Giáo dục
Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam: Tất cả phải vì học sinh thân yêu
Sáng 12-8, thông qua 6 điểm cầu: Hà Nội, Thái Nguyên, Nghệ An, Đà Nẵng, thành phố Hồ Chí Minh, Cần Thơ, Bộ GD&ĐT tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết năm học 2014-2015 và triển khai nhiệm vụ năm học 2015-2016 của giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên. Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam đến dự và chỉ đạo hội nghị.
Sau khi nghe báo cáo của Bộ GD&ĐT, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đánh giá cao những thành công bước đầu của ngành GD&ĐT trong giai đoạn đầu triển khai Nghị quyết 29 của BCH Trung ương Đảng (Nghị quyết 29). Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng cũng chỉ ra nhưng mặt hạn chế và yêu cầu ngành GD&ĐT sớm khắc phục như: khó khăn về cơ sở vật chất; việc thực hiện Thông tư 30 về đánh giá học sinh tiểu học; hạn chế về giáo dục đạo đức, lối sống và kỹ năng sống cho học sinh; hiện tượng dạy thêm, học thêm tràn lan, thu chi không đúng quy định, sổ sách của giáo viên quá nhiều; việc giáo dục ý thức tự quản, lao động vệ sinh, tự phục vụ trong nhà trường chưa được khắc phục triệt để.
Phó Thủ tướng lưu ý với ngành GD&ĐT: “Việc tiếp tục triển khai các công việc trên tinh thần cầu thị, nhìn thẳng vào hạn chế bất cập để điều chỉnh với phương châm tất cả phải vì học sinh thân yêu”.
Theo Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển, trong năm học 2014-2015, các cấp quản lý giáo dục đã phối hợp với các cơ quan hữu quan và các cơ quan thông tin truyền thông đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền quán triệt Nghị quyết 29 về các chủ trương, nhiệm vụ lớn của ngành như: việc đổi mới kiểm tra, đánh giá học sinh tiểu học; tổ chức kỳ thi THPT quốc gia, đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông; kịp thời biểu dương người tốt, việc tốt trong các hoạt động đổi mới. Công tác giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh và tăng cường các điều kiện bảo đảm chất lượng giáo dục được chú trọng. Tính đến năm học 2014-2015, cả nước đã thành lập được 2.410 trường mầm non, phổ thông ngoài công lập.
Đặc biệt, kỳ thi THPT quốc gia 2015 đã được chuẩn bị chu đáo, giảm tốn kém cho xã hội và người dân. Kết quả thi phản ánh trình độ người học, làm căn cứ để xét tốt nghiệp THPT, đồng thời cung cấp dữ liệu cho các cơ sở giáo dục ĐH và giáo dục nghề nghiệp xét tuyển sinh. Kết thúc kỳ thi, tỷ lệ tốt nghiệp giáo dục THPT là 93,42%, giáo dục thường xuyên 70,08%. Tỷ lệ tốt nghiệp THPT quốc gia chung là 91,58%
Năm học 2015-2016, ngành GD&ĐT đề ra phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm như: tiếp tục thực hiện đổi mới công tác quản lý GD&ĐT; tập trung các giải pháp tích cực để củng cố vững chắc và nâng cao kết quả phổ cập giáo dục tiểu học, THCS ở một số địa phương; đổi mới đồng bộ hình thức tổ chức và phương pháp dạy học, đánh giá chất lượng giáo dục phổ thông; tập trung công tác xã hội hóa và tăng cường các điều kiện bảo đảm chất lượng giáo dục; tiếp tục triển khai Đề án Ngoại ngữ quốc gia và công tác phổ cập cho trẻ mầm non 5 tuổi và giáo dục mầm non ở các khu công nghiệp, khu chế xuất.
Riêng với kỳ thi THPT quốc gia, sẽ tổ chức rút kinh nghiệm nghiêm túc từ Bộ đến các địa phương, các trường ĐH về công tác chuẩn bị, tổ chức coi thi, chấm thi, công bố và sử dụng kết quả thi... để hoàn thiện các khâu của quá trình tổ chức thi; đồng thời xem xét điều chỉnh thời gian tổ chức thi phù hợp từ năm 2016 và những năm tiếp theo.
Tại hội nghị, 25 Sở GD&ĐT đạt thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua thực hiện nhiệm vụ năm học 2014-2015 đã vinh dự được tặng Cờ thi đua của Bộ GD&ĐT. Ngoài ra, Bộ GD&ĐT cũng tặng Bằng khen cho 38 Sở GD&ĐT có thành tích xuất sắc thực hiện nhiệm vụ năm học 2014-2015.
P.V