Năm học 2012-2013, toàn thành phố có gần 200.000 học sinh theo học ở các cấp học. Trong không khí hân hoan chào đón năm học mới, phóng viên Báo Đà Nẵng đã có cuộc trao đổi với ông Lê Trung Chinh, Giám đốc Sở GD-ĐT thành phố Đà Nẵng về việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của năm học.
Để bảo đảm sức khỏe, an toàn cho học sinh trước khi bước vào năm học mới, Sở GD-ĐT đã phối hợp với UBND các quận, huyện chỉ đạo các đơn vị, trường học tiến hành tổng dọn vệ sinh, cảnh quan trường học, phối hợp với cơ quan y tế thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, đặc biệt là bệnh tay - chân - miệng ở các trường mầm non. UBND các quận, huyện đã chỉ đạo các lực lượng chức năng kiểm tra tất cả các công trình đang thi công, đặc biệt là những công trình gần trường học, rào chắn cẩn thận các công trình cống nước, nhà cao tầng; phối hợp với Ban An toàn giao thông bảo đảm các điều kiện an toàn cho học sinh đến trường... Cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học được bảo đảm. Năm học 2012-2013, ngành GD-ĐT thành phố có thêm Trường THPT Cẩm Lệ bắt đầu các hoạt động dạy học.
Ngoài ra, trong dịp hè vừa qua, Sở GD-ĐT đã chỉ đạo các Phòng GD-ĐT quận, huyện tổ chức tổng kết, đánh giá việc thực hiện nhiệm vụ năm học 2011-2012; triển khai phương hướng, nhiệm vụ năm học mới. Bồi dưỡng hè cho giáo viên; tổ chức ôn tập, kiểm tra, thi lên lớp; huy động, tuyển sinh, tiếp nhận học sinh đỗ vào lớp 10; sắp xếp lớp, phân công giáo viên giảng dạy, thực hiện công tác vệ sinh trường lớp, đặc biệt đã ổn định được việc học tập của học sinh ngay từ ngày tựu trường và chuẩn bị tốt các nội dung, kế hoạch cho ngày khai giảng năm học mới. Sở GD-ĐT đã phối hợp với UBND các quận, huyện chỉ đạo quyết liệt việc thực hiện các khoản thu đầu năm. Vì thế, đến thời điểm hiện tại, không có trường học nào xảy ra tình trạng lạm thu. Các đơn vị, trường học đã tổ chức huy động học sinh ra lớp, tặng sách giáo khoa, dụng cụ học tập cho học sinh là con thương binh, liệt sĩ, học sinh có hoàn cảnh khó khăn; không có trường hợp nào thiếu sách vở, áo quần khi bước vào năm học mới.
* Những năm gần đây, chất lượng giáo dục phổ thông có những chuyển biến tích cực. Hằng năm, tỷ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp THPT đều đạt ở mức hơn 95%. Thế nhưng kết quả thi ĐH, Đà Nẵng chỉ xếp ở vị thứ 12/63 tỉnh, thành phố (năm 2012) có thí sinh đỗ ĐH cao nhất. Ông lý giải sao về điều này?
- Tính chất của kỳ thi tốt nghiệp THPT và thi tuyển sinh ĐH hoàn toàn khác nhau. Thi tốt nghiệp THPT nhằm đánh giá, xác nhận trình độ phổ thông của người học; còn thi ĐH nhằm tuyển chọn đầu vào cho các trường ĐH theo yêu cầu chất lượng và chỉ tiêu cho phép của từng ngành, từng trường (vốn khác nhau, có trường, có ngành yêu cầu rất cao).
Vị thứ 12/63 tỉnh, thành phố của Đà Nẵng không thấp (tăng hơn năm 2011 là 0,61 điểm) và có nguyên nhân của nó. Vị thứ này không phải là vị thứ về số lượng học sinh đỗ ĐH mà là vị thứ điểm bình quân của học sinh tham gia dự thi. Vị thứ này lệ thuộc vào số lượng học sinh đăng ký tham gia dự thi ĐH. Mặc dù Sở GD-ĐT đã làm tốt công tác phân luồng, tư vấn tuyển sinh, tư vấn chọn nghề tương lai cho học sinh, đặc biệt là học sinh lớp 12 nhưng khuynh hướng chung là hầu hết học sinh của thành phố đều muốn “thử sức” ở kỳ thi ĐH. Vì vậy, số điểm học sinh thấp sẽ chi phối điểm bình quân. Thời gian đến, Sở GD-ĐT tiếp tục phối hợp với các cơ quan liên quan, gia đình làm tốt hơn nữa công tác phân luồng, định hướng chọn trường, chọn nghề cho học sinh. Nếu lượng đúng sức mình, các em và gia đình sẽ bớt tốn kém, chọn được con đường phù hợp cho nghề nghiệp tương lai.
Cô giáo hướng dẫn bài tập cho học sinh lớp 1. Ảnh: NGỌC ĐOAN |
* So với các địa phương khác trên cả nước, số lượng học sinh đỗ thủ khoa của Đà Nẵng vào các trường ĐH trong những năm qua vẫn còn khiêm tốn (chủ yếu là học sinh ở hai Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn và THPT Phan Châu Trinh). Vậy ngành GD-ĐT có giải pháp gì để cải thiện tình hình trên?
- Số học sinh đỗ thủ khoa ĐH của Đà Nẵng tăng từng năm, năm 2010: 10 em; năm 2011: 13 em và năm 2012: 17 em (chưa kể các học sinh đỗ đầu từng khoa, ngành). Số học sinh đỗ thủ khoa của Đà Nẵng như thế không phải là khiêm tốn, chưa kể 40 em được tuyển thẳng ĐH (giải quốc tế và quốc gia không phải thi ĐH theo quy chế mới của Bộ GD-ĐT).
Số học sinh đỗ thủ khoa tập trung chủ yếu ở 2 trường THPT chuyên Lê Quý Đôn và THPT Phan Châu Trinh là hợp lý. Bởi vì, Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn là nơi tập trung những học sinh ưu tú nhất của thành phố và một phần của tỉnh Quảng Nam; điểm tuyển sinh hằng năm vào Trường THPT Phan Châu Trinh bao giờ cũng cao nhất thành phố, thu hút phần lớn học sinh giỏi, học sinh xuất sắc của thành phố. Ngoài ra, một số trường ở vùng ven, loại hình giáo dục không thuận lợi nhưng vẫn có học sinh đỗ đầu như năm 2007 có học sinh Trường THPT Ngũ Hành Sơn; năm 2010 có học sinh các Trường THPT Hoàng Hoa Thám, Nguyễn Trãi, Nguyễn Hiền; năm 2011 có học sinh Trường THPT Hòa Vang. Đặc biệt, năm nay, có học sinh Trung tâm Giáo dục thường xuyên-hướng nghiệp và dạy nghề quận Thanh Khê đỗ thủ khoa ngành Sư phạm Ngữ văn Trường ĐH Sư phạm (ĐH Đà Nẵng).
Giờ học tiếng Anh đầy sinh động của học sinh Trường tiểu học Đức Trí với giáo viên nước ngoài. Ảnh: NGỌC ĐOAN |
* Giáo dục đạo đức học sinh ở nhà trường là vấn đề “nóng” luôn được xã hội quan tâm trong giai đoạn hiện nay. Vậy ngành GD-ĐT thành phố có những động thái gì nhằm ngăn ngừa, đẩy lùi những cái xấu, tệ nạn xã hội có thể xâm nhập học đường, làm ảnh hưởng đến môi trường sư phạm, đồng thời giúp học sinh hướng đến chân - thiện - mỹ?
- Giáo dục đạo đức, lối sống là một nhiệm vụ chính trị quan trọng của ngành. Trong công tác chỉ đạo, Sở GD-ĐT luôn nhấn mạnh nội dung này. Ngành GD-ĐT đã và đang đẩy mạnh phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”; trong đó, chú trọng nội dung giáo dục đạo đức, lối sống, bồi dưỡng lòng nhân ái, tinh thần yêu quê hương đất nước cho học sinh; xây dựng quy tắc ứng xử văn hóa; giáo dục văn hóa học đường.
Trong tháng 8-2012, ngành GD-ĐT thành phố đã tổ chức các lớp tập huấn về giáo dục kỹ năng sống, giá trị sống cho tất cả các đơn vị, trường học. Tại các lớp tập huấn này, Sở GD-ĐT tập trung chỉ đạo, định hướng giáo dục học sinh những giá trị cơ bản như: giàu tình yêu thương, trung thực, biết quan tâm đến người khác, ham học hỏi, siêng năng, sống tôn trọng pháp luật, yêu hòa bình, biết nhận lỗi và biết tha thứ, sống chủ động, tự tin, chấp nhận thử thách và luôn vượt khó.
* Xin cảm ơn ông!
NGỌC ĐOAN thực hiện