Trong những năm qua, học sinh người dân tộc Cơtu ở địa bàn hai xã miền núi Hòa Bắc và Hòa Phú (huyện Hòa Vang) được các cấp chính quyền thành phố quan tâm, lo lắng “trọn gói” nơi ăn chốn ở và việc học tại Trường THPT Phạm Phú Thứ.
Em Trần Thị Thanh Duyên, học sinh lớp 10/12 Trường THPT Phạm Phú Thứ: “Các thầy, cô giáo ở trường quan tâm đến chúng em nhiều lắm. Em sẽ cố gắng học giỏi để không phụ lòng thầy cô”. |
Nhờ sự quan tâm đặc biệt này, tình trạng học sinh người Cơtu bỏ học, thất học không xảy ra. Đáng mừng hơn, khi được đến trường học tập như bao bạn bè cùng trang lứa, nhiều em đã nỗ lực vươn lên thi đỗ vào các trường ĐH, CĐ.
“Thầy cô tốt bụng lắm!”
Cũng như bao bạn bè người Kinh cùng trang lứa, từ nửa cuối tháng 8 đến nay, nhiều học sinh người Cơtu ở hai xã Hòa Phú và Hòa Bắc náo nức đến trường. Năm học 2013-2014, Trường THPT Phạm Phú Thứ có 52 học sinh người Cơtu theo học ở các khối lớp 10, 11 và 12 (18 em ở xã Hòa Phú và 34 em ở xã Hòa Bắc). Hầu hết các em được bố trí ăn ở, sinh hoạt miễn phí tại ký túc xá nhà trường.
Sợ các em dao động tinh thần trước môi trường học tập mới, thầy cô, bạn bè còn lạ lẫm, điều kiện học tập xa nhà, trong những ngày đầu nhập học, Ban giám hiệu Trường THPT Phạm Phú Thứ đã cử cán bộ, giáo viên thường xuyên gần gũi, động viên các em học sinh lớp 10. Đến nay, hầu hết các em đã quen dần “ngôi nhà” mới của mình.
Em Trần Thị Thanh Duyên (ở thôn Tà Lang, xã Hòa Bắc), học sinh lớp 10/12, tâm sự những ngày đầu đến trường, em cũng có chút bỡ ngỡ, lạ lẫm và cảm thấy nhớ nhà. Nhưng được các thầy, cô giáo luôn gặp gỡ, động viên, trò chuyện, em đã thấy quen dần. “Thầy cô ở đây tốt bụng lắm, mỗi lần gặp những bài tập nào khó, không hiểu, em hỏi thầy cô bày vẽ rất tận tình. Em sẽ cố gắng học thật tốt sau này thi vào ngành Sư phạm Âm nhạc, trở thành cô giáo về quê dạy nhạc cho các em nhỏ”, Duyên nói.
Khu ký túc xá Trường THPT Phạm Phú Thứ khá sạch đẹp, mỗi học sinh được bố trí một giường nằm. Gặp chúng tôi tại đây, em Nguyễn Văn Hiển (thôn Tà Lang, xã Hòa Bắc), học sinh lớp 11/12, cho biết: “Điều kiện sinh hoạt ở trường tốt lắm, bọn em ở đây như ở nhà. Thầy cô giáo thương tụi em, đêm nào các thầy cô cũng đến dạy bồi dưỡng, phụ đạo cho tụi em mà không lấy tiền đâu”.
Thầy Đinh Thái Quý, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Phạm Phú Thứ cho hay, ngoài việc được hưởng chế độ hỗ trợ chỗ ở miễn phí, tiền ăn khoảng hơn 800.000 đồng/tháng/học sinh theo quy định của UBND thành phố, Ban giám hiệu nhà trường luôn quan tâm, cử cán bộ, giáo viên phụ đạo, bồi dưỡng miễn phí cho các em học sinh người Cơtu trong thời gian ngoài giờ lên lớp, bởi hầu hết các em có học lực hơi yếu. Đáng mừng là trước sự quan tâm, lo lắng của thầy cô, các em rất ngoan hiền và nỗ lực vươn lên trong học tập.
Tìm “đường ra” cho các em
Theo Ban giám hiệu nhà trường, trong kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2013, trường có 3 học sinh người Cơtu trúng tuyển ĐH nguyện vọng 1 vào Trường ĐH Thể dục-Thể thao Đà Nẵng và 1 em đỗ vào hệ CĐ của trường này. Đây là kết quả rất đáng phấn khởi mà từ trước đến nay nhà trường mới đạt được.
Ông Nguyễn Văn Dũng, Trưởng phòng Giáo dục chuyên nghiệp - Giáo dục thường xuyên Sở GD-ĐT cho biết, với những em có sức học yếu không thể thi tuyển sin h ĐH, CĐ như những học sinh người Kinh, Bộ GD-ĐT đã có chế độ cử tuyển dành cho các em. Trên cơ sở phối hợp giữa Sở GD-ĐT và UBND huyện Hòa Vang, trong những năm qua, đã có 14 học sinh người dân tộc Cơtu sinh sống trên địa bàn thành phố đã được cử tuyển đào tạo hệ trung cấp chuyên nghiệp tại Trường CĐ Kỹ thuật Y tế Trung ương 2 (nay là Trường ĐH Kỹ thuật Y Dược Đà Nẵng). Hiện nay, những học sinh này đã được UBND huyện Hòa Vang bố trí việc làm.
Còn theo ông Lê Trung Chinh, Giám đốc Sở GD-ĐT, thành phố và ngành GD-ĐT luôn tạo mọi điều kiện thuận lợi để các em học sinh, nhất là những học sinh người dân tộc Cơtu có cơ hội học tập. Trong thời gian đến, các em học sinh người dân tộc Cơtu sau khi tốt nghiệp THPT tại Trường THPT Phạm Phú Thứ, nếu có nguyện vọng tham gia các khóa học cử tuyển này thì sẽ được tạo điều kiện thuận lợi.
Bài và ảnh: PHƯƠNG CHI