.

Khẳng định uy tín của đại học vùng trọng điểm quốc gia

.

Ngày 15-11, ĐH Đà Nẵng tổ chức lễ kỷ niệm 20 năm ngày thành lập (1994-2014). Trao đổi với phóng viên Báo Đà Nẵng, PGS,TS Trần Văn Nam, Giám đốc ĐH Đà Nẵng, cho biết, ngày 4-4-1994, cùng với hai ĐH Quốc gia ở hai đầu đất nước, 3 ĐH vùng (ĐH Thái Nguyên, ĐH Huế và ĐH Đà Nẵng) đã ra đời, đánh dấu một bước chuyển mình mạnh mẽ, một chặng đường mới của giáo dục ĐH Việt Nam.

PGS,TS Trần Văn Nam trao giấy khen cho sinh viên Trường ĐH Ngoại ngữ tốt nghiệp loại xuất sắc, loại giỏi.
PGS,TS Trần Văn Nam trao giấy khen cho sinh viên Trường ĐH Ngoại ngữ tốt nghiệp loại xuất sắc, loại giỏi.

* Trong những ngày đầu thành lập, ĐH Đà Nẵng gặp những khó khăn, thách thức như thế nào và ĐH Đà Nẵng đã làm gì để vượt qua những trở ngại ấy, thưa ông?

- Những ngày đầu thành lập, ĐH Đà Nẵng chỉ có vài trường thành viên được hình thành trên cơ sở chủ yếu từ 1 trường ĐH, 1 cơ sở ĐH Ngoại ngữ, 1 trường CĐ và 1 trường công nhân kỹ thuật. Lúc đó, tình trạng giảng viên trình độ ĐH dạy sinh viên ĐH còn nhiều ở các đơn vị. Cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học, nghiên cứu… ở các đơn vị thành viên khó khăn, thiếu thốn.

Để khắc phục những khó khăn trên, lãnh đạo ĐH Đà Nẵng qua các thời kỳ đã có những giải pháp quyết liệt đẩy mạnh đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học và nâng cao trình độ của đội ngũ cán bộ, giảng viên phục vụ công tác giảng dạy, nghiên cứu. Nhờ đó, hiện ĐH Đà Nẵng có 1.546 giảng viên/2.303 cán bộ, viên chức; trong đó có 63 GS và PGS, 290 TSKH và TS, 939 thạc sĩ. Giảng viên có trình độ sau ĐH là 1.229/1.546 (79,5%); giảng viên có trình độ TS là 290/1.546 (18,75%), trong đó ĐH Bách khoa và ĐH Kinh tế có số tiến sĩ trên 30%.

Ngày nay, ĐH Đà Nẵng là ĐH vùng trọng điểm quốc gia, đào tạo đa lĩnh vực, đa cấp, đa ngành ở khu vực miền Trung - Tây Nguyên, với 9 cơ sở giáo dục thành viên và đơn vị đào tạo trực thuộc gồm các trường: ĐH Bách khoa, ĐH Kinh tế, ĐH Sư phạm, ĐH Ngoại ngữ, CĐ Công nghệ, CĐ Công nghệ thông tin, Phân hiệu ĐH Đà Nẵng tại Kon Tum, Viện Nghiên cứu và đào tạo Việt - Anh, khoa Y Dược.

Các thư viện điện tử, viện nghiên cứu, ký túc xá, nhà tập luyện thể dục - thể thao…, với tổng giá trị được tài trợ lên đến vài chục triệu USD, đã góp phần làm thay đổi diện mạo của ĐH Đà Nẵng; tạo điều kiện thuận lợi để cán bộ, giảng viên, nghiên cứu sinh, học viên cao học, sinh viên nghiên cứu, giảng dạy và học tập.

* Qua 20 năm xây dựng và phát triển, ĐH Đà Nẵng đã có được những thành tựu gì trong lĩnh vực đào tạo và nghiên cứu?

- Thực tế, một bộ phận không nhỏ trí thức được ĐH Đà Nẵng đào tạo đã và đang đảm nhận những trọng trách trên nhiều lĩnh vực chính trị, kinh tế, khoa học, kỹ thuật, văn hóa, giáo dục thuộc các cấp Trung ương và địa phương. Đại đa số cựu sinh viên của trường đã phát huy khả năng, trí tuệ của mình, góp phần xứng đáng vào công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.  

20 năm qua, quy mô, chất lượng đào tạo của ĐH Đà Nẵng ngày càng phát triển, nâng cao. Năm 1996, ĐH Đà Nẵng chỉ có 55 mã ngành đào tạo, với quy mô 15.340 sinh viên; đến nay đang tổ chức đào tạo 18 chuyên ngành TS, 33 chuyên ngành thạc sĩ, 109 chuyên ngành ĐH, 30 chuyên ngành CĐ và 15 chuyên ngành TCCN.

Quy mô đào tạo của ĐH Đà Nẵng hiện nay là 85.000 sinh viên và 3.400 nghiên cứu sinh, học viên cao học, tăng gần 6 lần so với ngày đầu thành lập. ĐH Đà Nẵng đã áp dụng hệ thống đào tạo tín chỉ từ năm 2006 và là một trong những ĐH đầu tiên ở Việt Nam tham gia hệ thống kiểm định chất lượng đào tạo của Việt Nam cũng như một số chương trình theo tiêu chuẩn quốc tế.

Đến nay, ĐH Đà Nẵng đã có 9 bằng độc quyền, phát minh sáng chế; thực hiện 2.513 đề tài các cấp, ứng dụng vào thực tiễn sản xuất và đời sống hiệu quả. Trong đó, có 5 đề tài cấp Nhà nước, 1 đề tài nghị định thư, 4 dự án ươm tạo công nghệ, 28 đề tài nghiên cứu cơ bản (Nafosted), 52 đề tài cấp Bộ trọng điểm, 590 đề tài cấp Bộ, 1.779 đề tài cấp cơ sở, 49 đề tài thực hiện tại các tỉnh, thành phố miền Trung - Tây Nguyên.

* Hoạt động hợp tác quốc tế có vai trò, ý nghĩa quan trọng trong việc chia sẻ kinh nghiệm đào tạo, nâng cao trình độ nguồn nhân lực, hội nhập thị trường lao động với thế giới… Vậy công tác này được ĐH Đà Nẵng thực hiện như thế nào và hiệu quả ra sao, thưa ông?

- ĐH Đà Nẵng đã thiết lập quan hệ với hơn 100 trường ĐH, viện nghiên cứu và các tổ chức quốc tế, trong đó có nhiều ĐH trong top 100 của thế giới. Nhiều dự án đầu tư lớn, có chiều sâu đã giúp các trường cải thiện cơ sở vật chất, nâng cao năng lực đội ngũ, cập nhật chương trình đào tạo, đổi mới giáo trình và phương pháp đào tạo. Song, điều quan trọng hơn cả là thành quả của hoạt động hợp tác quốc tế đã tạo những bước đột phá trong hoạt động nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ về đào tạo, quản lý đào tạo.

ĐH Đà Nẵng đã tiếp nhận, đào tạo ĐH và sau ĐH cho hàng nghìn sinh viên quốc tế các nước Lào, Trung Quốc; tiếp nhận nhiều sinh viên Hàn Quốc, Nhật Bản, Na Uy, Nga, Pháp, Đức, Úc... thực tập ngắn hạn. Mỗi năm, đơn vị gửi hàng trăm giảng viên, sinh viên ra nước ngoài học tập thông qua các chương trình hợp tác song phương, các giảng viên trẻ được đào tạo sau ĐH theo hướng hình thành các nhóm giảng dạy - nghiên cứu (TRT).

ĐH Đà Nẵng và các ĐH quốc tế đối tác đã phối hợp thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học chung kết hợp với đào tạo nghiên cứu sinh theo hình thức đồng hướng dẫn; thực hiện các chương trình đào tạo liên kết “Twinning programs” tại ĐH Đà Nẵng. Việc duy trì mối quan hệ hợp tác như vậy đã tạo điều kiện thuận lợi cho các bên giao lưu văn hóa với nhau. Hợp tác quốc tế là một trong những hướng đi đưa ĐH Đà Nẵng từng bước hòa nhập hệ thống các trường ĐH khu vực và thế giới, từng bước nâng vị thế nhà trường lên một tầm cao mới.

* Định hướng phát triển của ĐH Đà Nẵng trong những năm tới như thế nào?

- ĐH Đà Nẵng đặt mục tiêu năm 2020 trở thành ĐH định hướng nghiên cứu; tiếp tục giữ ổn định quy mô, nâng cao chất lượng đào tạo bậc ĐH, phát triển quy mô bậc sau ĐH kết hợp với mở rộng nghiên cứu khoa học, kiểm định chất lượng các chương trình đào tạo theo tiêu chuẩn Việt Nam và quốc tế. Bước đầu phân tầng đào tạo ĐH theo hướng tinh hoa và phổ cập, phân luồng đào tạo sau ĐH theo hướng nghiên cứu và hướng chuyên nghiệp; từng bước thực hiện liên thông chương trình đào tạo với các trường ĐH có uy tín trên thế giới.

ĐH Đà Nẵng tiếp tục thực hiện chủ trương nhân rộng mô hình các nhóm giảng dạy - nghiên cứu (TRT) ở tất cả các cơ sở giáo dục thành viên. Các trường cần chọn một số ngành phù hợp để phát triển để đến chậm nhất 2015 phải xây dựng được và đưa vào hoạt động các nhóm TRT. Các nhóm này sẽ được ĐH Đà Nẵng đầu tư đồng bộ cả về cơ sở vật chất lẫn năng lực đội ngũ để làm hạt nhân phát triển công tác nghiên cứu khoa học tại các trường. Đối với những ngành đã thành lập được nhóm TRT, ĐH Đà Nẵng sẽ tạo điều kiện tổ chức đào tạo chương trình tiên tiến, đào tạo chất lượng cao. Theo đó, nghiên cứu khoa học sẽ là nhiệm vụ bắt buộc đối với giảng viên.

ĐH Đà Nẵng tiếp tục xây dựng các cơ sở mới tại Làng ĐH Đà Nẵng; nâng cấp các cơ sở các trường thành viên; đồng thời chuẩn bị các bước cần thiết để phát triển Viện Nghiên cứu và đào tạo Việt - Anh, khoa Y Dược để sang nhiệm kỳ tới thành lập Trường ĐH quốc tế Việt - Anh và Trường ĐH Y Dược trong lòng ĐH vùng ĐH Đà Nẵng.

Qua 20 năm xây dựng và phát triển, với những đóng góp cụ thể, thiết thực vào sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước nói chung và sự nghiệp GD&ĐT nước nhà nói riêng, ĐH Đà Nẵng đã nhận được Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ năm 2000; Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng nhất năm 2004, Huân chương Độc lập hạng ba năm 2010.

NGỌC ĐOAN thực hiện

;
.
.
.
.
.
.