sinh viên, đặc biệt là sinh viên nữ...

Lý giải cho tình trạng “treo xuyên thế kỷ”, PGS, TS Trần Văn Nam cho biết, ĐHĐN được Bộ Giáo dục và Đào tạo giao nhiệm vụ tiếp nhận và huy động thêm kinh phí để đầu tư, cũng đã làm hết sức mình. Nhưng vì quy mô của dự án quá lớn, nguồn vốn huy động bổ sung của ĐHĐN trong những năm qua chưa thể đáp ứng được yêu cầu đặt ra. Nhìn nhận một cách khách quan, khó khăn về vốn đầu tư từ Trung ương là nguyên nhân cơ bản dẫn đến việc chậm triển khai dự án. Ngoài ra, những phức tạp nảy sinh trong công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, điều chỉnh quy hoạch cho phù hợp với tình hình mới cũng ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ thực hiện dự án…

Khó khăn về vốn đầu tư, về công tác đền bù, giải phóng mặt bằng… mà PGS, TS Trần Văn Nam nêu ra là ở tầm “vĩ mô”. Điều mà chúng tôi muốn đề cập ở đây là những đảo lộn trong cuộc sống của người dân vùng quy hoạch, ảnh hưởng không nhỏ đến chủ trương an sinh xã hội mà thành phố đặt ra trong thời gian qua. Có thể nói, sự háo hức mong chờ dự án hoàn thành, góp phần to lớn trong việc cải thiện cuộc sống của bà con, là động lực phát triển kinh tế - xã hội mới đã nhanh chóng chuyển sang tâm trạng mệt mỏi, hoang mang vì người dân không biết bao giờ cuộc sống của mình mới hết “treo” theo dự án?

(Còn nữa)

Bài và ảnh: MAI TRANG
 

;
.
.
.
.
.