.

Quản hay cấm dạy thêm, học thêm?

Vấn đề dạy thêm, học thêm (DTHT), đặc biệt là ở bậc tiểu học, trên địa bàn thành phố trong thời gian qua gây sự chú ý của dư luận. Chính quyền thành phố cũng đã có quy định cấm DTHT đối với bậc tiểu học, tuy nhiên theo ý kiến của nhiều cử tri, cần một cái nhìn toàn diện và đầy đủ về vấn đề này để có biện pháp quản lý tốt hơn là cấm đoán một nhu cầu thực sự trong xã hội.

Buổi thứ hai biết gửi con ở đâu?

Những trường tiểu học có chất lượng tốt ở trung tâm quận Hải Châu luôn trong tình trạng quá tải học sinh (HS), không đủ phòng học bố trí tất cả các lớp học bán trú 2 buổi/ngày. Do đó có lớp hoặc có khối lớp phải chấp nhận chỉ học 1 buổi/ngày. Nhiều phụ huynh (PH) không thể đón, trông con ở nhà sau buổi học ở trường và có nhu cầu trông giữ con vào buổi thứ hai. Các trung tâm lưu trú HS đáp ứng một phần nhu cầu này, số còn lại do giáo viên đón về nhà hoặc thuê địa điểm đáp ứng nhu cầu này. Theo yêu cầu của PH, không chỉ trông giữ HS buổi thứ hai mà giáo viên còn ôn lại bài đã học buổi trước đó.

Bà Nguyễn Thị Hiền, ở phường Phước Ninh có con học lớp 2 và thuộc diện chỉ được học 1 buổi/ngày tại Trường tiểu học Hoàng Văn Thụ, cho biết: “So với các bạn được học bán trú tại trường thì con tôi thiệt thòi hơn. Vì vậy khi gửi con cho cô giáo chăm sóc, trông giữ vào buổi chiều tôi cũng muốn con mình được học tiếp như các bạn được bán trú ở trường. Chí ít thì cũng được ôn lại bài nó vừa học buổi sáng. Nếu nói như vậy là dạy thêm để cấm thì chúng tôi biết gửi con cho ai”. Nhiều PH phản ánh, tại các trung tâm làm dịch vụ lưu trú HS tiểu học vẫn tổ chức cho giáo viên chủ nhiệm đến dạy cho HS của mình. Họ chỉ tránh mặt, nhường lớp cho các giáo viên dạy ngoại ngữ, kỹ năng sống khi biết có đoàn kiểm tra. Còn các giáo viên phải thuê mặt bằng ở nơi khác thì khó mà tránh được các cuộc kiểm tra.

Kiểm tra dạy thêm như đi bắt tội phạm

Một cán bộ lãnh đạo Phòng Giáo dục-Đào tạo quận Hải Châu cho biết: “Nhu cầu của PH yêu cầu giáo viên chủ nhiệm HS tiểu học (các lớp không được bán trú) trông giữ và ôn bài,

củng cố kiến thức buổi học trước đó cho con họ là rất lớn. Nhưng cấp trên có lệnh cấm thì phải thực hiện. Làm công tác quản lý, tôi không khỏi xót xa mỗi lần đi kiểm tra hoạt động tổ chức dịch vụ lưu trú cho HS tiểu học lại chứng kiến cảnh giáo viên chủ nhiệm đang ôn bài cho HS phải trốn vào nhà vệ sinh tránh mặt đoàn kiểm tra. Hình ảnh đó phản cảm quá! Đi kiểm tra việc thực hiện quy định cấm dạy thêm mà cứ như đi bắt tội phạm vậy. Có quy định cấm nhưng vẫn có biểu hiện đối phó nên đã có dư luận cấm cứ cấm, dạy cứ dạy”.

Cũng theo vị cán bộ này, ý kiến nhiều PH cho rằng, quy định giáo viên không được dạy chính HS của mình, nhất là đối với bậc tiểu học, là không hợp lý bởi các em còn nhỏ, chỉ có giáo viên chủ nhiệm mới hiểu tâm tính từng em trong lớp mình dạy để hướng dẫn các em học bài, ôn bài. Quy định cấm DTHT ở bậc tiểu học dẫn đến một hệ lụy khác là dạy HS nói dối. “Khi đi kiểm tra, chúng tôi từng phát hiện các em HS được cô chủ nhiệm dặn dò khi cô tránh mặt đoàn kiểm tra, nếu được hỏi ai dạy thì nói tên cô chủ nhiệm của lớp khác. Nếu như các trường tiểu học đều đáp ứng được nhu cầu học bán trú cho tất cả các HS thì sẽ không còn những hình ảnh phản cảm này”, vị cán bộ này nói.

Phải quản lý hiệu quả hơn là cấm mà không cấm được

Trao đổi với phóng viên, ông Lê Tự Cường, Chủ nhiệm CLB Thái Phiên, kể lại rằng khi đang là Bí thư Quận ủy Thanh Khê, ông tuyên bố cho phép giáo viên được dạy thêm nhưng phải đi kèm điều kiện: Không được ép HS phải đi học thêm để tổ chức dạy thêm, dạy thêm phải bảo đảm có chất lượng, học phí phù hợp với mức sống trung bình của người dân địa phương và phải miễn phí cho HS nghèo, HS có hoàn cảnh khó khăn. Phòng Giáo dục-Đào tạo có trách nhiệm xây dựng các quy định quản lý dạy thêm, học thêm bảo đảm hạn chế tối đa và có biện pháp xử lý nghiêm khắc những biểu hiện tiêu cực của hoạt động này.

Theo ông Lê Tự Cường, học thêm ở các cấp học nói chung, đặc biệt là nhu cầu trông giữ và dạy thêm cho HS tiểu học không được học bán trú 2 buổi/ngày là có thật, có nhu cầu rất lớn trong xã hội. Nếu cấm một nhu cầu lớn trong đời sống tất yếu sẽ dẫn đến việc đối phó. Hệ lụy của nó là việc “lờn” luật, sự lệch lạc trong hình thành nhân cách của trẻ em khi dạy các em nói dối với đoàn kiểm tra. Thành phố có quy định quản lý về DTHT ở bậc phổ thông nhưng quy định này chưa được bàn kỹ. Ông Cường cho rằng, cần tổ chức một hội thảo chuyên đề về DTHT mà đối tượng tham dự bao gồm chính quyền, ngành giáo dục-đào tạo, PH và những người có tâm huyết với sự nghiệp giáo dục. Hội thảo này phải tập hợp hết ý kiến của những người liên quan để cho ra một quy định quản lý DTHT mà những người có liên quan đều đồng tình chấp nhận được. Nói cách khác, quy định về quản lý DTHT phải đạt được sự “tâm phục, khẩu phục” trong xã hội để quản lý hiệu quả hơn là cấm mà không cấm được.

SƠN TRUNG

;
.
.
.
.
.