Trong khi nhiều học sinh ở thành phố háo hức đón chào năm học mới thì đường đến trường với nhiều em nhỏ ở các vùng nông thôn vẫn gặp không ít gập ghềnh.
Nhiều lúc vất vả và túng thiếu quá, ông Lê Văn Anh (bên trái) chỉ muốn buông tay cho con nghỉ học. |
“Nhiều lúc muốn buông tay cho con nghỉ học”
Đó là lời tâm sự rất thật đến xót xa của ông Lê Văn Anh (ở khu phố An Thượng 14, phường Mỹ An, quận Ngũ Hành Sơn). Bởi lẽ, hoàn cảnh gia đình ông hiện rất khó khăn, suốt mấy năm nay ông sống trong cảnh gà trống nuôi con, cả gia đình gồm 3 người sống nhờ vào quán trà đá mà thu nhập chưa đến 50.000 đồng/ngày. Để có tiền nuôi hai con ăn học (đứa lớn học lớp 10, đứa nhỏ vào lớp 3), ông Anh phải kiêm thêm nghề “thợ đụng”. Mới 50 tuổi nhưng nhìn ông như ngoài 60 với mái đầu bạc trắng, khuôn mặt khắc khổ, dáng người nhỏ thó. Năm nào cũng vậy, khi ngày khai giảng đến gần, ông lại lo không có tiền cho con đóng học phí, mua sắm áo quần, sách vở. Ông Anh tâm sự: “Nhiều lúc khó khăn quá, tôi muốn buông tay cho con nghỉ học, nhưng rồi sợ con không được học hành đến nơi đến chốn, sau này sẽ thiệt thòi nên cố gắng. Bây giờ chỉ mong đứa đầu học xong lớp 12 thì tui yên tâm”.
Ông Lê Văn Anh không phải là trường hợp hiếm hoi có tâm lý buông xuôi hoặc chấp nhận cho con nghỉ học giữa chừng vì hoàn cảnh gia đình quá khó khăn. Để giảm bớt gánh nặng cho gia đình, nhiều học sinh đã từ bỏ trường, lớp, số khác đi làm thêm dịp hè. Như gia đình chị Ngô Thị Lan (phường Hòa Thọ Tây, quận Cẩm Lệ) với thu nhập hằng tháng chưa đến 4 triệu đồng, việc nuôi 3 đứa con ăn học dường như đã quá sức với vợ chồng chị. Như bao người phụ nữ khác, chị Lan giấu mọi vất vả của bản thân vào lòng. Chỉ khi nhắc đến 3 đứa con, chị không kìm được nước mắt và tâm sự: “Hai năm nay, đứa con đầu của tui (mới học lớp 8) cứ đòi nghỉ học miết vì thấy ba mẹ khổ quá. Nó bảo nghỉ học đi làm thêm để cho 2 em được tiếp tục đến trường, vợ chồng tôi thương con nên kiên quyết không cho nghỉ”.
Kiên quyết không để học sinh bỏ học
Ông Lê Văn Phước, Trưởng Phòng GD-ĐT huyện Hòa Vang cho biết, năm học 2011-2012, toàn huyện có 11 học sinh bỏ học. Nguyên nhân chủ yếu do các em học yếu, mất căn bản nên nảy sinh tâm lý không muốn tiếp tục đến trường, cũng có một vài em do hoàn cảnh gia đình khó khăn (bố mẹ đau ốm không có người chăm sóc…). Năm học mới này, Phòng GD-ĐT huyện cùng các hội, đoàn thể đã vận động 17 học sinh bỏ học trở lại lớp. Để góp phần giảm gánh nặng về chi phí học tập cho các em cùng gia đình, trong dịp hè vừa qua, Phòng GD-ĐT huyện đã huy động được 80 triệu đồng, hỗ trợ học sinh nghèo áo quần, sách vở và phương tiện đi lại, đồng thời yêu cầu các trường học trên địa bàn huyện tiếp tục tiến hành khảo sát nhu cầu của những học sinh có hoàn cảnh khó khăn để bảo đảm cho các em có thể tiếp tục đến trường trong năm học mới này.
Bên cạnh việc hỗ trợ kinh phí, vào mỗi dịp hè, Phòng GD-ĐT huyện Hòa Vang còn phối hợp cùng Đoàn Thanh niên huyện tổ chức chiến dịch Ánh sáng văn hóa hè. Theo đó, ngoài việc mở các lớp bổ túc, ôn tập kiến thức cho học sinh (đặc biệt là những học sinh có học lực yếu, học sinh vùng dân tộc), vận động gia đình kiên quyết không cho con em nghỉ học, các chi đoàn cơ sở trực thuộc Huyện Đoàn còn huy động mọi nguồn lực từ bên ngoài để hỗ trợ kinh phí cho các gia đình học sinh khó khăn, nghèo; sơn, sửa lại phòng học... Anh Nguyễn Văn Phước, Bí thư Huyện Đoàn Hòa Vang cho biết: “Học sinh các vùng nông thôn ở Hòa Vang thường gặp nhiều khó khăn hơn bạn bè cùng trang lứa ở các khu vực đô thị. Các em bỏ học chủ yếu do 3 nguyên nhân: do hổng kiến thức nên nảy sinh tâm lý chán nản, không muốn tiếp tục đến trường; quậy phá, muốn nghỉ học; vì hoàn cảnh gia đình quá khó khăn không có điều kiện tiếp tục đến lớp. Với 2 đối tượng đầu tiên, chúng tôi cố gắng vận động, kèm cặp và bổ trợ kiến thức cho các em không chỉ trong dịp hè mà xuyên suốt cả năm học. Riêng với trường hợp thứ 3, các cấp bộ Đoàn phối hợp cùng các hội, đoàn thể khác kiên quyết không để các em vì hoàn cảnh gia đình khó khăn mà phải nghỉ học”.
Bài và ảnh: KHÁNH HÒA