“Đến tháng 6-2014, trường nào không giải quyết được vấn đề đất thì Bộ sẽ báo cáo Chính phủ dừng tuyển sinh, tiến tới giải thể trường”, Thứ trưởng Bộ Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Bùi Văn Ga khẳng định chiều 22-1.
Thứ trưởng Bùi Văn Ga |
Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho biết, 2013 là năm đầu tiên thực hiện Luật giáo dục đại học với mục tiêu hướng tới đổi mới căn bản, toàn diện. Bộ đã thay đổi 36 văn bản hướng dẫn thi hành luật. Đào tạo liên thông, sau đại học, không chính quy… không còn phù hợp với Luật giáo dục đại học. Vì vậy, Bộ đã sửa đổi quy chế đào tạo liên thông cho phù hợp với mục tiêu đào tạo. Theo đó, người tốt nghiệp cao đẳng, trung cấp phải đủ 36 tháng mới được thi liên thông, nếu muốn học luôn sẽ phải tham dự kỳ thi tuyển sinh CĐ, ĐH chính quy do Bộ GD&ĐT tổ chức hàng năm (nếu theo học hệ chính quy) hoặc kỳ thi vừa làm vừa học (nếu theo học hệ vừa làm vừa học).
Trong các đợt thanh tra năm 2012, đa số trường được thanh tra đều vi phạm quy chế, nhưng chủ yếu là không đảm bảo hai yếu tố giáo viên cơ hữu và diện tích xây dựng trên đầu sinh viên. Một số trường ngoài công lập, sau nhiều năm đi vào hoạt động vẫn chưa có đất xây trường đúng như cam kết khi thành lập. Bộ đã xử lý bằng nhiều hình thức, như: giao chỉ tiêu tối thiểu, dừng tuyển sinh, rút quyết định mở ngành, kỷ luật hiệu trưởng…
Hiện Bộ đã phát đi ba thông điệp, thứ nhất, đối với trường chưa đảm bảo chất lượng đào tạo thì tiếp tục đổi mới phương pháp giảng dạy. Thứ hai, cơ sở vật chất không đảm bảo thì phải tăng cường trang bị đầy đủ phương tiện phục vụ quá trình dạy và học. Cuối cùng, Bộ cảnh báo các trường chưa có đất xây dựng phòng học. Đến tháng 6-2014, nếu không giải quyết được việc này thì Bộ sẽ báo cáo Chính phủ dừng tuyển sinh, tiến tới giải thể trường.
Đề cập đến việc một loạt địa phương đang quay lưng với hệ đào tạo dân lập như Hà Nội, Hà Nam…, Thứ trưởng Bùi Văn Ga nhấn mạnh, về nguyên tắc, giá trị của các bằng đại học là như nhau. Tại chức, liên thông hay chính quy thì chương trình giảng dạy là như nhau dù phương pháp dạy khác nhau. Tuy nhiên, thực tế có một số cơ sở đào tạo không đảm bảo, chất lượng sinh viên ra trường thấp khiến nhiều địa phương quay lưng.
Hiện nay, Bộ đã điều chỉnh thông qua quy phạm pháp luật, như thay đổi quy chế thi liên thông để từng bước kéo gần chất lượng đào tạo của hệ này so với chính quy. Quan điểm của Bộ, dù có đào tạo ở hệ nào thì chất lượng đầu ra phải như nhau để đảm bảo nguồn nhân lực chất lượng cao. Khi ấy, xã hội sẽ không quay lưng với bất kỳ hệ đào tạo nào.
Tuy nhiên, cũng phải khẳng định học cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp hay học nghề đều có sứ mệnh riêng. Người nào có nhu cầu học tiếp thì liên thông và được giảm thời gian những môn đã học trước đó. Chính vì vậy, để nhận ưu tiên này thì đầu vào liên thông cũng phải siết chặt, phải chờ đủ 36 tháng để có kinh nghiệm trong công việc, hoặc nếu muốn học ngay thì thi đại học như bình thường.
Theo VnExpress