.

Xã nghèo, không có học sinh bỏ học

.

Cùng với hàng ngàn học sinh thành phố, các em nhỏ ở xã Hòa Phú (huyện Hòa Vang) rộn ràng mua sắm sách vở, áo quần để bước vào năm học mới. Dẫu còn nhiều khó khăn nhưng con đường đến trường của các em vẫn luôn rộn tiếng cười.

Niềm vui của hai em nhỏ ở thôn Phú Túc (xã Hòa Phú) khi được tặng quà trước năm học mới.
Niềm vui của hai em nhỏ ở thôn Phú Túc (xã Hòa Phú) khi được tặng quà trước năm học mới.

Quyết tâm đến trường

Là hộ nghèo của thôn Phú Túc, xã Hòa Phú, cuộc sống chỉ dựa vào nguồn thu nhập từ bán củi, nuôi heo, mấy năm nay, việc nuôi ba đứa con ăn học đã trở thành áp lực đè nặng trên vai vợ chồng chị Nguyễn Thị Hoa (35 tuổi). Vợ chồng chị Hoa phải tất tả, chạy ngược chạy xuôi kiếm việc làm thêm. Có những tuần anh chị bỏ nhà, bỏ con vào tận rừng sâu để chặt củi thuê.

Chia sẻ với nỗi vất vả của cha mẹ, đứa con đầu - em Đinh Văn Nguyên (học sinh lớp 9 Trường THCS Ông Ích Đường) từ lúc mới lên 8, 9 tuổi đã phải giữ bò, nấu cơm, tắm rửa cho các em khi cha mẹ vắng nhà. Bộ quần áo em mặc lúc gặp chúng tôi đã sờn, rách nhiều chỗ nhưng em bảo chưa bỏ được, vì áo quần sạch, đẹp chỉ mặc lúc đi học và phải giữ gìn hết sức để những năm sau các em còn có mà dùng.
Con đường đến trường của ba anh em Nguyên cũng như nhiều em nhỏ khác ở trên địa bàn xã Hòa Phú dù còn gặp nhiều khó khăn, nhưng gia đình cũng như bản thân các em rất quyết tâm đến với con chữ. Chị Nguyễn Thị Hoa bày tỏ: “Vợ chồng mình vì nghèo mà thất học nên bây giờ phải ráng cho con đến lớp cho bằng bạn bè. Không được đến trường thì thiệt thòi cho tụi nó lắm”.

Giúp học sinh củng cố kiến thức

Ông Đặng Huynh, Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Phú, cho biết đây là một trong những xã nghèo nhất của huyện Hòa Vang. Toàn xã hiện có 139 hộ nghèo, trong đó riêng thôn Phú Túc có 40 hộ nhưng 3, 4 năm trở lại đây xã không có học sinh bỏ học. Năm học mới này, toàn xã có 852 học sinh đến trường, trong đó cấp THCS có 270 em, tiểu học: 347 em và mẫu giáo: 235 em; có 88 em là học sinh đồng bào dân tộc Cơtu. Để có được kết quả này, ngoài quyết tâm của gia đình học sinh, sự quan tâm, hỗ trợ của các cấp chính quyền, còn phải kể đến sự hỗ trợ, chia sẻ của các cá nhân, tập thể trên địa bàn thành phố thông qua những buổi thăm, tặng quà (sách vở, áo quần, giấy bút, tiền mặt…) cho học sinh có hoàn cảnh gia đình nghèo, khó khăn trên địa bàn xã.

Bên cạnh đó, vào dịp hè hằng năm, Đoàn xã Hòa Phú thường xuyên phối hợp cùng các trường ĐH, CĐ trên địa bàn thành phố mở các lớp Ánh sáng văn hóa hè giúp học sinh ôn tập lại văn hóa. Anh Lê Văn Thân - Bí thư Đoàn xã Hòa Phú cho biết: “Hè năm nay, toàn xã mở 4 lớp học Ánh sáng văn hóa hè do các thanh niên tình nguyện của các trường ĐH Bách Khoa, ĐH Kinh tế (ĐH Đà Nẵng) đứng lớp. Chúng tôi đã vận động được 148 học sinh từ lớp 1 đến lớp 9 tham gia ôn tập văn hóa. Trong số này có nhiều em là con em đồng bào dân tộc Cơtu. Đây là đối tượng dễ bỏ học vì các em gặp khó khăn trong việc học tiếng Việt, nếu không được ôn tập khi vào năm học mới, các em dễ không theo kịp những bạn khác”. Những lớp Ánh sáng văn hóa hè không chỉ giúp học sinh củng cố kiến thức mà các tình nguyện viên còn góp phần vận động gia đình và học sinh tự tin đến trường.

Ông Đặng Huynh, Phó Chủ tịch UBND xã Hòa Phú nói: “Dù xã còn nhiều khó khăn nhưng luôn cố gắng hạn chế đến mức tối đa học sinh bỏ học. Em nào không thể học được nữa thì chúng tôi giới thiệu các em đi học nghề. Dù xã không có nguồn hỗ trợ riêng nào cho học sinh nghèo, nhưng chúng tôi luôn vận động, kêu gọi và hỗ trợ từ các tổ chức, cá nhân đến giúp đỡ các em trong học tập. Hiện tại, do phần lớn người dân trong xã có hoàn cảnh gia đình khó khăn, việc đi lại còn cách trở, nên nhu cầu lớn nhất hiện nay của các em trước thềm năm học mới là có sách giáo khoa để học”.

Bài và ảnh: KHÁNH HÒA

;
.
.
.
.
.