.

Dạy và học lịch sử: Đừng để thế hệ trẻ thờ ơ

.

Hội thảo Khoa học Quốc gia về dạy học Lịch sử ở trường phổ thông Việt Nam do Bộ GD-ĐT phối hợp với Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam tổ chức tại Đà Nẵng vừa qua là cuộc Hội thảo về dạy học Lịch sử có quy mô lớn nhất từ trước tới nay, nhằm triển khai Nghị quyết Đại hội XI của Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục Việt Nam, chuẩn bị xây dựng chương trình và sách giáo khoa môn lịch sử ở phổ thông vào năm 2015.

Bước vào năm học mới 2012-2013 liệu có những đổi mới phương pháp giảng dạy để các em yêu môn lịch sử?
Bước vào năm học mới 2012-2013 liệu có những đổi mới phương pháp giảng dạy để các em yêu môn lịch sử?

Thực tiễn phát triển giáo dục trong 10 năm qua cho thấy, việc giáo dục lịch sử đã có những phát triển nhất định. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khác nhau, hiệu quả giáo dục lịch sử còn có nhiều bất cập, hạn chế. Do đó, đổi mới chương trình giáo dục phổ thông là một việc làm rất lớn, nó đòi hỏi tất cả những tổ chức, cá nhân có liên quan phải dồn hết tâm sức của mình để xây dựng và triển khai một chương trình bảo đảm tính cơ bản, hiện đại và Việt Nam. Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển đề nghị Hội thảo tập trung phân tích, thảo luận vào hai vấn đề: Đánh giá đúng thực trạng việc dạy và học lịch sử trong nhà trường phổ thông hiện nay, nguyên nhân của những mặt đạt được và những mặt còn hạn chế. Định hướng đổi mới dạy học lịch sử ở trường phổ thông.

Giáo sư (GS) Phan Huy Lê, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam nhận định, mấy năm gần đây thực trạng dạy và học lịch sử trong trường phổ thông đã gây ra sự bức xúc, nỗi lo âu của xã hội. Điều này  không chỉ được phản ánh qua điểm số các kỳ thi tốt nghiệp phổ thông và tuyển sinh vào đại học, cao đẳng mà còn qua kết quả điều tra xã hội học, qua các sân chơi truyền hình và qua dư luận xã hội. Mặt hạn chế nặng nề nhất của giáo dục môn sử là đại bộ phận học sinh không thích học môn sử, coi như môn học của các sự kiện, năm tháng, môn học của trí nhớ, khô khan, nhàm chán. Thái độ đó thật đáng buồn nhưng hoàn toàn không thuộc trách nhiệm của học sinh mà là trách nhiệm của nền giáo dục và chính là biểu hiện của việc dạy và học môn sử chưa có hiệu quả. Nguyên nhân sâu xa cần tìm kiếm đầy đủ trong nội dung và phương pháp giảng dạy, trong sách giáo khoa, trong chương trình môn học và cả trong công việc đào tạo đội ngũ giáo viên môn Lịch sử. Đặc biệt, GS nhấn mạnh: “Một nội dung quan trọng mang tính thời sự hiện nay là lãnh thổ thống nhất và toàn vẹn của Tổ quốc cùng chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa trên Biển Đông cũng không được đề cập đến trong SGK”.

Theo GS. Phan Huy Lê, từ Hội thảo này đến đề án Đổi mới căn bản toàn diện môn Lịch sử, con đường tới đích phải qua nhiều chặng đường. Đó là  việc tập hợp và nghiên cứu các ý kiến của Hội thảo, nghiên cứu tham khảo kinh nghiệm trên thế giới, tổ chức tiếp hội thảo mang tính chuyên gia hẹp để xử lý từng vấn đề đặt ra, rồi từng bước xây dựng đề án, trao đổi và  hoàn chỉnh đề án trình lên Bộ GD&ĐT. Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam và các nhà sử học sẵn sàng cộng tác, nhưng vai trò quản lý Nhà nước và trách nhiệm cuối cùng luôn thuộc về Bộ GD&ĐT.

 Hội thảo cũng tập hợp hơn 97 tham luận của các nhà nghiên cứu lịch sử, nhà sử học, giảng viên các trường ĐH-CĐ, cán bộ quản lý giáo dục, nhà giáo và giáo viên phổ thông về chương trình và sách giáo khoa (SGK), về đổi mới phương pháp dạy học, về công tác đào tạo, bồi dưỡng giáo viên môn Lịch sử. Trên cơ sở đánh giá đúng thực trạng, tìm hiểu kinh nghiệm quốc tế về dạy học lịch sử, các ý kiến tham luận đã đề ra định hướng đổi mới dạy học lịch sử trông đổi mới tổng thể chương trình giáo dục ở nhà trường phổ thông sau năm 2015.

Trình bày khái quát tổng hợp từ các tham luận tại Hội thảo, PGS.TS Nghiêm Đình Vỳ, Chủ tịch Hội đồng bộ môn Lịch sử (Bộ GD&ĐT) nhấn mạnh, về chương trình và SGK có một số điểm đáng chú ý: thiếu vắng bộ Lịch sử Việt Nam chuẩn để các tác giả SGK coi đó là tài liệu chính thống để noi theo; chưa tập hợp đầy đủ các nhà sử học, nhà giáo dục, nhà sư phạm giỏi tham gia xây dựng chương trình và viết SGK, phương pháp dạy học và đào tạo giáo viên Lịch sử. Việc thành lập các trường Đại học mới quá nhanh, trong khi không đủ các điều kiện cần thiết, và các trường này cũng tham gia đào tạo giáo viên Lịch sử. Có cơ sở Đại học chỉ có cán bộ dạy môn Lịch sử Đảng trong bộ môn Mác-Lênin, nhưng được mở cả ngành sư phạm Lịch sử và ngành Lịch sử ngoài sư phạm!...

Bên cạnh đó, là một số kiến nghị phản ảnh Bộ GD-ĐT như nên đưa môn Lịch sử là môn bắt buộc trong chương trình giáo dục phổ thông, đồng thời có thể nghiên cứu tăng thời luợng cho môn Lịch sử; tăng cường đầu tư kinh phí cho các môn Khoa học xã hội và môn Lịch sử nói riêng cao hơn; nâng cao đãi ngộ giảng viên, giáo viên, cải thiện điều kiện công tác, học tập và đời sống giáo viên môn Lịch sử trong điều kiện thu nhập kém đội ngũ giáo viên một số môn khác…

Thế hệ trẻ lớn lên qua nền giáo dục phổ thông mà không yêu mến lịch sử dân tộc, không có một vốn hiểu biết cần thiết về lịch sử và văn hóa dân tộc và nhân loại, không có một niềm tự tin dân tộc, thì làm sao có thể hoàn chỉnh được phẩm chất của người công dân Việt Nam. Từ đặc điểm đó, môn Lịch sử càng phải đặt đúng vị thế và chức năng của nó trong hệ thống giáo dục phổ  thông.

GS. Phan Huy Lê

TRẦN TRUNG SÁNG
 

;
.
.
.
.
.