Giáo dục

Sinh viên đam mê nghiên cứu khoa học

07:21, 18/05/2015 (GMT+7)

Công tác nghiên cứu khoa học (NCKH) ngày càng được sinh viên của nhiều trường đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ) trên địa bàn thành phố hăng hái tham gia, nhất là tại Trường ĐH Bách khoa, ĐH Đà Nẵng; từ đó, giúp sinh viên thể hiện được kiến thức, tài năng và khả năng sáng tạo của mình. Đồng thời, sự thành công của các đề tài, dự án góp phần đáng kể trong việc hỗ trợ nâng cao các hoạt động NCKH tại nhà trường.

Sinh viên Trường ĐH Bách khoa (ĐH Đà Nẵng) tham gia nghiên cứu các đề tài khoa học có tính ứng dụng cao.
Sinh viên Trường ĐH Bách khoa (ĐH Đà Nẵng) tham gia nghiên cứu các đề tài khoa học có tính ứng dụng cao.

Đam mê nghiên cứu

Dày công nghiên cứu từ tháng 7-2014, đến nay, đề tài “Xử lý sulfat hữu cơ, khử sắt trong nước thải tại Trạm xử lý nước thải Phú Lộc bằng chế phẩm vi sinh BIO-D.Oxamicus” của sinh viên Trịnh Thị Mỹ Hạnh, khoa Hóa, Trường ĐH Bách khoa và các bạn sinh viên trong trường đã xuất sắc lọt vào vòng thi bán kết Holcim Prize 2015 do Công ty Holcim Việt Nam tổ chức. Hạnh cho biết: “Chế phẩm vi sinh BIO-D.Oxamicus do nhóm chúng em nghiên cứu khi hoàn thành có thể ứng dụng xử lý nước thải không chỉ cho Trạm xử lý nước thải Phú Lộc mà còn có thể dùng cho nhiều trạm xử lý nước thải khác trong thành phố Đà Nẵng cũng như nhân rộng ra cả nước. Qua đó, làm giảm mùi hôi, cải thiện môi trường và góp phần bảo đảm sức khỏe của người dân xung quanh khu vực sông Phú Lộc”.

Cũng là một trong những sinh viên có đề tài NCKH lọt vào vòng thi bán kết Holcim Prize lần này, sinh viên Huỳnh Văn Dũng, khoa Cơ khí giao thông, Trường ĐH Bách khoa hào hứng cho biết: “Lấy ý tưởng từ mùa mưa tại Đà Nẵng, cứ hễ mưa lớn là ngập, nhất là mưa to gây ngập cục bộ và ùn tắc giao thông, có nơi nước ngập rất cao, xe máy, ô-tô rất dễ bị chết máy…, nhóm em thực hiện đề tài “Nghiên cứu chế tạo bê-tông và nhựa đường từ nhựa phế thải có khả năng thấm hút nước phục vụ tiêu úng nước trong giao thông về mùa mưa”. Với đề tài này, chúng em mong muốn sẽ nghiên cứu, chế tạo được một loại vật liệu phục vụ tiêu nước, qua đó giải quyết được vấn đề ngập úng nước tại các tụ điểm giao thông vào mùa mưa”.

Theo Hạnh và Dũng, việc NCKH tốn rất nhiều thời gian, công sức, nhưng do đã đam mê nên cả hai và cả nhóm sinh viên đều cố gắng hoàn thành. “NCKH là niềm đam mê của em, vì vậy, kết quả nghiên cứu thu được qua từng ngày, đó chính là niềm vui, niềm hạnh phúc lớn. Trong quá trình tham gia NCKH đã giúp em tiến gần hơn với thực tiễn, không còn là những kiến thức suông, là những câu chữ, con số hay những trang giáo án mơ hồ mà giờ đây đã được đưa ra phân tích trong phòng thí nghiệm, áp dụng vào thực tiễn, qua đó, giúp em củng cố kiến thức mà mình đã được học hơn”, Hạnh cho biết thêm.

Cần có những chính sách phù hợp

Từ khi mới thành lập, Trường ĐH Bách khoa đã thực hiện phương châm “học đi đôi với hành”, đào tạo gắn liền với NCKH và chuyển giao công nghệ. Vì vậy, phong trào NCKH trong sinh viên được duy trì và ngày càng phát triển cả chiều rộng lẫn chiều sâu. Theo PGS,TS Võ Chí Chính, Phó phòng Khoa học công nghệ và hợp tác quốc tế, Trường ĐH Bách khoa, số lượng sinh viên tại trường tham gia NCKH ngày càng đông. Hằng năm, có gần 200 đề tài sinh viên NCKH với nhiều thể loại, từ nghiên cứu cơ bản, thiết kế, xây dựng phần mềm đến triển khai ứng dụng hoặc chế tạo các sản phẩm công nghệ phục vụ đời sống và sản xuất.

Không những thế, nhiều sinh viên của trường tham gia và đoạt các giải thưởng NCKH có trong và ngoài nước như: Giải thưởng Tài năng khoa học trẻ; Giải thưởng Honda YES; Giải thưởng Holcim Prize; Giải thưởng Loa Thành; ITU Texax Intrument... Ngoài ra, nhiều đề tài của sinh viên đã tạo ra được các sản phẩm hoàn chỉnh có thể ứng dụng trong thực tế như xe lăn điện, gương thông minh, tàu lặn... PGS,TS Võ Chí Chính cho biết: “Hầu hết các sinh viên trong trường rất hăng say NCKH và nhận thấy vai trò tích cực của NCKH trong việc tiếp cận thực tế các vấn đề chuyên môn mà mình đang học tập. Nhờ NCKH, các sinh viên học hỏi được nhiều kiến thức thực tế, rất bổ ích. Đối với nhà trường, các kết quả NCKH của sinh viên là một trong những tiêu chí cho thấy chất lượng đào tạo tại trường; đồng thời, nhiều sinh viên đã góp sức và trí tuệ cùng các thầy cô thực hiện các đề tài cấp lớn hơn”.

Tuy nhiên, theo các sinh viên đang tham gia NCKH thì do chương trình học tập khá nặng nên thời gian dành cho NCKH bị hạn chế. Hơn nữa, muốn NCKH, sinh viên phải được trang bị kiến thức chuyên môn khá đầy đủ, muốn vậy chỉ có sinh viên năm thứ 4 và thứ 5 mới có thể tham gia được tốt. Song, nếu là sinh viên năm cuối thì các em thường bận với học tập, thực tập và làm luận văn tốt nghiệp. Vì vậy, thời gian tới, Trường ĐH Bách khoa sẽ triển khai nhiều chính sách khuyến khích sinh viên tham gia NCKH. Có thể kết hợp với các doanh nghiệp đặt hàng các đề tài nghiên cứu, đồng thời có giải pháp hỗ trợ sinh viên về kinh phí, phòng thí nghiệm, các cơ sở vật chất khác... để sinh viên tham gia và nghiên cứu hiệu quả các đề tài khoa học.

Bài và ảnh: Thanh Tình

.