Giáo dục

Thi tốt nghiệp THPT quốc gia năm 2015

Văn, Sử, Địa sẽ ra dạng câu hỏi mở

07:49, 19/03/2015 (GMT+7)

Ngày 18-3, Bộ GD&ĐT có công văn gửi các Sở GD&ĐT trên cả nước hướng dẫn ôn tập kỳ thi THPT quốc gia năm 2015.

Theo đó, Bộ GD&ĐT yêu cầu các Sở GD&ĐT tổ chức học tập quy chế thi tốt nghiệp THPT quốc gia 2015 cho cán bộ quản lý, giáo viên, học sinh, phổ biến quy chế thi đến phụ huynh, chuẩn bị tốt các điều kiện để triển khai thực hiện quy chế. Chỉ đạo các trường THPT, các trung tâm giáo dục thường xuyên (TTGDTX) hoàn thành chương trình lớp 12 theo đúng kế hoạch của các Sở GD&ĐT.

Tuyệt đối không được cắt xén chương trình đã quy định. Tổ chức nghiêm túc việc kiểm tra, đánh giá, xếp loại học sinh học kỳ II và cả năm học theo đúng quy định, bảo đảm khách quan, trung thực, công bằng, đánh giá đúng năng lực thực chất của học sinh.

Trong công văn hướng dẫn, Bộ GD&ĐT nêu rõ, nội dung thi THPT quốc gia năm 2015 nằm trong chương trình THPT, chủ yếu là chương trình lớp 12. Bộ GD&ĐT không phát hành tài liệu ôn tập kỳ thi THPT quốc gia và không có quy định bắt buộc giáo viên, học sinh phải sử dụng tài liệu tham khảo cụ thể nào. Việc ôn tập cần chú ý các yêu cầu chỉ đạo mới về dạy và học đã nêu tại nhiệm vụ hướng dẫn năm học.

Trong đó, đối với các môn khoa học xã hội và nhân văn, cần tiếp tục nâng cao yêu cầu vận dụng kiến thức vào thực tiễn, tăng cường ra các câu hỏi mở, gắn với thời sự quê hương, đất nước để học sinh được bày tỏ chính kiến của mình về các vấn đề kinh tế, chính trị, xã hội. Đối với môn ngoại ngữ, cần coi trọng việc dạy học theo định hướng phát triển năng lực giao tiếp với các kỹ năng nghe, nói, đọc, viết.

Cũng theo yêu cầu của Bộ GD&ĐT, các trường THPT, các TTGDTX chỉ đạo giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn phải thống nhất với học sinh và cha mẹ học sinh để sắp xếp thời gian ôn tập hợp lý, bảo đảm sức khỏe của học sinh, ôn tập hiệu quả nhưng không gây quá tải. Việc tổ chức học thêm nếu có để phục vụ ôn thi phải thực hiện đúng quy định của Bộ GD&ĐT và địa phương, đặc biệt là bảo đảm tính tự nguyện của học sinh và tính hiệu quả của nội dung dạy học.

PHƯƠNG CHI

.