.

Lớp học không phấn bảng

.

Tại những lớp học ở Trung tâm Hướng nghiệp từ thiện (quận Ngũ Hành Sơn) thuộc Hội Chữ thập đỏ thành phố Đà Nẵng, thầy cô giáo và học sinh đối thoại với nhau đôi khi chỉ bằng cử chỉ, ánh mắt.

19 giờ, lớp học của “cô giáo” Nguyễn Thị Bích Hằng (21 tuổi, sinh viên năm 3, khoa Tiếng Anh, Trường ĐH Ngoại ngữ Đà Nẵng) đủ sĩ số với khoảng gần chục học sinh, hầu hết bị khiếm thính.

Sinh viên dạy chữ cho trẻ em khuyết tật ở Trung tâm Hướng nghiệp từ thiện (quận Ngũ Hành Sơn).
Sinh viên dạy chữ cho trẻ em khuyết tật ở Trung tâm Hướng nghiệp từ thiện (quận Ngũ Hành Sơn).

Mở lối tâm hồn

Lau những giọt mồ hôi sau đoạn đường dài đến lớp, “cô giáo” Hằng mỉm cười: “Chúng ta bắt đầu bài học nhé”. Chương trình đầu tiên vẫn là… hỏi thăm sức khỏe: Tâm hôm nay thế nào, phát âm có còn đau cổ họng hay không? Phụng đã chịu chơi với các bạn hay chưa, tai đỡ đau không?.

Mỗi học trò một hoàn cảnh, một số phận và có những dạng bệnh tật khác nhau. Hằng cho biết, phải hiểu rõ từng em thì mới có thể giao tiếp, chơi và dạy các em được. Không thể dạy theo chương trình sách giáo khoa lớp 1, Hằng và các “thầy cô giáo” sinh viên khác đảm nhiệm 5 lớp ở Trung tâm Hướng nghiệp từ thiện đều phải tự soạn giáo án riêng. Bài giảng cho các em khiếm thính thường theo các chủ đề như gia đình, cây cối, hoa quả, thức ăn… để các em dễ tiếp thu. Trước đây, Hằng và các bạn chủ yếu dạy các em ngôn ngữ cử chỉ. “Nếu sử dụng ngôn ngữ cử chỉ, các em chỉ có thể giao tiếp với nhau nhưng rất ít người hiểu được loại ngôn ngữ đặc thù này. Vì vậy, em và các bạn chuyển sang dạy cách biểu đạt và hiểu được ngôn ngữ khẩu hình để có thể giao tiếp với mọi người”, Hằng nói.

Phát âm bằng khẩu hình được một lát, Tâm (15 tuổi) ngồi thở dốc. “Cô giáo” Hằng ra hiệu cho Tâm nghỉ và rót cho em cốc nước. Cô bé nhoẻn miệng cười cảm ơn rồi 5 phút sau lại luyện tập tiếp cùng các bạn. Trong khi đó, với Có, 18 tuổi mà trông cậu chỉ nhỉnh hơn cái bàn chút xíu. Học được một lúc, Có nằm lăn ra đất… ăn vạ. Vậy là Hằng phải dỗ ngọt thì cậu mới chịu luyện tiếp. Luyện xong, Hằng hướng dẫn học trò trò chơi tập thể như “nhìn hình đoán chữ”, “ai nhanh tay nhất”… để các em rèn luyện khả năng nhận diện đồ vật và phản ứng nhanh.

Ba năm nay, những lớp học đặc biệt như thế tại Trung tâm Hướng nghiệp từ thiện do khoảng gần 30 sinh viên ở nhiều trường trên địa bàn thành phố tình nguyện đảm nhận vào mỗi tối, từ thứ 2 đến thứ 5 hằng tuần. Học sinh hầu hết bị các dạng tật: khiếm thính, thiểu năng trí tuệ, bị nhiễm chất độc da cam/dioxin…

Cho và nhận

Dù không một đồng thù lao, nhưng lớp học của những sinh viên tình nguyện vẫn sáng đèn đều đặn. Không phụ lòng các “thầy cô giáo”, học sinh ở đây tiến bộ thấy rõ. “Em Phụng lúc đầu thường trốn học, sợ hãi khi thấy mọi người, lúc nào cũng chỉ ngồi một góc trong phòng. Bây giờ, Phụng đã chịu chơi cùng bạn, biết bày tỏ tình yêu thương với mọi người ở trung tâm”, Nguyễn Thị Tuyết Minh, sinh viên Trường ĐH Kinh tế Đà Nẵng, dạy môn ngôn ngữ cử chỉ cho lớp khuyết tật nói. Còn Hậu trước đây bị suy dinh dưỡng, thiểu năng trí tuệ, rất khó khăn trong việc xác định chính xác các đồ vật, nay đã có thể phân biệt được màu sắc, thức ăn, biết chào hỏi, nói cảm ơn và xin lỗi.

“Có lần, mình đến muộn, vừa dựng xe đạp trước cửa, em Cúc chạy ra ôm chầm lấy và gọi “cô ơi, cô!”. Mình cảm thấy thật hạnh phúc”, Hằng tâm sự. Cúc vốn rất khó khăn khi phát âm và mỗi lần như vậy, em thường phải gắng sức và bị đau ở cổ họng.

Ông Lê Tấn Hồng, Giám đốc trung tâm cho biết: “Trước đây, nhiều em không thể cầm bút, nhưng bây giờ đã có thể tự ký tên mình vào danh sách nhận trợ cấp. Từ ngày có các sinh viên tình nguyện, việc học nghề của các em ở trung tâm cũng dễ dàng hơn”. Còn Hằng thổ lộ: “Dù không phải giờ dạy, tụi mình vẫn thường tìm đến trung tâm chơi với các em. Chính qua việc tiếp xúc với những em luôn thiếu thốn tình yêu thương mà mình học được rất nhiều điều, đó là sự quan tâm, chia sẻ, đồng cảm giữa mọi người”.

Bài và ảnh: PHƯƠNG TRÀ

;
.
.
.
.
.