Giáo dục

Nâng cao chất lượng giáo viên nghề: Không dễ!

08:05, 02/06/2015 (GMT+7)

Nâng cao chất lượng giáo viên dạy nghề (GVDN) là yếu tố then chốt góp phần đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, thúc đẩy thị trường lao động phát triển.

Đó cũng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Đề án Phát triển GVDN thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2013-2020.

Giảng viên hướng dẫn sinh viên thực hành tại Trường CĐ nghề Đà Nẵng.
Giảng viên hướng dẫn sinh viên thực hành tại Trường CĐ nghề Đà Nẵng.

Chưa đáp ứng yêu cầu

Theo mục tiêu của Đề án vừa được UBND thành phố phê duyệt, đến năm 2020, địa phương sẽ tuyển mới 484 GVDN, trong đó có 172 giáo viên dạy CĐ, 204 giáo viên dạy trung cấp và 108 giáo viên dạy sơ cấp. Đến năm 2020, 100% GVDN phải có trình độ chuyên môn đủ chuẩn, được đánh giá, cấp chứng nhận về kỹ năng nghề và có kỹ năng sư phạm dạy nghề.

Tuy nhiên, theo khảo sát của Sở LĐ-TB&XH thành phố Đà Nẵng, hiện nay, trình độ kỹ năng nghề và kỹ năng sư phạm của đội ngũ giáo viên vẫn chưa đủ chuẩn so với quy định về cả ba tiêu chí: trình độ chuyên môn, kỹ năng nghề và kỹ năng sư phạm. Ngoài ra, yếu ngoại ngữ cũng là một trong những hạn chế của GVDN. “Xu hướng dạy nghề hiện nay tiếp cận đến trình độ khu vực và quốc tế. Tuy nhiên, phần lớn GVDN chưa đủ khả năng ngoại ngữ để giao tiếp, tự nghiên cứu các tài liệu hoặc dạy nghề bằng tiếng Anh khi nhà trường liên kết với các cơ sở dạy nghề nước ngoài”, ông Nguyễn Văn An, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH cho biết.

Thực tế, việc tìm GVDN đáp ứng đủ yêu cầu hiện nay không dễ. Năm ngoái, Trường CĐ nghề số 5 (Bộ Quốc phòng), đóng trên địa bàn quận Ngũ Hành Sơn, thông báo tuyển giáo viên nhiều ngành nghề: hàn, công nghệ ô-tô, kỹ thuật máy lạnh và điều hòa không khí, quản trị mạng, kỹ thuật sửa chữa, lắp ráp máy tính, điện tử công nghiệp, công nghệ thông tin… Tuy nhiên, sau 2 đợt xét hồ sơ, chỉ có 2 giáo viên trúng tuyển và họ phải qua một lớp đào tạo kỹ năng nghề.

Đãi ngộ thấp

Tuyển giáo viên đã khó nhưng giữ chân họ cũng không dễ. Không ít GVDN đã bỏ nghề để tìm việc tại các công ty khác bởi mức thu nhập ở đó cao hơn nhiều. Bởi vậy, hiện nay, các giáo viên được tuyển dụng tại nhiều trường nghề trên địa bàn thành phố hầu hết là sinh viên mới tốt nghiệp. Bên cạnh lòng nhiệt tình và sức trẻ, các giáo viên này đều thiếu nhiều kỹ năng, kinh nghiệm trong hoạt động dạy nghề, nhất là khâu giảng dạy thực hành.

Công tác tại Trường CĐ nghề Đà Nẵng đã gần chục năm nhưng tổng thu nhập của thầy Lê Đình Cảnh (khoa Điện tử) chỉ khoảng 6 triệu đồng/tháng. “Nếu không có lòng yêu nghề thì rất khó gắn bó với bục giảng. Thu nhập tại trường không đủ trang trải chi phí trong gia đình”, thầy Cảnh chia sẻ. Ngoài những giờ dạy ở trường, thầy Cảnh còn bán thêm đồ điện hoặc nhận hợp đồng bắc điện tại nhà. Nhiều giáo viên phải nhận dạy hợp đồng thêm tại một số cơ sở khác. Theo thống kê chưa đầy đủ của Sở LĐ-TB&XH, mức thu nhập trung bình của giáo viên dạy nghề hiện nay khoảng 5-6 triệu đồng/tháng và phụ cấp bình quân khoảng 400.000 đồng/tháng.

Ông Nguyễn Văn An, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH, cho rằng muốn nâng cao chất lượng GVDN, điều quan trọng nhất là cần hoàn thiện các chính sách hỗ trợ và thu hút. Phải có chính sách thu hút và đãi ngộ phù hợp thì mới giữ chân họ. Đồng thời, cũng phải tạo điều kiện cho đội ngũ giáo viên cũng như cán bộ quản lý dạy nghề nâng cao trình độ chuyên môn theo các chương trình đào tạo của Trung ương và địa phương…

Đà Nẵng hiện có 56 cơ sở dạy nghề, trong đó có 22 cơ sở dạy nghề công lập (chiếm 39,29%), 34 cơ sở ngoài công lập (chiếm 60,71%). Hiện thành phố có khoảng 1.500 giáo viên cơ hữu.

Bài và ảnh: PHƯƠNG TRÀ

.