Cũng giống như những trường ĐH, CĐ, đến mùa tuyển sinh, các trường nghề hoặc các trường CĐ, TCCN có hệ đào tạo nghề rầm rộ đến các trường THPT quảng bá, giới thiệu chương trình, ngành nghề đào tạo, chính sách ưu tiên dành cho thí sinh... Song, trong những năm qua, nhiều trường nghề trên địa bàn thành phố vẫn rơi vào tình trạng “khát” thí sinh, hoặc phải “khai tử” một số lớp đào tạo nghề.
Nhiều học sinh ngày nay không còn mặn mà với các khóa học đào tạo nghề. TRONG ẢNH: Một lớp học nghề điện - điện tử ở Trường CĐ Công nghệ trước đây. |
Nhiều trường “khai tử” hệ đào tạo nghề
Kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2012 vừa qua, N.V.T (trú quận Thanh Khê) dự thi vào Trường ĐH Kinh tế (ĐH Đà Nẵng). Kết quả, T. không trúng tuyển. Sợ con không đi học, ở nhà chơi bời lêu lổng, bố mẹ khuyên T. đăng ký học một khóa đào nghề để sau này làm công nhân. Dù bố mẹ nhiều lần khuyên nhủ, nhưng T. nhất quyết không chịu đi học, bởi 12 năm đèn sách vất vả, nay đi học nghề thì sợ bạn bè chê cười, vả lại làm công nhân sẽ vất vả. “Thà em ở nhà ôn tập năm sau thi lại ĐH còn hơn. Trường hợp không trúng tuyển thì em đi học TCCN hoặc CĐ, sau này còn có cơ hội học liên thông lấy bằng ĐH”, T. cho biết.
Không chỉ có trường hợp T., nhiều thí sinh thi rớt ĐH, CĐ cũng nhất quyết không vào học ở các trường trung cấp, CĐ nghề hoặc các lớp đào tạo nghề ở các trường CĐ, TCCN. Và đây chính là nguyên nhân khiến công tác tuyển sinh hệ đào tạo nghề bị tắc đầu vào, nhiều trường phải chấp nhận “khai tử” hệ đào tạo này.
Trường CĐ Công nghệ (ĐH Đà Nẵng) là một trong những trường có tiếng về chất lượng đào tạo các hệ CĐ, TCCN, sơ cấp, trung cấp nghề dành cho các khối kỹ thuật, thu hút nhiều thí sinh đến học hằng năm. Thế nhưng những năm gần đây, hệ đào tạo nghề của trường rơi vào tình trạng “đói” thí sinh. Ông Dương Ngọc Thọ, Trưởng phòng Đào tạo nhà trường cho hay, do không có thí sinh đăng ký học nên những năm qua, nhà trường đã không còn đào tạo các khóa sơ cấp, trung cấp nghề nữa.
Tương tự, 2 năm nay, Trường Trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật miền Trung cũng đóng cửa không đào tạo nghề 2 ngành Cơ khí, Xây dựng. Mặc dù trước đó, nhà trường tổ chức tuyển sinh nhưng thí sinh không đăng ký học các lớp đào tạo nghề này. Tình trạng này cũng xảy ra ở Trường CĐ Giao thông vận tải 2. Ông Đoàn Trọng Hòa, Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết, trước thực trạng nguồn tuyển khó khăn, mùa tuyển sinh năm 2012, nhà trường vẫn chưa có kế hoạch mở các lớp đào tạo nghề, mà hiện nay chỉ tập trung cho hệ đào tạo CĐ. Cũng theo ông Hòa, thời gian gần đây, thí sinh không còn mặn mà với hệ đào tạo nghề nữa.
Cần đẩy mạnh phân luồng, hướng nghiệp
Theo một số cán bộ làm công tác tuyển sinh ở các trường đào tạo nghề, có nhiều nguyên nhân dẫn đến hệ đào tạo nghề ở các trường học bị “khai tử”. Trong đó, công tác định hướng, tư vấn, phân luồng học sinh ở các trường phổ thông vẫn chưa thực hiện hiệu quả. Trước mùa tuyển sinh hằng năm, phần lớn các trường phổ thông khi định hướng cho học sinh chọn nghề nghiệp chỉ chú trọng việc mời đến các trường ĐH, CĐ, mà quên đi trường nghề. Cùng với đó, tâm lý muốn làm thầy hơn làm thợ vẫn còn đè nặng trong suy nghĩ nhiều học sinh cũng như các bậc phụ huynh.
Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Quang Trình, Hiệu trưởng Trường Trung cấp Kinh tế - Kỹ thuật miền Trung nhìn nhận, xu hướng chung của xã hội hiện nay, nhất là học sinh, sau khi tốt nghiệp THPT cứ nhăm nhăm bằng mọi giá phải dự thi ĐH, CĐ chứ không ngó ngàng đến việc học nghề. Hay nói cách khác, nhiều người muốn làm thầy chứ không chịu làm thợ.
Ông Nguyễn Văn An, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH cũng nhìn nhận, thời gian qua nhiều trường nghề gặp khó khăn trong nguồn tuyển. Bởi lẽ, tâm lý học sinh sau khi tốt nghiệp THPT thích thi vào ĐH, CĐ, chứ không thích học nghề. Thực tế này cho thấy, nguyên nhân trước hết do công tác định hướng, phân luồng cho học sinh phổ thông chưa được thực hiện tốt. Việc liên thông của học sinh học trường nghề sau khi tốt nghiệp còn bị vướng do Bộ GD-ĐT chưa cho phép.
Cũng theo ông An, để tháo gỡ những khó khăn mà các trường đào tạo nghề gặp phải như hiện nay, Sở LĐ-TB&XH tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Sở GD-ĐT đẩy mạnh việc phân luồng học sinh vào các trường nghề. Đồng thời, tổ chức rà soát lại các trường nghề, trường có đào tạo nghề trên địa bàn thành phố, những trường nào, ngành nghề nào hoạt động không hiệu quả thì khuyến khích dừng hoạt động. Sở LĐ-TB&XH sẽ tạo điều kiện cho các trường nghề đến các trường phổ thông tư vấn tuyển sinh hằng năm. Ngoài ra, các cơ quan, ban, ngành chức năng cũng cần đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân để họ có cái nhìn và sự lựa chọn đúng đắn khi học nghề.
Bài và ảnh: NGỌC ĐOAN