35 thí sinh bỏ thi
Cùng với gần 1 triệu thí sinh trên cả nước, trong hai ngày 2 và 3-6, 12.573 thí sinh THPT và bổ túc THPT ở Đà Nẵng đã bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2012. Sau 2 ngày trải qua 4 môn thi, hầu hết thí sinh có tâm trạng thoải mái, tự tin, bởi đề thi không quá khó, chủ yếu tập trung trong chương trình sách giáo khoa lớp 12. Ở 26 Hội đồng thi (HĐT) trên địa bàn thành phố, tình hình an ninh trật tự được bảo đảm tốt, không có sự cố nào xảy ra.
Thí sinh trao đổi bài sau khi thi môn Địa lý. Ảnh: ĐẮC MẠNH |
Đề thi không khó
Ngày 3-6, thí sinh bước vào ngày thi thứ 2 với hai môn thi Địa lý vào buổi sáng và Lịch sử vào buổi chiều. Đây là hai môn thi tự luận, được dự báo thí sinh có thể sử dụng tài liệu trong quá trình làm bài. Thế nhưng, ở các HĐT trên địa bàn thành phố, tuyệt nhiên không xảy ra tình trạng thí sinh sử dụng tài liệu.
Kết thúc môn thi Lịch sử buổi chiều, ghi nhận ở các HĐT cho thấy, không xảy ra cảnh thí sinh ra về vất tài liệu bừa bãi trong sân trường. Thí sinh Trịnh Nhật Vy (HĐT Trường THCS Nguyễn Huệ) cho biết, đề thi môn Lịch sử không khó, các câu hỏi đều nằm trong chương trình mà em đã được thầy, cô giáo ôn tập trước đó.
Sáng cùng ngày, sau khi thi môn Địa lý, nhiều thí sinh cho biết, mặc dù các câu hỏi trong đề khá dài, nhưng các em vẫn làm bài tốt. Theo thí sinh Nguyễn Văn Dũng (HĐT Trường THCS Nguyễn Huệ), em và các bạn trong phòng đều làm được bài. Các câu lý thuyết gần gũi với cuộc sống hằng ngày, lại được sử dụng Atlat nên không khó lắm. Với câu bài tập vẽ đồ thị, đề thi yêu cầu vẽ biểu đồ hình cột nên em cũng không mất thời gian xác định loại biểu đồ.
Thầy Lê Hường, giáo viên môn Địa lý Trường THPT Ngô Quyền, đánh giá đề thi môn Địa lý năm nay không đánh đố, bám sát chương trình và kiến thức trải đều trong sách giáo khoa lớp 12. Theo thầy Hường, nhìn chung đề thi năm nay hay hơn những năm trước. Đặc biệt, ở phần 2, câu II của đề thi có câu hỏi khá hay mang tính thời sự: “Ở nước ta hiện nay, việc đánh bắt hải sản xa bờ có ý nghĩa như thế nào đối với phát triển kinh tế và an ninh quốc phòng?”. Đây là câu hỏi yêu cầu ngoài kiến thức Địa lý, học sinh cần phải thể hiện thêm kiến thức xã hội để đạt điểm cao.
Trước đó, trong ngày 2-6, thí sinh làm bài thi 2 môn Ngữ văn tự luận và Hóa trắc nghiệm. Riêng đề thi môn Ngữ văn năm nay được nhiều giáo viên đánh giá là khá hay và vừa sức học sinh. Theo các giáo viên dạy Ngữ văn Trung tâm luyện thi ĐH Phan Châu Trinh nhận xét, đề thi môn Ngữ văn năm nay ra khá hay. Trong đó, câu 2 (3 điểm): “Thói dối trá là biểu hiện của sự suy thoái về đạo đức trong đời sống xã hội. Viết một bài văn ngắn (khoảng 400 từ) trình bày suy nghĩ của anh/chị về ý kiến trên”. Câu hỏi này yêu cầu học sinh phải có kiến thức xã hội, có một cái nhìn sâu sắc đánh giá về những biểu hiện về sự sa sút đạo đức của một bộ phận trong xã hội, nhất là giới trẻ hiện nay, qua đó, bàn luận vấn đề, nêu ra quan điểm, cái nhìn về vấn đề này, rút ra bài học cho bản thân.
Kết thúc buổi thi môn Ngữ văn, thí sinh Nguyễn Thùy Dương (lớp 12D9 Trường THPT Trần Phú) hồ hởi cho biết, đề thi này vừa sức, phù hợp khả năng nên em làm bài khá tốt. Hơn nữa, Dương đăng ký thi khối D vào Trường ĐH Ngoại ngữ (ĐH Đà Nẵng), nên em ôn luyện khá kỹ môn Văn.
Công tác tổ chức thi chu đáo
Đó là nhận xét của Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thị Nghĩa tại buổi kiểm tra đột xuất tại Đà Nẵng về điều kiện cơ sở vật chất, đội ngũ an ninh trường thi, cán bộ làm nhiệm vụ coi thi cùng các công tác hỗ trợ chăm sóc cho thí sinh tại HĐT Trường THPT Nguyễn Trãi và HĐT Trường THCS Phan Đình Phùng sáng 3-6. Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa đánh giá cao sự phối hợp giữa ngành GD-ĐT thành phố Đà Nẵng, chính quyền địa phương cùng các ban, ngành có liên quan trong việc bảo đảm an ninh trật tự, an toàn và kỷ luật trường thi.
Cũng theo bà Nghĩa, Đà Nẵng đã có những biện pháp rất thiết thực trong việc hỗ trợ, tạo điều kiện tốt nhất để thí sinh yên tâm dự thi như cấm xe ben lưu thông vào các giờ cao điểm trên các tuyến đường nội thành. Ở các HĐT đều có phòng riêng để thí sinh gửi túi xách, mũ nón, tài liệu và các vật dụng không được phép mang vào phòng thi. HĐT nào cũng đều mở cửa phòng thi để những học sinh ở xa có thể nghỉ lại buổi trưa tại trường. Hiện tượng phát tờ rơi, quảng cáo xung quanh khu vực thi đã được hạn chế tối đa. Bà Nghĩa cho rằng, đây là những kinh nghiệm có thể nhân rộng ở các địa phương khác.
Trong hai ngày diễn ra kỳ thi, có một hình ảnh khá cảm động gây sự quan tâm của nhiều phụ huynh, đó là trong quá trình dự thi tại các HĐT, 22 học sinh người dân tộc Cơtu Trường THPT Phạm Phú Thứ được các giáo viên nhà trường đưa đón, tổ chức cho các em ở lại trưa, ăn uống, nghỉ ngơi ngay tại HĐT.
Ngoài ra, theo ghi nhận ở các HĐT trên địa bàn thành phố, trong hai ngày diễn ra kỳ thi, tình hình an ninh trật tự được lực lượng bảo vệ giữ gìn tốt, hầu hết phụ huynh đứng cách xa cổng trường thi 100m theo quy định. Thống kê của Sở GD-ĐT cho hay, qua hai ngày diễn ra kỳ thi, có 35 thí sinh THPT và bổ túc THPT bỏ thi không lý do, đau ốm… Không có trường hợp cán bộ coi thi, thí sinh nào vi phạm quy chế thi.
Ông Lê Trung Chinh, Giám đốc Sở GD-ĐT nhận xét, qua hai ngày diễn ra kỳ thi, cho thấy công tác phối hợp giữa Sở GD-ĐT với các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương khá tốt. Đáng mừng là ở các HĐT không xảy ra tình trạng lộn xộn, không có cán bộ coi thi, thí sinh nào vi phạm quy chế.
Hôm nay (4-6), thí sinh thi ngày cuối cùng, với hai môn thi Toán vào buổi sáng và Ngoại ngữ buổi chiều.
Nhiều thí sinh đi xe máy Sáng 3-6, có mặt tại các HĐT Trường THPT Nguyễn Trãi, Trường THPT Ngô Quyền, Trường THCS Lương Thế Vinh…, chúng tôi ghi nhận tình trạng học sinh đi xe máy rất phổ biến. Trước HĐT Trường THPT Nguyễn Trãi, khoảng hơn 30 xe máy của học sinh được gửi tại nhà dân. Một phụ nữ giữ xe cho biết, đây là những xe máy của các thí sinh dự thi tại HĐT Trường THPT Nguyễn Trãi. Trong 2 ngày qua, mỗi buổi có khoảng gần 30-40 chiếc xe máy được gửi với giá 3.000 đồng/chiếc. Trong khi đó, tại HĐT Trường THCS Lương Thế Vinh, chúng tôi ghi nhận rất nhiều thí sinh điều khiển xe máy đi ra từ cổng trường. Một trường hợp đáng tiếc xảy ra ngay sau khi kết thúc môn thi Địa lý ngày 3-6, thí sinh Nguyễn Vĩnh Phúc (trú phường Hòa An, quận Cẩm Lệ, học sinh lớp 12 Trường THPT Khai Trí) đã gặp tai nạn trên tuyến đường Tôn Đức Thắng (quận Liên Chiểu). Nguyên nhân ban đầu được xác định do Phúc trong lúc điều khiển xe máy qua đường đã va quẹt với xe đi ngược chiều. Ngay sau đó, thí sinh này được đưa đến bệnh viện. QUANG VINH |
NGỌC ĐOAN