.
Sổ tay

Dạy nghề giá cao

Nói đến học nghề, làm nghề, người ta nghĩ ngay đến hình ảnh những cô cậu học trò chân đất, lấm lem bùn lầy từ quê ra trọ học hoặc hình ảnh những người thợ vất vả đầu tắt mặt tối trong công trường. Bởi suy nghĩ học nghề chỉ dành cho người nghèo, chuột chạy cùng sào mới vào... trường nghề nên các cơ sở dạy nghề hiện nay tại Đà Nẵng luôn cố gắng tiết kiệm chi để có thể hút người học bằng mức học phí thấp nhất. Điều này đã giúp bao thanh - thiếu niên có hoàn cảnh khó khăn không thể vào ĐH có thể kiếm cái nghề để sinh sống và không ít người trong số họ (nếu chịu khó và quyết tâm) đã có mức lương khá cao nhờ tay nghề giỏi. Cũng từng có đề xuất thành phố Đà Nẵng nên cấp thẻ học nghề miễn phí, có mệnh giá cho từng cấp trình độ (sơ cấp, trung cấp, CĐ) cho lao động nông thôn, lao động thuộc diện di dời, giải tỏa phải chuyển đổi ngành nghề, hộ nghèo, gia đình chính sách, người khuyết tật nhằm thay thế chính sách hỗ trợ dạy nghề sơ cấp hiện nay của thành phố.

Tuy nhiên, đã đến lúc cần nhìn nhận lại vấn đề, dạy nghề, học nghề đâu chỉ dành cho người nghèo, người khó khăn. Nói đến nâng học phí dạy nghề, ai cũng phì cười: Đã không ai thèm học còn dạy giá cao làm gì? Các trường nghề tại Đà Nẵng hiện nay chen lấn, thậm chí dùng các hình thức quảng cáo, cạnh tranh không lành mạnh để giành nhau “chiếc bánh” dạy nghề... cho đối tượng cấp thấp, “nhặt” từng học trò nghèo mà quên đi một thị phần cao cấp khác trong đào tạo nghề. Một hiệu trưởng trường nghề tư thục thổ lộ: “Tôi đã sai lầm khi giảm mức học phí, bởi học phí giảm mà không nâng cao chất lượng thì cũng không thu hút được học sinh”. Nói nâng cao chất lượng đâu thể chỉ nói cho vui mà lẽ dĩ nhiên phải có thực lực. Với một trường tư thục không được rót kinh phí thì thực lực đó chính từ học phí. Theo thăm dò thị trường mới đây của Trường CĐ nghề Nguyễn Văn Trỗi, cho con đi học nghề tại Singapore là bình thường với nhiều gia đình tại Đà Nẵng. Với mức học phí khoảng 800 triệu đồng (tính cả chi phí ăn ở) cho 3 năm học tại Singapore, nếu học tại Việt Nam sẽ tiết kiệm được 1/3 chi phí trên. Một trường tư thục nghề vừa dự tính, nếu liên kết dạy nghề trình độ quốc tế tại Việt Nam, mức học phí có thể khoảng từ 8,5 - 11 triệu đồng/học kỳ. Hơn nữa, nếu học nghề và được cấp bằng quốc tế thì người học có điều kiện liên thông lên ĐH tại nước ngoài, chi phí sẽ rẻ hơn nếu học dự bị ĐH, sau đó chuyển tiếp lên ĐH.

Như vậy, nếu tăng học phí để hút lượng học viên mới thì các cơ sở dạy nghề cũng phải tính đến việc bảo đảm chất lượng với chương trình học thật sự hiệu quả, ngang tầm khu vực và quốc tế chứ không phải làm theo kiểu “đầu voi đuôi chuột”, chỉ có vỏ mà ruột rỗng tuếch. Bên cạnh đó, cũng cần tính đến tâm lý của nhiều người còn nặng tư tưởng thích học ĐH; việc phân luồng, chuyển dịch cơ cấu đào tạo sang học nghề còn gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, vấn đề đặt ra cho các trường dạy nghề là cân bằng giữa việc thu hút người học và nâng cao chất lượng đào tạo.

Đà Nẵng đang hình thành những khu công nghệ cao, cần nhiều người có kỹ năng nghề cao, trong khi phần lớn kỹ sư còn rất yếu kỹ năng nghề. Bên cạnh việc nâng cao chất lượng, thành phố cũng rất cần những mô hình dự án hợp tác giữa thành phố và các nước thành lập trường đào tạo nghề có vốn đầu tư nước ngoài, như mô hình Trường CĐ nghề Việt Nam - Singapore (ở Bình Dương) hay Trường CĐ nghề Kỹ thuật công nghệ Việt - Hàn (ở Nghệ An); Trường CĐ nghề Việt - Đức (Vĩnh Phúc)...

P.V

;
.
.
.
.
.