Là một trong những đơn vị trọng điểm về đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực trong lĩnh vực văn hóa - nghệ thuật cho thành phố và các tỉnh, thành lân cận nhưng Trường Trung học Văn hóa - Nghệ thuật (VHNT) Đà Nẵng đang đối mặt với không ít khó khăn. Trong đó, vấn đề làm Ban giám hiệu và tập thể giảng viên của trường “đau đầu” nhất là chất lượng đào tạo khó đáp ứng yêu cầu mới.
Một buổi học múa tại Trường Trung học Văn hóa - Nghệ thuật Đà Nẵng. |
Đìu hiu “đầu vào”
Không đủ chỉ tiêu, thậm chí “trắng” hồ sơ ở một số ngành cơ bản là thực trạng đáng báo động trong công tác tuyển sinh các ngành VHNT tại Trường Trung học VHNT Đà Nẵng thời gian gần đây. Đặc biệt, vài năm trở lại đây, thí sinh có hộ khẩu Đà Nẵng nếu trúng tuyển vào trường sẽ được giảm đến 70% học phí, nhưng không mấy ai mặn mà.
Bà Nguyễn Thị Hội An, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết hằng năm, với 12 ngành đào tạo, việc tuyển sinh của trường chia 3 đợt, từ tháng 7 đến hết tháng 11. Từ khoảng năm 2012-2013, tình hình tuyển sinh bắt đầu khó khăn hơn. Tổng chỉ tiêu trúng tuyển vào trường liên tục giảm. Cụ thể, năm 2012, tỷ lệ học sinh đậu vào trường là 402/450; đến năm 2013 là 293/450 và năm 2014 là 232/450 thí sinh.
Điều đáng nói là do trường thường xuyên đối mặt với tình trạng thiếu thí sinh dự thi nên công tác tuyển chọn chất lượng người học không thể gắt gao như trước. Việc nới lỏng các tiêu chuẩn trúng tuyển nhằm đáp ứng yêu cầu về “lượng” dẫn đến sự giảm sút tất yếu về “chất”. “Có bột mới gột nên hồ.
Nhìn trên mặt bằng chung, chất lượng học sinh vào trường vài năm trở lại đây không được như trước, tình trạng bỏ học giữa chừng cũng không còn hiếm gặp khi người học tìm được nơi học hoặc công việc phù hợp hơn, hoặc đơn giản vì không đủ sức theo nghề... Cần thừa nhận đây cũng là một trong những yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo”, một giảng viên của trường Trung học VHNT nhìn nhận.
Trong khi đó, Hiệu trưởng Nguyễn Thị Hội An cho rằng, kinh phí đào tạo một số ngành học khá cao cũng là một trong những lý do khiến nhà trường khó tuyển sinh. Chẳng hạn, khóa đàn nhị có kinh phí đào tạo 80 triệu đồng/học sinh. Những năm qua, bộ môn này tuyển chỉ được từ 1-2 học sinh.
Bà Hội An hy vọng với cơ chế nới rộng đối tượng tuyển sinh mà UBND thành phố vừa cho phép, cụ thể là không chỉ ưu đãi học phí cho học sinh có hộ khẩu Đà Nẵng, trong năm học mới này, Trường Trung học VHNT có thể chủ động “chọn lọc” được người học, đồng thời giải được bài toán thiếu chỉ tiêu, đìu hiu “đầu vào”.
Nỗ lực toàn diện
Bên cạnh vấn đề chất lượng đầu vào, bà Hội An cho rằng, các yếu tố khách quan như cơ sở vật chất, chương trình giảng dạy… góp phần ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo của trường. Trường Trung học VHNT đã được thành lập gần 40 năm nên hiện tại cơ sở vật chất xuống cấp, lạc hậu. Chẳng hạn, phòng tập múa phải đáp ứng đủ diện tích sàn, chiều cao tối thiểu; phòng tập thanh nhạc cần cách âm nhưng những đòi hỏi này vẫn chưa được đáp ứng.
Chương trình đào tạo theo khung của Bộ GD&ĐT từ nhiều năm trước nay ít nhiều có phần lạc hậu so với yêu cầu mới. “Như với ngành múa, nếu chúng ta cứ múa đi múa lại những bài khuôn mẫu từ nhiều năm trước thì rất khó hấp dẫn người học. Đối với môn thanh nhạc hay những môn khác cũng tương tự”, bà Hội An dẫn chứng.
Để khắc phục thực tế này, bà Hội An cho biết, thời gian gần đây, trường đã liên tục “linh động” thay đổi chương trình (trong giới hạn 30% được cho phép) như cập nhật những điệu múa, hát mang hơi thở của cuộc sống hiện đại vào chương trình học; giảm những phần học nặng nề, không cần thiết, đồng thời thêm vào những kiến thức, kỹ năng mới, nhằm trang bị những hành trang tốt nhất, cần thiết nhất cho học sinh khi ra trường…
Trao đổi với chúng tôi về chất lượng đào tạo của trường, bà Hội An cho rằng, tài năng, trí tuệ của giáo viên luôn là yếu tố có tính quyết định đến chất lượng dạy và học. Vì vậy, những năm qua, nhà trường đã rất quyết liệt trong công tác đôn đốc giáo viên đi học để nâng cao trình độ.
Song song với việc cử người đi học, thời gian tới, Trường Trung học VHNT sẽ xúc tiến việc mời thầy, cô nghệ sĩ giỏi tại Đà Nẵng và các tỉnh, thành phố khác tham gia giảng dạy tại trường nhằm góp phần nâng cao chất lượng đào tạo nghệ thuật. Điều này đặc biệt có ý nghĩa trong giai đoạn Trường Trung học VHNT chuyển mình lên bậc cao đẳng đang được nhà trường và các cấp, ngành liên quan xúc tiến.
Bài và ảnh: THANH TÂN