.

Nâng chất lượng giáo viên dạy nghề

.

Nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên được xem là giải pháp đột phá để nâng cao chất lượng đào tạo nghề. Nhưng thực tế đội ngũ giáo viên dạy nghề hiện vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu.

Theo khảo sát, đội ngũ giáo viên dạy nghề hiện nay phần lớn có trình độ thạc sĩ và đại học chiếm khoảng 66%; còn lại là cao đẳng, trung cấp và trình độ khác.

Nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên là giải pháp đột phá để nâng cao chất lượng đào tạo nghề. TRONG ẢNH: Một giờ thực hành tại Trường CĐ nghề Đà Nẵng.
Nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên là giải pháp đột phá để nâng cao chất lượng đào tạo nghề. TRONG ẢNH: Một giờ thực hành tại Trường CĐ nghề Đà Nẵng.

Vừa thiếu, vừa yếu

Báo cáo của các cơ sở dạy nghề cho thấy số giáo viên đạt trình độ thợ bậc 7 hoặc tương đương chỉ có 24 giáo viên, bậc 6: 34 giáo viên, bậc 5: 32 giáo viên, bậc 4: 42 giáo viên, bậc 3: 64 giáo viên. Tỷ lệ giáo viên có kỹ năng sư phạm dạy nghề đạt 81,2%.

Theo bà Kiều Thị Thanh Trang, Trưởng phòng Dạy nghề thuộc Sở LĐ-TB&XH, về trình độ kỹ năng nghề và kỹ năng sư phạm hiện tại của đội ngũ giáo viên chưa bảo đảm đủ chuẩn so với quy định (cả 3 tiêu chí: trình độ chuyên môn, kỹ năng nghề và kỹ năng sư phạm). Phần lớn giáo viên dạy nghề chưa đủ khả năng ngoại ngữ để giao tiếp, tự nghiên cứu các tài liệu hoặc tham gia dạy nghề bằng tiếng Anh khi liên kết với các cơ sở dạy nghề ở ngoài nước, trong lúc xu hướng dạy nghề đang tiếp cận đến trình độ khu vực và quốc tế. “Nhiều sinh viên ra trường vẫn chưa thể đứng lớp dạy nghề ngay được vì dạy nghề có những đặc thù riêng, chú trọng yếu tố thực hành nhiều hơn lý thuyết”, bà Trang cho biết.

Thực tế, thời gian qua, công tác đào tạo, bồi dưỡng giáo viên dạy nghề được thường xuyên thực hiện ở các cơ sở dạy nghề. Theo thông tin từ Sở LĐ-TB&XH, hơn 92% giáo viên dạy nghề được cơ sở dạy nghề tổ chức hoặc cử đi đào tạo, bồi dưỡng. Trong đó, hơn 20% được bồi dưỡng về chuyên môn, hơn 18% được bồi dưỡng về kỹ năng nghề và hơn 53% được bồi dưỡng về kỹ năng sư phạm. Tuy nhiên, hầu hết tại những đợt đào tạo này, giáo viên được bồi dưỡng về kỹ năng sư phạm chứ chưa được quan tâm bồi dưỡng về kỹ năng nghề, trong khi điều này lại rất cần thiết. “Chưa có sự liên kết tích cực giữa cơ sở dạy nghề và doanh nghiệp trong công tác đào tạo, bồi dưỡng về kỹ năng nghề cho giáo viên dạy nghề. Giáo viên dạy nghề chưa được bố trí, khuyến khích tham gia vào doanh nghiệp và các cơ sở sản xuất để trau dồi về kỹ năng nghề, bổ sung, cập nhật kiến thức kịp thời, phù hợp là hạn chế hiện nay”, bà Trang nhận định.

Cũng theo bà Trang, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác giảng dạy được tích cực thực hiện thời gian qua nhưng chủ yếu tập trung ở các trường cao đẳng nghề, trung cấp nghề và một số trung tâm dạy các ngành nghề về công nghệ thông tin. Hiện nay công tác hỗ trợ đưa giáo viên đi đào tạo ở nước ngoài, tiếp cận với trình độ đào tạo nghề ở khu vực và quốc tế hạn chế, còn phụ thuộc nhiều vào ngân sách hỗ trợ của Trung ương và địa phương.

Chính sách tiền lương và phụ cấp cho giáo viên dạy nghề cũng thực sự chưa hấp dẫn. “Mình làm việc 7 năm rồi, mức lương chỉ khoảng 4 triệu đồng, cộng thêm tiền ngoài giờ và các khoản khác cũng được khoảng 5-6 triệu đồng/tháng. Sống một mình cũng tạm ổn nhưng nếu có vợ con thì rất chật vật”, thầy Lê Đình Cảnh - giảng viên khoa Điện tử Trường CĐ nghề Đà Nẵng thổ lộ. Thầy Cảnh cho biết thêm, vào những giờ, ngày nghỉ, nhiều giáo viên dạy nghề phải đi dạy thêm hoặc làm thêm ở ngoài mới đủ trang trải cuộc sống. Nếu không có lòng yêu nghề thì rất khó “trụ” được với nghề.

Điều tra của Sở LĐ-TB&XH cho thấy, mức thu nhập cao nhất của giáo viên dạy nghề hiện khoảng 10 triệu đồng/tháng, thấp nhất là 2 triệu đồng/tháng và phụ cấp bình quân khoảng 400.000 đồng/tháng. “Giáo viên dạy nghề được đào tạo ở trình độ thạc sĩ, tiến sĩ cũng được áp dụng mức lương ngang bằng với giáo viên ở trình độ đại học nên không khuyến khích, động viên họ học tập, đào tạo ở trình độ cao hơn” - thầy Hoàng Thanh Xuân, Trưởng phòng Đào tạo Trường trung cấp nghề Giao thông vận tải đường bộ (ở quận Thanh Khê) nói.

Cần giải pháp đồng bộ

Theo tính toán của Sở LĐ-TB&XH, nhu cầu lao động của thành phố và yêu cầu về bảo đảm tỷ lệ qua đào tạo của lực lượng lao động qua các năm thì giai đoạn 2012-2015 cần phải đào tạo gần 155.000 lao động, bình quân 38.000 người/năm. Trong đó, nhu cầu đào tạo nghề bổ sung cho lực lượng lao động giai đoạn 2012-2015 khoảng hơn 100.000 lao động (bình quân 25.000 lao động/năm). Dự báo phát triển đội ngũ giáo viên đến năm 2015 khoảng gần 2.000 người, tăng 18%, trong đó trình độ thạc sĩ, tiến sĩ chiếm tỷ lệ gần 21%, trình độ ĐH, CĐ chiếm hơn 56% và 23% là nghệ nhân, thợ bậc cao, công nhân kỹ thuật chuyên nghiệp.

“Cần đổi mới và phát triển chương trình đào tạo, theo hướng chuyển từ chương trình dạy nghề theo môn học sang chương trình dạy nghề theo mô-đun, đồng thời tăng cường bản lĩnh chính trị, đạo đức nghề nghiệp, tác phong công nghiệp, khả năng tự nghiên cứu của giáo viên”, ông Nguyễn Văn An, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH nói.

Ông An cho biết thêm, đến năm 2020 cần khoảng 500 giáo viên dạy nghề, trong đó gồm 300 giáo viên dạy cao đẳng nghề, khoảng 200 giáo viên dạy trung cấp nghề và khoảng 100 giáo viên dạy sơ cấp nghề. Cơ cấu giáo viên dạy ở các ngành, nghề bảo đảm theo nhóm thương mại - dịch vụ chiếm 73%, nhóm công nghiệp xây dựng chiếm 24% và nhóm nông - lâm - thủy sản chiếm gần 3%...

Ông An cũng cho rằng, điều quan trọng nhất là cần hoàn thiện các chính sách hỗ trợ và thu hút giáo viên dạy nghề. Bảo đảm được tính công bằng về chính sách tiền lương đối với giáo viên dạy nghề thì mới giữ họ ở lại với nghề. Cơ sở dạy nghề muốn tồn tại, phát triển phải có chính sách thu hút và đãi ngộ giáo viên dạy nghề có trình độ chuyên môn, trình độ kỹ năng nghề cao, phù hợp (ưu tiên tuyển dụng; nâng lương trước thời hạn; bổ nhiệm ở vị trí cao hơn, bố trí đứng lớp phù hợp đào tạo, bồi dưỡng...). Phải tạo điều kiện cho đội ngũ giáo viên cũng như cán bộ quản lý dạy nghề nâng cao trình độ chuyên môn theo các chương trình đào tạo của Trung ương và địa phương. Ngoài ra, các cơ sở nghề công lập phải rà soát, bố trí, sắp xếp đội ngũ giáo viên đúng chuyên môn, phù hợp với năng lực, đồng thời không bố trí giảng dạy đối với giáo viên chưa đủ chuẩn về chuyên môn, trình độ kỹ năng nghề và kỹ năng sư phạm...

Bài và ảnh: PHƯƠNG TRÀ

;
.
.
.
.
.