.

“Cô giảng con không hiểu!”

Một người bạn cũ của tôi than thở chuyện học hành của con cái. Chị kể: Con gái chị học cấp 1 ở một trường tiểu học trên địa bàn quận Hải Châu đi học về và nói: “Mẹ ơi, bữa ni lớp con có cô giáo mới, nhưng cô giảng bài nói tiếng chi chi chẳng hiểu được”. Cất công tìm hiểu, chị mới biết cô giáo dạy con chị là người ở một tỉnh thuộc khu vực Bắc Trung Bộ. Do từ lúc sinh ra đến giờ, con gái chị chủ yếu tiếp xúc với người Quảng nghe quen giọng, nên bây giờ tiếp xúc với giọng địa phương lạ thì cháu nghe không hiểu được.

Những năm gần đây, mỗi lần tuyển dụng nhân sự ngành GD-ĐT thành phố Đà Nẵng, có nhiều giáo viên trẻ ở các tỉnh, thành phố trong cả nước dự tuyển. Trong đó, có nhiều giáo viên từ khu vực Bắc Trung Bộ. Ngoài các cấp học THPT, THCS, những giáo viên này được phân công tác ở bậc tiểu học. Do đặc thù phát âm giọng địa phương, mỗi lần giáo viên giảng bài, các em nhỏ, nhất là học sinh độ tuổi lớp 1, lớp 2 khó có thể nghe rành rọt.

Một cán bộ lâu năm trong ngành GD-ĐT cho rằng, đối với bậc tiểu học, nhất là những học sinh lớp 1, các cháu trong giai đoạn tập viết, tập đánh vần, phát âm… nên giáo viên đóng vai trò rất quan trọng trong việc hướng dẫn các em. Trong quãng thời gian này, nếu học sinh người Quảng gặp phải giáo viên ở các tỉnh, thành phố Bắc Trung Bộ giảng dạy theo giọng địa phương của họ thì các em khó có thể hiểu cô giáo nói gì. Bởi lẽ, ở nhà tiếp xúc với bố mẹ, hàng xóm nói giọng Quảng một đằng, lên lớp thì thầy cô phát âm một kiểu sẽ làm các em khó tránh khỏi sự lúng túng.  

Không phủ nhận thực tế này, Hiệu trưởng của một trường tiểu học ở địa bàn quận Liên Chiểu cũng nêu dẫn chứng, mấy năm trở lại đây, nhà trường tiếp nhận một số giáo viên người ở các tỉnh, thành phố Bắc Trung Bộ về công tác. Thật tình mà nói, hầu hết các giáo viên này đều tốt nghiệp ĐH Sư phạm chính quy, năng lực chuyên môn tốt, nhưng Ban giám hiệu vẫn cân nhắc không bố trí dạy lớp 1, lớp 2. Vị hiệu trưởng này bộc bạch, là đồng nghiệp với nhau, nhưng nhiều lúc các thầy cô nói giọng địa phương khu vực Bắc Trung Bộ (có trường hợp nói nhanh) nên thầy, cô giáo người Quảng ở trong trường cũng chẳng hiểu, huống gì học sinh.

Thị trường lao động hiện có sự giao thoa. Người ở địa phương này đến tìm cơ hội việc làm ở địa phương khác khá phổ biến. Song, đối với đặc thù ngành GD-ĐT, nhất là bậc tiểu học, học sinh còn nhỏ, chưa có điều kiện giao tiếp nhiều, nên chăng cần cân nhắc tuyển dụng và bố trí giáo viên tiểu học hợp lý, tạo thuận lợi cho quá trình tiếp thu bài học của các em đạt hiệu quả cao.

PHƯƠNG CHI

;
.
.
.
.
.