Năm học 2013-2014, toàn thành phố có gần 200.000 học sinh theo học ở các cấp học. Trao đổi với phóng viên Báo Đà Nẵng, ông Lê Trung Chinh Giám đốc Sở GD-ĐT thành phố Đà Nẵng, cho biết ngành GD-ĐT thành phố đã chuẩn bị đầy đủ cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học và các điều kiện cần thiết khác để bước vào năm học mới.
Ông Lê Trung Chinh cho biết:
- Năm 2013, nhờ sự đầu tư của thành phố, của UBND các quận, huyện với tổng kinh phí đầu tư từ ngân sách địa phương là 152,829 tỷ đồng và kinh phí chương trình mục tiêu quốc gia là 17,905 tỷ đồng, đến nay, cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học tại các trường học trên địa bàn thành phố được bảo đảm. Hầu hết các công trình đã được hoàn thành, bàn giao đưa vào sử dụng kịp năm học mới. Toàn ngành GD-ĐT thành phố Đà Nẵng đã chuẩn bị đủ phòng học, không có cơ sở giáo dục nào phải dạy 3 ca hoặc học ở phòng học tạm. Sở GD-ĐT đã tiến hành rà soát tình hình cơ sở vật chất ở tất cả các trường học, kịp thời thay thế những trang thiết bị cũ, lạc hậu, mua sắm mới cho các trường có nhu cầu; trang bị đầy đủ sách giáo khoa, sách tham khảo, báo, tạp chí chuyên ngành cho thư viện nhà trường. Ngành GD-ĐT thành phố bảo đảm không có trường học thiếu cơ sở vật chất, trang thiết bị, đồ dùng dạy học theo chuẩn quy định của Bộ GD-ĐT. Các đơn vị, trường học đã chuẩn bị đầy đủ số lượng bản sách giáo khoa, sách tham khảo phục vụ năm học mới; không có học sinh nào thiếu sách vở, áo quần, thiếu phương tiện đi học.
Sở GD-ĐT đã phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Xây dựng và các sở, ngành liên quan tiến hành rà soát công trình vệ sinh tại tất cả các trường học; tham mưu UBND thành phố đầu tư kinh phí sửa chữa, nâng cấp, xây mới các công trình vệ sinh tại 62 trường trên địa bàn thành phố. Hiện tại, các trường học ở các bậc học, cấp học đều có đầy đủ các công trình vệ sinh theo quy định.
* Những năm gần đây, chất lượng giáo dục phổ thông có những chuyển biến tích cực, nhưng vẫn còn sự chênh nhau khá rõ về chất lượng dạy và học ở các trường nội thành và các trường vùng ven. Ngành GD-ĐT có giải pháp nào để xóa dần tình trạng này?
- Thời gian qua, ngành GD-ĐT thành phố đã tập trung mọi nguồn lực để tích cực đổi mới phương pháp, nâng cao chất lượng giáo dục. Nhờ đó, chất lượng giáo dục ở các trường học trên địa bàn thành phố từng bước được nâng lên. Kết quả xếp loại 2 mặt học lực và hạnh kiểm của học sinh được cải thiện đáng kể, sự chênh lệch chất lượng dạy học giữa các trường nội thành và các trường vùng ven được rút ngắn, sự chênh lệch hiện nay là không đáng kể. Học sinh các trường vùng ven, các trường vùng khó khăn, học sinh con đồng bào dân tộc thiểu số, học sinh khiếm thị đã đạt nhiều giải cao trong các kỳ thi học sinh giỏi, đỗ và đỗ thủ khoa các trường ĐH. Tỷ lệ tốt nghiệp THCS, THPT của các trường trên địa bàn thành phố tương đối đồng đều. Kết quả đó đã khẳng định sự nỗ lực của toàn ngành trong việc nâng cao, điều hòa chất lượng dạy học ở các quận, huyện trên địa bàn thành phố.
Năm học 2012-2013, ngành GD-ĐT đã thực hiện tốt việc luân chuyển cán bộ quản lý tại các trường học. Thời gian đến, Sở GD-ĐT sẽ tiếp tục xây dựng kế hoạch luân chuyển công tác nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục nhằm thực hiện hiệu quả hơn nữa việc đổi mới công tác quản lý, nâng cao chất lượng giáo dục trong toàn ngành.
* Kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2013, số lượng học sinh đỗ thủ khoa tăng hơn năm trước, đây là một tín hiệu đáng mừng. Tuy nhiên, so với các địa phương khác trên cả nước, điểm số môn thi mà các thủ khoa ở Đà Nẵng đạt được còn khá thấp. Ông đánh giá sao về vấn đề này?
- Ngoài số học sinh đoạt giải trong kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia được tuyển thẳng vào các trường ĐH năm 2013, Đà Nẵng có 23 thí sinh đỗ thủ khoa ĐH, tăng 6 em so với năm 2012. Đặc biệt, trong số các em đỗ thủ khoa năm nay có học sinh Trường THPT Ông Ích Khiêm. Điều đó góp phần khẳng định kết quả của việc tập trung nâng cao, điều hòa chất lượng giáo dục giữa các vùng trên địa bàn thành phố của ngành.
Hằng năm, Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục Bộ GD-ĐT đều có thông báo xếp hạng các tỉnh, thành về kết quả thi ĐH. Đến thời điểm hiện tại, Sở GD-ĐT chưa nhận được thông báo của Bộ GD-ĐT về kết quả xếp hạng năm 2013.
* Theo số liệu thống kê của ngành chức năng, tình trạng học sinh, sinh viên vi phạm pháp luật, đạo đức trong thời gian qua có chiều hướng gia tăng, rất đáng quan ngại. Ngành GD-ĐT làm gì để hạn chế tình trạng này?
- Giáo dục đạo đức, lối sống, phòng ngừa, ngăn chặn học sinh, sinh viên vi phạm pháp luật là nhiệm vụ chính trị quan trọng của ngành. Trong công tác chỉ đạo, Sở GD-ĐT thường xuyên yêu cầu các đơn vị, trường học phối hợp chặt chẽ với Công an, chính quyền, các hội, đoàn thể, các tổ chức chính trị xã hội ở địa phương thực hiện tốt nhiệm vụ trọng tâm này.
Trước khi bước vào năm học mới, Sở GD-ĐT đã phối hợp với Công an thành phố tổ chức Hội nghị phòng ngừa học sinh, sinh viên vi phạm pháp luật, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trong và ngoài nhà trường. Sở GD-ĐT đã hướng dẫn các đơn vị, trường học tổ chức “Tuần sinh hoạt tập thể đầu năm học 2013-2014”, trong đó chú trọng các nội dung giáo dục đạo đức, pháp luật cho học sinh như: quán triệt nội quy nhà trường; trích giới thiệu về quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của người học trong Luật Giáo dục và trong Điều lệ nhà trường; quán triệt học sinh thực hiện đúng pháp luật về an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, an toàn giao thông; phòng chống tác hại thuốc lá; phòng chống tệ nạn xã hội; phòng chống dịch bệnh… Tuyên truyền, giáo dục học sinh không được truy cập các thông tin không lành mạnh trên Internet ở các hàng quán cũng như ở nhà riêng; sử dụng Internet, đặc biệt là các trang mạng xã hội như Facebook, Twitter, blog… theo đúng quy định tại Nghị định số 72 ngày 15-7-2013 của Chính phủ về quản lý, cung cấp sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng.
NGỌC ĐOAN thực hiện