Giáo dục

Trường nghề khó tuyển sinh

07:26, 29/06/2015 (GMT+7)

Nhiều trường nghề khó tuyển sinh, phân luồng chưa hiệu quả là những vấn đề nóng được đưa ra tại Hội nghị triển khai Đề án “Đào tạo lao động dịch vụ chất lượng cao trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đến năm 2020” do Sở LĐ-TB&XH Đà Nẵng tổ chức ngày 26-6.

Học nghề để làm gì?

“Khi chúng tôi đi tư vấn hướng nghiệp, đại diện lãnh đạo nhiều trường còn hỏi học nghề làm gì. Đó là quan niệm chưa đúng không chỉ của phụ huynh và học sinh hiện nay mà còn của những người làm trong ngành giáo dục. Điều đó chứng tỏ nhận thức về ý nghĩa của việc học nghề của nhiều người còn hạn chế”, ông Đặng Phúc Sinh, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề Việt - Úc nói.

Ông Sinh cho biết, trong 25 trường mà ông đi khảo sát, chỉ có 20 trường đồng ý, còn 5 trường không đồng ý tư vấn hướng nghiệp cho học sinh trong giờ chào cờ.

Là một trong những đơn vị uy tín với số lượng tuyển sinh lớn hằng năm, nhưng Trường Cao đẳng nghề Đà Nẵng cũng đang gặp khó. “Hiện nay, các trường nghề như chúng tôi ít được tham gia các chương trình tư vấn tuyển sinh, mà chủ yếu dành cho các trường đại học, cao đẳng.

Thông tin về các trường cao đẳng, trung cấp nghề chưa được Bộ GD&ĐT phổ biến trong hoạt động hướng nghiệp nên học sinh ít biết về các trường nghề để đăng ký học”, bà Thái Thị Hoa, Phó hiệu trưởng Trường Cao đẳng nghề Đà Nẵng nói. Theo bà Hoa, công tác tuyên truyền về học nghề trên các phương tiện thông tin đại chúng còn hạn chế nên học sinh ít biết thông tin để lựa chọn.

Nhiều đại biểu cho rằng, luật giáo dục nghề nghiệp đã ban hành nhưng các văn bản hướng dẫn thực hiện kèm theo chưa rõ ràng. “Các nhà tuyển dụng chưa quan tâm và chưa tham gia nhiều vào việc đào tạo, chủ yếu các trường tự đào tạo và tự tìm cách liên kết, liên hệ với nhà tuyển dụng”, bà Hoa nêu ý kiến.

Phân luồng chưa hiệu quả

Ông Nguyễn Văn Dũng, Trưởng phòng Giáo dục chuyên nghiệp - giáo dục thường xuyên thuộc Sở GD&ĐT Đà Nẵng cho biết, việc phân luồng tại Đà Nẵng trong thời gian qua chưa thực sự hiệu quả. Năm 2013, thành phố có hơn 10.000 em tốt nghiệp THCS thì chỉ có 592 em học nghề (chiếm 5,9%).

Năm 2014, thành phố có hơn 11.000 em tốt nghiệp THCS thì chỉ 615 em học nghề (chiếm 5,4%). Và theo ông Dũng, mặc dù Đà Nẵng đi trước nhiều địa phương về phổ cập THCS nhưng số học sinh qua đào tạo nghề chiếm tỷ lệ rất nhỏ. Tính đến cuối năm 2014, hơn 44.000 em tốt nghiệp THPT, TCCN, nghề…, trong đó chỉ 1,46% số em học nghề.

“Ở nhiều nước, sự định hướng về nghề nghiệp rất rõ nét, còn ở mình thì chưa có nên các trường đại học, cao đẳng mặc nhiên “hút” hết học sinh bởi tâm lý chuộng bằng cấp còn nặng. Nhiều trường nghề hiện nay gặp khó, có nơi phải đóng cửa là điều đương nhiên. Bởi vậy, phải có chính sách ưu tiên, đãi ngộ cho người học nghề”, ông Dũng cho biết.

Đồng quan điểm với ông Dũng, bà Thái Thị Hoa nói: “Thực tế công tác phân luồng học sinh, sinh viên học nghề tại các trường THCS, THPT ở Đà Nẵng chưa được chú trọng nhiều. Việc lựa chọn, đăng ký học nghề chưa có định hướng tốt, chọn nghề không phù hợp với khả năng, sở trường nên khi vào học dễ chán nản, khó cho công tác tuyển sinh học nghề”.

Còn theo ông Đặng Phúc Sinh, nên có nguồn vốn tài trợ cho việc học nghề cho học sinh THPT để khuyến khích các em đi vào lĩnh vực nghề thay vì học đại học; đồng thời, tăng cường công tác tuyển sinh học nghề, tạo điều kiện cho các trường nghề tiếp cận với các trường THPT, THCS.

Theo báo cáo của Sở LĐ-TB&XH Đà Nẵng, trong 6 tháng đầu năm, các cơ sở dạy nghề đã tuyển sinh mới được hơn 18.000 học viên, đạt hơn 40% so với kế hoạch, trong đó có 369 học viên học cao đẳng nghề, 350 học viên học trung cấp nghề, còn lại là sơ cấp và dạy nghề thường xuyên.

PHƯƠNG TRÀ

.