Giáo dục

Dạy chữ ở làng Hy Vọng

08:19, 10/08/2015 (GMT+7)

Đến làng Hy Vọng vào một ngày nắng ấm đầu tháng 8, chúng tôi chứng kiến không khí nhộn nhịp chuẩn bị cho năm học mới.

Tặng xe đạp cho làng Hy Vọng, chuẩn bị năm học mới.
Tặng xe đạp cho làng Hy Vọng, chuẩn bị năm học mới.

Trong khu nhà gia đình, các em hối hả bọc sách vở, sắp xếp lại vị trí học tập, sửa sang bồn hoa, cây cảnh… Bên ngoài khu gia đình, nhiều tình nguyện viên đang giúp sơn mới tường rào, cổng ngõ. Đây là những hoạt động thường xuyên suốt nhiều năm qua ở làng Hy Vọng trước khi bước vào năm học mới.

Làng Hy Vọng nằm trên địa bàn phường Thanh Khê Tây (quận Thanh Khê), được thành lập năm 1993, do Tổ chức Đông Tây Hội ngộ, Hội Phụ nữ Dân chủ Nhật Bản và Công ty Unilever Việt Nam tài trợ, nuôi dạy trẻ mồ côi và trẻ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn ở khu vực Quảng Nam-Đà Nẵng. Hiện tại, làng đang nuôi 119 em (có 20 em khiếm thính) và được bố trí ở trong 12 gia đình. Tất cả trẻ bình thường đều được đi học tại các trường công lập. Các em khiếm thính được học văn hóa và học nghề ngay tại làng để lớn lên có cơ hội tìm được việc làm.

22 năm qua, làng Hy Vọng đã chắp cánh tương lai cho bao trẻ em nghèo, bơ vơ, khuyết tật. 560 học sinh từ làng này đã và đang làm việc ở nhiều nơi. 36 em đã tốt nghiệp đại học, 39 em đang tiếp tục trên các giảng đường đại học trong nước và nước ngoài. Trong đó, Lê Thị Bình là một minh chứng về sự thương yêu, đùm bọc của xã hội đối với các phận đời éo le. Mồ côi cha mẹ khi còn nhỏ, Bình được đón vào làng từ khi học lớp 2. Trong sự cưu mang, đùm bọc của cán bộ, giáo viên và các cô bảo mẫu, Bình đã miệt mài học tập, phấn đấu, bây giờ là thông dịch viên tiếng Nhật, làm việc tại Văn phòng Hội Phụ nữ Dân chủ Nhật Bản ở Đà Nẵng...

Đội ngũ cán bộ, công nhân viên làng Hy Vọng đã vượt qua nhiều khó khăn, vất vả để dạy chữ, dạy nghề cho các em khuyết tật. Tất cả cùng chung tâm nguyện làm cho ngôi làng trở thành mái ấm gia đình của những đứa trẻ mồ côi, nghèo khổ. Điều ít ai ngờ là những người làm việc ở làng này có mức lương rất thấp (bình quân khoảng 2,5 - 3 triệu đồng/tháng). Vậy mà, hơn 2 thập niên qua, cán bộ, giáo viên, nhân viên nơi đây vẫn một lòng say mê gắn bó với công việc. “Chúng tôi làm việc vì lòng thương yêu trẻ, vì tâm nguyện lo cho tương lai của các em”, Giám đốc làng Hy Vọng Phan Thanh Vinh chia sẻ.

Nhiệt tình, tâm huyết và lòng nhân ái của đội ngũ cán bộ, giáo viên đã lan tỏa sang các em với bao việc làm cao đẹp. Cụ thể như Hồ Thị Hiền (huyện Duy Xuyên, Quảng Nam) được đón vào làng năm 1997, học hết phổ thông và trở thành thợ may giỏi. Hiền đã có việc làm ổn định tại một nhà may lớn, thu nhập khá, nhưng tự nguyện trở lại làng, làm giáo viên dạy may cho các em khiếm thính. Lê Ngọc Đức thi đỗ Trường ĐH Bách khoa (ĐH Đà Nẵng), rồi được một nhà hảo tâm đỡ đầu đi du học ở Mỹ.

Cuộc sống đủ đầy nơi đất khách càng làm Đức nhớ các mẹ, thầy cô và lớp đàn em đang ở làng với những bữa cơm đạm bạc và Đức đã dành tiền học bổng gửi về hỗ trợ cho tất cả học sinh trong làng, mỗi em một suất quà. Chị Nguyễn Thị Thanh Thúy ngày nào là học sinh khuyết tật ở đây, bây giờ tự nguyện làm giáo viên dạy nghề cho thế hệ đàn em cùng cảnh ngộ tại làng… Còn biết bao tấm gương khác ở làng Hy Vọng mà chúng tôi chưa đề cập tới. Hy vọng từ ngôi làng này sẽ có những đứa trẻ vững bước vào đời đầy tự tin từ chính những gì đã được dạy dỗ…

Làng Hy Vọng được cho là nơi tổ chức chào cờ đầu tuần sớm nhất ở thành phố Đà Nẵng - lúc 5 giờ, vì sau đó các em phải lo đến trường. Học sinh nơi đây nói rằng, sáng thứ hai hằng tuần, các em vinh dự được chào cờ 2 lần: 1 lần tại làng và 1 lần tại trường.

Bài và ảnh: LÊ VĂN THƠM

.