.
SAU 5 NĂM THỰC HIỆN LUẬT DẠY NGHỀ

Còn nhiều tồn tại

.

Chế độ cho giáo viên nghề chưa thỏa đáng; phân luồng chưa hiệu quả, ảnh hưởng đến việc đào tạo nghề; làm sao để đẩy mạnh xã hội hóa trong dạy nghề... là những vấn đề “nóng” được đề cập tại Hội nghị tổng kết 5 năm thi hành Luật Dạy nghề dưới sự chủ trì của Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Phạm Thị Hải Chuyền vừa qua tại Đà Nẵng.

Học viên thi nấu ăn tại Hội thi tay nghề giỏi thành phố Đà Nẵng năm 2012.
Học viên thi nấu ăn tại Hội thi tay nghề giỏi thành phố Đà Nẵng năm 2012.

Đau đầu bài toán “ngồi nhầm chỗ”

Nhiều đại biểu tham dự Hội nghị đã bày tỏ những quan điểm, khó khăn, vướng mắc dẫn đến những bất cập trong quá trình thực hiện Luật Dạy nghề tại địa phương mình. Trong đó, nổi lên là vấn đề về sự phân luồng giáo dục hiện nay ảnh hưởng lớn đến công tác dạy nghề.

Ông Trần Văn Hải, Hiệu trưởng Trường Trung cấp nghề Công nghệ Hùng Vương (đóng tại thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng: “Hiện có hàng trăm thí sinh “ngồi nhầm chỗ” ở bậc THPT, lãng phí thời gian, sức lực, tiền của cho 3 năm học nhưng không mang lại hiệu quả. Các em thường bị “hướng trường” trước khi “hướng nghề”. Ngoài ra, điều kiện đầu tư cho các trường nghề và TCCN còn hạn chế, thiếu sức hút, việc làm trong xã hội cho người học nghề chưa nhiều, đãi ngộ thấp cũng là một nguyên nhân”. Theo nhiều đại biểu, liên Bộ cần ngồi lại để việc phân luồng có hiệu quả thiết thực hơn, điều tiết việc phân luồng bằng các chính sách như: Học sinh có bằng tốt nghiệp THPT, TCCN và trung cấp nghề đều bình đẳng trong việc thi vào các trường ĐH, CĐ; doanh nghiệp phải có nghĩa vụ đóng góp thuế sử dụng lao động nhằm thành lập quỹ đào tạo nghề...

“Chính phủ cần có sự chỉ đạo quyết liệt hơn trong việc quản lý hệ thống giáo dục chuyên nghiệp, tránh tình trạng tuyển sinh tràn lan của các trường ĐH, CĐ và TCCN để hướng học sinh học nghề, đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp. Ngoài ra, cần làm tốt công tác hướng nghiệp đúng nghĩa cho học sinh phổ thông”, ông Trần Anh Việt, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Ninh Thuận bày tỏ.

Nói về vấn đề này, bà Nguyễn Thị Thanh Hưng, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH Đà Nẵng cho biết, việc hướng các em đi đúng ngành nghề nhằm phát huy sở trường, năng lực riêng là việc làm quan trọng. Bên cạnh đó, bà Hưng cũng nêu một số điểm trong Luật Dạy nghề thật sự chưa phù hợp, gây bất cập. Chẳng hạn, giáo viên dạy nghề là nhân tố quyết định sự phát triển trong dạy nghề cũng như chất lượng đào tạo nhưng lại chưa nhận được chế độ đãi ngộ phù hợp.

Đồng quan điểm với bà Hưng, nhiều đại biểu cũng cho rằng, việc tuyển giáo viên dạy nghề thật sự rất khó, thậm chí khó hơn cả tuyển giảng viên trong các trường ĐH, CĐ, vì giáo viên dạy nghề cũng cần có trình độ cao, nghiệp vụ sư phạm, kỹ năng nghề nhưng lương thấp nên không thu hút được nhân lực. Điều này dẫn đến thực trạng đội ngũ giáo viên trong các cơ sở dạy nghề ở địa phương hiện nay thiếu về số lượng, không đồng bộ về cơ cấu ngành nghề đào tạo, ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng đào tạo nghề.

Cần sửa đổi, bổ sung

Trước những vướng mắc, bất cập sau 5 năm triển khai thi hành Luật Dạy nghề, các đại biểu đã nêu nhiều ý kiến góp ý cho việc sửa đổi, bổ sung vào Luật Dạy nghề. Ông Phạm Vũ Khiêm, Hiệu trưởng Trường CĐ nghề Long Biên cho rằng: “Nên bổ sung vấn đề doanh nghiệp tham gia xây dựng chương trình đào tạo, tiêu chuẩn, kỹ năng nghề bởi họ là nơi tiếp nhận đầu ra của các cơ sở dạy nghề. Cần bổ sung vào điều 56 Luật Dạy nghề về việc doanh nghiệp có trách nhiệm nâng cao kỹ năng thực hành nghề cho giáo viên dạy nghề nói chung”. Ngoài ra, nhiều ý kiến khác cho rằng, không nên tách thành 2 loại giáo viên lý thuyết và thực hành mà chỉ có một loại giáo viên dạy nghề là dạy tích hợp cả lý thuyết và thực hành. Bên cạnh đó, nên thống nhất việc lựa chọn các giáo viên dạy phù hợp với từng trình độ cụ thể. Để giải quyết thực trạng khó thu hút giáo viên dạy nghề, luật cũng cần bổ sung quy định về bảng lương phù hợp cho từng đối tượng giảng viên, giáo viên; bổ sung cơ sở thực hiện nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng giáo viên dạy nghề...

Về chương trình, giáo trình dạy nghề, ông Nguyễn Hồng Tây, Phó Hiệu trưởng Trường CĐ Nghề kỹ thuật công nghệ Dung Quất nêu ý kiến: “Các cơ quan quản lý chỉ nên quy định khung chương trình, không ban hành chương trình khung, từ đó các cơ sở dạy nghề căn cứ vào khung chương trình để xây dựng chương trình chi tiết, phù hợp với đối tượng và địa phương mình sẽ hiệu quả hơn”. Một vấn đề khác được nhiều đại biểu quan tâm kiến nghị là vấn đề xã hội hóa trong dạy nghề. Theo nhiều đại biểu, đây là chủ trương đúng đắn của Đảng và Nhà nước nhằm huy động mọi nguồn lực xã hội tham gia vào hoạt động dạy nghề. Tuy nhiên, các quy định về điều này mới chỉ quy định trong các văn bản dưới luật, giá trị pháp lý chưa cao, cần bổ sung những quy định về xã hội hóa hoạt động dạy nghề như nguyên tắc thực hiện xã hội hóa, điều kiện được hưởng chính sách xã hội hóa và một số chính sách cụ thể về xã hội hóa dạy nghề...

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Phạm Thị Hải Chuyền đã ghi nhận những đóng góp xác đáng của các đại biểu và nhấn mạnh: “Việc sửa đổi, bổ sung Luật Dạy nghề, hoàn thiện hệ thống pháp luật về dạy nghề sẽ là điều kiện nhằm tiếp tục nâng cao hơn nữa chất lượng dạy nghề, đổi mới căn bản, toàn diện dạy nghề theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, dân chủ hóa, xã hội hóa và hội nhập...”.

Sau 5 năm thi hành Luật Dạy nghề, mạng lưới cơ sở dạy nghề trên cả nước được mở rộng, phân bố tương đối hợp lý với hơn 100 trường CĐ nghề, hơn 300 trường trung cấp nghề, gần 900 trung tâm dạy nghề và hơn 1.000 cơ sở khác tham gia dạy nghề, tăng 1,5 lần so với năm 2006. Quy mô tuyển sinh học nghề năm 2011 đạt hơn 1,77 triệu học sinh, gấp 1,3 lần so với năm 2006. Hiện cả nước có gần 50.000 giáo viên dạy nghề tại các trường CĐ, TCCN, trung tâm dạy nghề và các cơ sở khác tham gia dạy nghề, tăng 1,6 lần so với năm 2006, trong đó có trình độ ĐH trở lên chiếm 69%.

Bài và ảnh: PHƯƠNG TRÀ

;
.
.
.
.
.