Giáo dục

Nghề yêu trẻ

08:06, 21/11/2014 (GMT+7)

“Từ lúc bé khóc thét, níu áo mẹ không chịu vào lớp, cho đến lúc bé tung tăng theo cô rồi say sưa đọc thơ, kể chuyện là một hành trình khó đong đếm hết nhọc nhằn của cô giáo. Nhưng khi được nhìn các con cười, thấy các con khỏe, mọi vất vả đều xua tan”.

Các bé được cô giáo hướng dẫn sấy tay.
Các bé được cô giáo hướng dẫn sấy tay.

Lời tâm sự của một cô giáo Trường Mầm non 20-10 cũng là tình cảm chung của những giáo viên chọn nghề dạy trẻ - một nghề của yêu thương, khi tất cả những gì các bé có được lần đầu chập chững đến trường đều xuất phát từ tình yêu “như mẹ hiền”.

Nâng niu đôi bàn tay bé

Với các cô giáo Trường Mầm non 20-10, tình yêu trẻ được thể hiện trong sự quan tâm đặc biệt đến đôi bàn tay non nớt của các bé. Ở ngôi trường này, bài học rửa tay bằng xà phòng, lau tay bằng khăn diệt khuẩn và sấy tay khô ráo gần như nằm lòng với mỗi bé, từ độ tuổi lớp trẻ đến sắp tốt nghiệp ra trường.
Hầu như trẻ ở trường nào cũng được làm quen việc rửa tay từ sớm, nhưng 100% lớp học và nơi vệ sinh chung có máy sấy tay thì trong khối mầm non công lập trên địa bàn thành phố hầu như chỉ có Trường Mầm non 20-10 thực hiện.

Sau bữa ăn chiều, các cháu lớp Bé (dành cho độ tuổi 24-36 tháng) lần lượt xếp hàng rửa tay rồi hong khô dưới máy tự động gắn ngay cửa ra vào. Đó là hình ảnh quen thuộc của lớp Bé và của tất cả 15 nhóm lớp trong ngôi trường này, từ đầu giờ vào lớp đến lúc bố mẹ đón về.

Để bé có đôi bàn tay sạch sẽ nhất, trường trang bị thêm vòi nước cảm ứng và tủ hấp khăn tiệt trùng. Khăn được đưa vào lớp bằng xe đẩy chuyên dụng. Mỗi lớp còn có hai thùng chứa hai loại khăn trước và sau sử dụng. Nhờ đó, thành quả các cô giáo nhận được là những năm học qua, dù trường có đến trên 500 trẻ nhưng hầu như các cháu không bị ảnh hưởng bởi bệnh dịch, những bệnh lây qua đường tiếp xúc như tay, chân, miệng, mắt đỏ, thủy đậu hay tiêu chảy.

Việc trang bị đủ máy sấy tay cho học sinh không là yêu cầu bắt buộc của ngành giáo dục thành phố. Đặc biệt, nguồn mua thiết bị không được ngân sách cung cấp, nhưng với mong muốn mọi trẻ đều có đôi bàn tay sạch, thơm nên nhà trường đã có cách làm riêng. Cô Nguyễn Thị Hồng Phấn, Hiệu trưởng Trường Mầm non 20-10 chia sẻ: “Tôi cũng có con nhỏ và luôn mong các con có ý thức vệ sinh sớm, đúng cách. Thế nên, từ đầu năm 2013, nhà trường đã sắm đồng bộ máy sấy tay với giá gần 3 triệu đồng/chiếc cho tất cả các lớp theo hình thức xã hội hóa. Bàn tay là nguồn lây bệnh chính. Do đó, để bé khỏe phải bắt đầu từ việc nâng niu đôi bàn tay”.

Tự hào về trường

Từ những cách làm riêng mang lại hiệu quả trong việc chăm sóc trẻ, ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11 năm nay, Trường Mầm non 20-10 vinh dự đón Bằng công nhận trường đạt chuẩn quốc gia mức độ II - mức cao nhất dành cho khối mầm non cả nước.

Trường Mầm non 20-10, tiền thân là cơ sở chăm sóc trẻ của Hội LHPN tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng thành lập từ năm 1975, đến nay trở thành ngôi trường đạt chuẩn quốc gia mức độ II với 15 nhóm lớp, 500 trẻ và 59 cán bộ, công nhân viên. Đi qua gần 40 năm lịch sử, thành tích nhà trường vì thế cũng dày thêm theo thời gian. Khó có thể giới thiệu đầy đủ những Huân chương Lao động hạng nhì, hạng ba, Bằng khen của Chính phủ, Bộ, ngành và UBND thành phố mà trường đạt được trong một bài viết. Trong khi đó, với các cô giáo, phần thưởng xứng đáng nhất có khi chỉ được gom vào một điều: các con cảm thấy thích thú khi đến lớp.

Đến với trường 6 năm nay, cô Hà Thị Hoài, người được phân công đón những bé “mắt ướt nhạt nhòa” lần đầu tới lớp tâm sự: Đã chọn nghề giáo viên mầm non thì đồng nghĩa với chọn những công việc đôi khi rất lặt vặt, không tên. Nhất là các bé mới đi học bao giờ cũng khóc quấy, nên có khi cô đứng không xong, ngồi cũng không yên. Nói vậy thôi, nhưng khi nghe các con líu lo chuyện trò thì cô lại yêu nghề hơn bao giờ hết.

Từ nhỏ, nhà ở cạnh trường mầm non nên cô Hoài đã mơ ước trở thành giáo viên dạy trẻ. Hỏi về cảm xúc khi cùng trường đón chuẩn mới, cô Hoài nở nụ cười sáng rỡ: “Tự hào lắm chứ, vì ước mơ làm cô giáo mầm non của tôi không chỉ thành hiện thực, mà tôi còn được dạy trong ngôi trường có đủ điều kiện chăm sóc trẻ. Tôi càng phải nỗ lực để phù hợp với danh hiệu có được”.

Không riêng cô Hoài, các cô giáo Trường Mầm non 20-10 đều có những nỗ lực không ngừng. Bằng chứng là những giải cao trong các cuộc thi giáo viên giỏi cấp thành phố đều “rơi” vào tay các cô. Không bằng lòng với kết quả đạt được, mỗi năm, các cô còn tự bỏ tiền riêng tổ chức những chuyến đi học hỏi kinh nghiệm, phương pháp dạy học ở các trường bạn, với mong muốn gặt hái “thành tích” lớn hơn. Đó đơn giản chỉ là để học sinh của mình mỗi ngày lớn khôn, chăm ngoan, học giỏi.

Ngày 20-11, Trường Mầm non 20-10 tổ chức lễ đón Bằng công nhận trường mầm non đạt chuẩn quốc gia mức độ II. Trước đó, năm 2007, trường đã được công nhận đạt chuẩn quốc gia mức độ I.

Để đạt được thành quả như trên, bên cạnh việc nâng cấp cơ sở, trang thiết bị, nhà trường còn thực hiện nhiều biện pháp nâng cao chất lượng chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ thông qua các chuyên đề: giáo dục an toàn giao thông, kỹ năng sống, phát triển thể chất, tiết kiệm năng lượng, bảo vệ tài nguyên môi trường. Trường được đánh giá là đơn vị trọng điểm trong công tác phổ cập giáo dục mầm non trên địa bàn và thực hiện việc kiểm định chất lượng giáo dục.

Bài và ảnh: THU HOA

.