.

Khó hướng nghiệp cho học sinh

.

Những năm qua, ngành GD-ĐT đã đưa ra nhiều giải pháp phân luồng học sinh sau khi tốt nghiệp THCS, THPT. Thế nhưng, công tác này chưa mang lại hiệu quả cao.

Nguyên nhân do tâm lý phụ huynh, cũng như học sinh sau khi tốt nghiệp không muốn rẽ sang học các hệ đào tạo sơ - trung cấp, CĐ nghề.

Học sinh Trường Trung cấp nghề công nghiệp tàu thủy trong một buổi học chính trị đầu khóa.
Học sinh Trường Trung cấp nghề công nghiệp tàu thủy trong một buổi học chính trị đầu khóa.

Vận động chứ không ép buộc

Trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 công lập năm học 2012-2013, Trường THCS Lê Lợi (Ngũ Hành Sơn) có hơn 300 học sinh lớp 9 dự thi. Để nâng cao chất lượng tuyển sinh, cũng như thực hiện hiệu quả việc phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS, trước kỳ thi, nhà trường tổ chức tư vấn, hướng nghiệp cho học sinh đăng ký dự thi theo năng lực, sở thích của mình. Nhưng đa số học sinh dù học lực yếu hay trung bình cũng nhất quyết đăng ký dự thi vào các trường THPT công lập, chứ không chịu rẽ sang học ở các trường nghề, trường TCCN để phù hợp với sức học của mình. Kết quả kỳ thi này, trường có 90% học sinh trúng tuyển vào lớp 10 THPT công lập, số còn lại các em đăng ký học lớp 10 ở các trường THPT tư thục hoặc Trung tâm giáo dục thường xuyên, chỉ có vài em học ở Trường trung cấp Văn hóa - Nghệ thuật Đà Nẵng.

Ông Trương Công Sơn, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, trong những năm qua, trước kỳ thi tuyển sinh, nhà trường tốn nhiều công sức trong việc tổ chức tư vấn, định hướng cho học sinh. Song, tâm lý chung là nhiều em vẫn thích học tiếp chương trình phổ thông ở trường công lập hay tư thục, chứ không chịu vào học ở trường nghề. Đây là một thực tế khó khăn mà nhà trường gặp phải trong những năm qua, bởi lẽ nhà trường chỉ có thể vận động chứ không ép buộc được học sinh.

Ở bậc THPT, sau khi tốt nghiệp, nhiều học sinh cũng muốn dự thi vào các trường ĐH, CĐ mà không chịu học ở các trường đào tạo nghề. Hiệu trưởng một trường THPT cho hay, vào thời điểm chuẩn bị làm hồ sơ tuyển sinh ĐH, CĐ hằng năm, nhà trường tư vấn cho từng học sinh theo khả năng, sở thích, sức học để các em lựa chọn trường đăng ký thi phù hợp. Nhưng nhiều học sinh lại cho rằng, 12 năm đèn sách khổ cực thì cứ dự thi ĐH, CĐ công lập, trường hợp không trúng tuyển thì đi học ĐH, CĐ ở các trường tư thục, chứ không vào trường đào tạo nghề. “Nhà trường chỉ có vai trò phân tích, định hướng cho học sinh, còn việc chọn nghề, chọn ngành vẫn phụ thuộc chủ yếu vào sự quyết định của phụ huynh và học sinh”, vị Hiệu trưởng này nói.

Phụ huynh cần phối hợp với nhà trường

Xu hướng muốn làm thầy chứ không chịu làm thợ của học sinh như hiện nay đã khiến gần chục trường CĐ, TCCN trên địa bàn thành phố bị “khai tử” hệ đào tạo nghề. Qua tìm hiểu, mùa tuyển sinh ĐH, CĐ, TCCN năm 2012, nhiều trường CĐ, TCCN có hệ đào tạo nghề đã phải đóng cửa một số ngành học.

Một lãnh đạo Sở LĐ-TB&XH cũng nhìn nhận, nguyên nhân dẫn đến nhiều trường nghề khó khăn trong tuyển sinh thời gian qua là tâm lý học sinh sau khi tốt nghiệp THPT thích thi vào ĐH, CĐ, còn nếu học nghề thì sau này làm công nhân, lương thấp… Thực trạng đó cho thấy, công tác định hướng, phân luồng cho học sinh phổ thông chưa được thực hiện tốt, chưa hiệu quả. Mặt khác, công tác đào tạo nghề ở một số trường chưa thật sự hấp dẫn để thu hút học sinh.

Ông Trương Công Sơn cũng cho rằng, để thực hiện hiệu quả việc phân luồng học sinh sau tốt nghiệp, bên cạnh sự nỗ lực của nhà trường, phụ huynh có vai trò rất quan trọng trong việc định hướng cho con em mình chọn lựa, theo học các ngành nghề phù hợp với sở thích, năng lực. Và quan trọng hơn, phụ huynh phải đồng lòng, phối hợp chặt chẽ với nhà trường thì việc tư vấn, định hướng cho học sinh chọn trường, ngành nghề mới đạt hiệu quả.

Trước thực trạng trên, Sở GD-ĐT cho biết, thời gian đến sẽ chỉ đạo các phòng GD-ĐT quận, huyện, các đơn vị trường học tăng cường phối hợp với phụ huynh, đẩy mạnh công tác tư vấn, phân luồng học sinh sau tốt nghiệp THCS, THPT. Cùng với sự nỗ lực của ngành GD-ĐT, các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể cũng cần đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân.

Bài và ảnh: PHƯƠNG CHI

;
.
.
.
.
.