Giáo dục

Cụ ông 81 tuổi đăng ký thi cao học

08:17, 07/11/2014 (GMT+7)

Năm nay 81 tuổi, cụ ông Lê Phước Thiệt (sinh năm 1933, ở huyện Đại Lộc, Quảng Nam) vừa đến Trường Đại học Duy Tân (Đà Nẵng) để đăng ký dự thi cao học. Được biết, cụ Thiệt từng tốt nghiệp đại học ở Mỹ khi đã gần 70 tuổi.

Cụ ông Lê Phước Thiệt đến đăng ký dự thi cao học tại ĐH Duy Tân (Đà Nẵng).
Cụ ông Lê Phước Thiệt đến đăng ký dự thi cao học tại ĐH Duy Tân (Đà Nẵng).

Tôi thích câu nói “không bao giờ là quá trễ”

Khi nghe bác của mình là cụ ông Lê Phước Thiệt (81 tuổi) nói muốn đi thi cao học, ông Nguyễn Đình Ba - cháu cụ Thiệt, người đầu tiên trong nhà được cụ Thiệt chia sẻ ý định hết sức ngạc nhiên.

“Không riêng chi tôi, mà cả nhà ai cũng bất ngờ vì ở tuổi này rồi mà bác tôi vẫn còn muốn đi học” - ông Ba nói.

Còn với cụ Thiệt, cụ cho việc này là hết sức bình thường. “Tôi thích câu nói “không bao giờ là quá trễ”” - cụ Thiệt chia sẻ phương châm sống mà ông tâm đắc.

Qua trò chuyện, chúng tôi thấy quả thật cụ Thiệt nói là làm thiệt. Định cư ở Mỹ một thời gian dài vừa đi làm vừa tự học, đến khi sắp xếp được, cụ bắt đầu đi học và tốt nghiệp đại học chuyên ngành Tài chính ở Mỹ vào năm 2001 khi đã gần 70 tuổi.

Tốt nghiệp đại học ở tuổi 70, cụ Thiệt bắt đầu muồn trở về Việt Nam. “Ở tuổi gần đất xa trời, tôi như con cá hồi lội ngược dòng muốn về quê cũ. Quê tôi ở Đại Lộc, Quảng Nam”. Vừa về quê hẳn hồi năm ngoái (2013), năm nay, cụ Thiệt đăng ký đi thi cao học.

Theo quy định, ngoại trừ môn Ngoại ngữ được miễn vì cụ Thiệt đã có bằng đại học toàn phần ở nước ngoài, cụ phải dự thi 2 môn chuyên ngành để thi vào cao học ngành Quản trị Kinh doanh ở ĐH Duy Tân

"Ở tuổi mình, tôi đâu còn thi cử,học hành vì cơm áo, danh vị gì nữa mà áp lực. Tôi học trước hết là cho bản thân mình" - cụ Thiệt chia sẻ.

“Ở tuổi đó, ông cố, ông nội còn muốn đi học. Con trẻ không lý gì mà lười học”

“Ông có thấy áp lực khi phải ôn thi và dự thi không ạ?” - chúng tôi hỏi. Cụ Thiệt nói giọng hào sảng: “Không, tôi thấy hoàn toàn thoải mái. Tôi đâu thi cử, học hành vì cơm áo, danh vị gì nữa mà áp lực. Tôi đi học trước hết là cho bản thân mình. Tôi học để trí não được “tập thể dục”, giữ cho tinh thần minh mẫn. Cũng như sức khỏe của mình, mình phải tập thể dục, thấy đau yếu chỗ nào là đi khám bệnh liền. Phòng bệnh hơn chữa bệnh. Tôi muốn học về Triết học ở cái tuổi chiêm nghiệm cuộc đời. Nhưng ở đây tôi đăng ký ngành Quản trị Kinh doanh, phù hợp với chuyên ngành đại học của tôi. Không có cơ hội học Triết, tôi hơi tiếc. Tôi đọc sách vậy”.

Về phía người nhà, ông Ba - cháu cụ Thiệt nói dù bất ngờ nhưng gia đình luôn luôn ủng hộ và tin tưởng bác. Ngoài 80 tuổi, cụ Thiệt vẫn rất mạnh khỏe, minh mẫn. Điều này có thể nhận thấy khi chúng tôi có duyên được gặp và nghe cụ chuyện trò. 

Khi chúng tôi bày tỏ muốn chia sẻ câu chuyện của cụ trên báo, cụ Thiệt nói rằng cụ không muốn lên báo.

“Tôi thấy việc của tôi hết sức bình thường. Tôi mới đăng ký dự thi thôi. Tôi đã đỗ vào cao học đâu” - cụ Thiệt nói.

Nhưng chúng tôi mạo muội xin phép cụ Thiệt được chia sẻ câu chuyện đến bạn đọc như là một câu chuyện người thật việc thật về tấm gương học tập suốt đời của cụ.

“Người ta nói ra đường hỏi người già, về nhà hỏi trẻ nhỏ. Ông có muốn nhắn nhủ gì với những người trẻ không ạ?”- chúng tôi hỏi. Cụ Thiệt trải lòng: “Tôi không dám nhắn nhủ ai. Nhưng ở ngay trong nhà mình. Tôi vui vì các con tôi học hành đỗ đạt, thành người có ích cho xã hội, đúng câu: “con hơn cha, nhà có phúc”.

Và con tôi khi dạy các cháu, chắt tôi (cụ Thiệt đã có cháu gọi bằng cố), có thể nói với bọn trẻ rằng ở tuổi đó, ông cố, ông nội còn muốn đi học. Con trẻ như thế không có lý gì mà lười học”.

Theo Dân trí

.