Giáo dục
Tháo gỡ những băn khoăn, lo lắng của thí sinh
ĐNĐT - Sáng 15-3, tại Trường THPT Phan Châu Trinh, Bộ GD&ĐT, Sở GD&ĐT thành phố Đà Nẵng và Báo Tuổi trẻ phối hợp tổ chức Chương trình tư vấn tuyển sinh hướng nghiệp 2015 dành cho hơn 4.000 học sinh trên địa bàn thành phố Đà nẵng và tỉnh Quảng Nam. Tại đây, các em học sinh đã được các thầy cô trong Ban tư vấn tuyển sinh giải đáp chu đáo những băn khoăn, thắc mắc về các thông tin tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2015.
Thí sinh bày tỏ những băn khoăn, thắc mắc với các thầy cô trong Ban tư vấn tuyển sinh. |
Tạo điều kiện thuận lợi cho thí sinh
Mở đầu buổi tư vấn, các chuyên gia tư vấn đến từ Bộ GD&ĐT, các trường ĐH ở Thành phố Hồ Chí Minh, ĐH Đà Nẵng, ĐH Huế đã nhận được rất nhiều câu hỏi của thí sinh liên quan đến kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2015.
Trong đó, những câu hỏi xung quanh việc tổ chức cụm thi, hồ sơ đăng ký dự thi được thí sinh quan tâm nhiều. Em Vũ Lê Ngọc Bích, học sinh Trường THPT Phan Châu Trinh hỏi: Xin các thầy cô cho biết, năm nay thí sinh có phải làm hồ sơ đăng ký như năm trước không? Điểm thi, cụm thi được tổ chức như thế nào?
Trả lời câu hỏi này, ông Nguyễn Văn Dũng, Trưởng phòng Giáo dục chuyên nghiệp - Giáo dục thường xuyên Sở GD&ĐT thành phố Đà Nẵng cho biết, theo kế hoạch năm nay tại cụm Đà Nẵng, các em thi cùng với các bạn ở tỉnh Quảng Nam. Để công tác tuyển sinh thuận lợi, đúng quy chế, sắp tới Sở GD&ĐT tổ chức hội nghị tuyển sinh cho các trường. Trên cơ sở đó, nhà trường hướng dẫn các em tỷ mỉ, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất cho học sinh làm hồ sơ. Vì thế, các em cứ yên tâm.
Liên quan đến chương trình đào tạo của các trường ĐH, một thí sinh đến từ Trường THPT Trần Phú hỏi: Em biết ĐH Đà Nẵng cho phép sinh viên học cùng lúc hai chương trình đào tạo ĐH chính quy. Vậy còn trường ĐH nào có chương trình đào tạo tương tự như thế không? TS. Phạm Tấn Hạ (Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn Thành phố Hồ Chí Minh) khuyên: Nếu trường hợp em học ĐH chuyên ngành Ngoại ngữ thì nên chú tâm học thật giỏi ngoại ngữ đó. Sau này có điều kiện thì học tiếp một ngoại ngữ khác. Bởi lẽ, nếu học cùng lúc hai ngành Ngoại ngữ nhưng không giỏi ngành nào thì sẽ khó trong công việc.
Bổ sung phần trả lời câu hỏi này, TS. Giang Thị Kim Liên, Phó ban Đào tạo ĐH Đà Nẵng cho biết, mấy năm qua ĐH Đà Nẵng cho phép sinh viên học cùng lúc hai chương trình ĐH chính quy tại các trường thành viên. Điều kiện là chương trình ĐH chính quy thứ hai cùng khối thi mà thí sinh dự thi trước đó.
Nhiều thí sinh bày tỏ lo lắng với phần thi tự luận môn Ngoại ngữ trong đề thi THPT quốc gia năm nay, bởi các em lâu nay được thầy cô luyện thi theo hình thức trắc nghiệm. Trong khi đó, việc thi tự luận môn Ngoại ngữ được Bộ GD&ĐT công bố quá muộn. Giải đáp băn khoăn này của thí sinh, các thầy cô trong Ban tư vấn nhận định rằng, Bộ GD&ĐT chỉ mới thăm dò, chứ chưa quyết định cụ thể. Nếu có thêm phần thi tự luận trong môn Ngoại ngữ thì cũng yêu cầu ở mức độ vừa phải.
Cân nhắc kỹ khi đăng ký xét tuyển
Ngoài những thắc mắc trong việc đăng ký dự thi, chính sách ưu tiên…, nhiều thí sinh và phụ huynh cũng rất quan tâm đến việc đăng ký xét tuyển, chính sách tuyển thẳng đối với học sinh giỏi quốc gia.
Em Phạm Thị Lệ, học sinh Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn băn khoăn hỏi: Vừa qua em đoạt giải ba môn Văn học sinh giỏi quốc gia và dự định xét tuyển thẳng vào ngành Báo chí và Truyền thông - Trường ĐH Khoa học xã hội và Nhân văn Thành phố Hồ Chí Minh. Không biết liệu có được không?
Với câu hỏi này, TS. Phạm Tấn Hạ cho biết, ngành Báo chí và Truyền thông - Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐH Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh) hằng năm có số lượng thí sinh đoạt giải học sinh giỏi quốc gia xét tuyển thẳng rất nhiều. Nên việc trúng tuyển hay không còn phụ thuộc vào số lượng thí sinh đăng ký xét tuyển thẳng. Bổ sung cho phần trả lời này, một cán bộ đại diện ĐH Huế cho biết, Trường ĐH Khoa học Huế có đào tạo ngành Báo chí, với kết quả đoạt giải ba môn Văn học sinh giỏi quốc gia, nếu em Lệ đăng ký xét tuyển thẳng thì khả năng trúng tuyển sẽ cao.
Trước những thay đổi trong tuyển sinh vào các trường ĐH quân đội, anh Đỗ Xuân Chót (phụ huynh có con học ở Trường THPT Phan Châu Trinh) hỏi: Tôi có nguyện vọng cho con trai vào học trường quân đội, nhưng không rõ khối trường này yêu cầu những gì? TS. Phạm Tấn Hạ giải đáp, thí sinh muốn dự tuyển vào các trường quân đội, công an, trước hết phải đảm bảo về tiêu chuẩn lý lịch gia đình, bản thân và người thân không vi phạm pháp luật, có đủ tiêu chuẩn sức khỏe, cân nặng, chiều cao, học lực… Song, phụ huynh và thí sinh cần lưu ý, ngoài những tiêu chuẩn trên, những trường này có điểm chuẩn khá cao, nên phải cân nhắc kỹ khả năng của mình có đủ sức dự tuyển hay không.
Cũng liên quan đến việc đăng ký dự tuyển, một học sinh đến từ Trường THPT Hoàng Hoa Thám hỏi: Em dự định xét nguyện vọng 1 vào ngành Sư phạm Tiểu học - Trường ĐH Sư phạm (ĐH Đà Nẵng), đồng thời đăng ký thêm 3 nguyện vọng bổ sung cũng ở trường này. Vậy, điểm chuẩn xét 3 nguyện vọng bổ sung có cao hơn không? TS. Giang Thị Kim Liên trả lời: Khi xét tuyển ĐH, trong nguyện vọng 1 thí sinh được cấp 4 phiếu điểm để xét tuyển ngành. Nếu thí sinh xét nguyện vọng 1 không đạt, sẽ được cấp thêm 3 phiếu điểm để xét vào trường khác. Để biết rõ điểm chuẩn xét tuyển vào trường, vào ngành của các trường thành viên ĐH Đà Nẵng những năm trước, thí sinh có thể tham khảo trên trang mạng điện tử của ĐH Đà Nẵng hoặc các trường ĐH thành viên.